Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  

Phát triển kinh tế làng nghề: Trăn trở để nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh

Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024 | 20:44

Làng nghề được xác định là nguồn lực quan trọng, cần được khai thác hiệu quả để góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân.

 

Chế tác sản phẩm mỹ nghệ tại làng nghề Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh). (Ảnh: Đỗ Tâm)

Hà Nội: Giải pháp khai thác nguồn lực trong phát triển làng nghề

Phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Trong đó, làng nghề được xác định là nguồn lực quan trọng, cần được khai thác hiệu quả để góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có 274 làng được công nhận là làng nghề và 48 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Làng nghề Hà Nội tập trung vào 6 nhóm nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động.

Trong những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20-50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Chủ tịch UBND xã Vân Hà (huyện Đông Anh) Đỗ Thị Hảo chia sẻ, xã có nghề sản xuất gỗ, thủ công mỹ nghệ ở thôn Thiết Úng nổi tiếng cả nước. Trung bình mỗi năm đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và vùng lân cận. Nhờ kinh tế làng nghề, xã Vân Hà sớm hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, như thu nhập bình quân đầu người, lao động nông thôn, hạ tầng giao thông…; đồng thời giúp địa phương hoàn thiện nhiều tiêu chí để xã lên phường.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, Phú Xuyên hiện có hơn 150 thôn, cụm dân cư có nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Đến nay, toàn huyện có 43 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận. Tiêu biểu là các làng nghề khảm trai, mây giang đan, đồ mộc, nông sản, thực phẩm, dệt may, cơ khí, tơ lưới, da giày…

Mặc dù nguồn lực làng nghề Hà Nội là khá lớn, song nhiều địa phương chưa khai thác hết thế mạnh, tiềm năng.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, nhiều làng nghề đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất, sản phẩm cũng đa dạng hơn, nhưng chất lượng, mẫu mã cũng như công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế. Đặc biệt, không gian cho các làng nghề phát triển đang là bài toán cần được giải quyết sớm, bởi hầu hết các làng nghề nằm trong khu dân cư.

Nghệ nhân Tạ Thu Hương, người nổi tiếng với nghề nón lá tại làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Để giữ nghề, làm giàu từ nghề, tôi phải chủ động đổi mới mẫu mã, đa dạng các kênh bán hàng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, gia đình tôi xuất khẩu được hơn 60.000 sản phẩm/năm sang nhiều nước ở khu vực châu Âu, châu Á. Gia đình tôi mong muốn có xưởng sản xuất quy mô lớn, gắn với các chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm để tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương”.

Năm 2024 là năm bản lề để Hà Nội thực hiện các mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU đề ra. Đối với vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã nhấn mạnh vào 3 nguồn lực chính, là: Hợp tác xã, kinh tế trang trại và làng nghề. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, với thế mạnh về làng nghề, Hà Nội hoàn toàn có thể thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nhanh hơn nữa.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian qua, nhiều quận, huyện, thị xã đã xây dựng các khu, cụm công nghiệp, nhằm thúc đẩy phát triển các làng nghề. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật được 4 cụm công nghiệp, là: Cụm công nghiệp Đông Phú Yên, huyện Chương Mỹ; Cụm công nghiệp Tam Hiệp và Cụm công nghiệp Liên Hiệp - giai đoạn 2, huyện Phúc Thọ; Cụm công nghiệp Xà Cầu, huyện Ứng Hòa. Thành phố cũng đã giao Sở NN&PTNT Hà Nội hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trước ngày 30-9-2024 để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để Hà Nội khai thác hiệu quả nguồn lực từ các làng nghề, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống Nhân dân.

Ninh Bình: Giữ gìn nghề làm nước mắm truyền thống Kim Sơn

Kế thừa và gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ đã giúp những người làm nghề sản xuất nước mắm tại Kim Sơn nắm giữ cho riêng mình công thức, bí quyết làm ra các loại nước mắm truyền thống nguyên chất, thượng hạng.

Nghề làm nước mắm truyền thống được hình thành tương đối sớm ở vùng quê miền biển Kim Sơn với quy trình sản xuất khá hoàn thiện. Tuy không xác định được cụ thể thời gian ra đời hay ông tổ của làng nghề nước mắm này là ai, nhưng theo các vị cao niên, họ đã là đời thứ 4 tiếp nối nghề, đến nay đã hơn 100 năm. Đầu những năm 2000, nghề làm nước mắm ở Kim Sơn đã bắt đầu nổi tiếng về chất lượng và số lượng. Nói đến nước mắm Kim Sơn, chúng tôi được chỉ ngay đến nhà bà Cù Thị Nhàn (phố Năm Dân, thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn).

Sản phẩm nước mắm truyền thống Kim Sơn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Đây là một trong những hộ làm nước mắm kỳ cựu, ngon có tiếng và có thương hiệu lâu đời. Trong không gian tràn ngập hương vị của mắm truyền thống, chúng tôi nghe bà Nhàn say sưa kể nhiều câu chuyện thú vị xung quanh việc làm ra chai nước mắm nguyên chất mà bà được truyền dạy, tích lũy gần một đời người. Nghề theo người, người ta cũng hay gọi bà gắn với cái tên gần gũi: "cô Nhàn mắm".

Bà Nhàn nói vui, người làm nghề làm mắm như chúng tôi được sinh ra trên đống cá, từ bé đã biết chọn cá, chọn muối, ủ chượp… Nghề lắm cầu kỳ và vất vả nhưng nó đã nằm trong máu thịt nên khi làm nghề cũng càn tâm càn lực để tạo ra những giọt nước mắm tinh túy nhất, chất lượng nhất đến tay khách hàng. Cái tên thương hiệu của cơ sở đặt là "Kim Hải" cũng có ý nghĩa nhất định. Kim trong Kim Sơn, Hải là biển, Kim Hải còn có nghĩa là vàng biển.

Theo bà Nhàn, nước mắm được đánh giá là chuẩn, ngon chỉ đơn giản làm ra từ cá tươi nguyên con và muối, đem ướp chượp với nhau, chưng cất rồi giã thành mắm. Không có bất kì sự can thiệp của các loại gia vị, chất bảo quản nào, mọi công đoạn cũng hoàn toàn làm bằng thủ công. Qua nhiều tháng, có khi tính bằng vài năm mới cho ra một mẻ nước mắm nguyên chất, độ đạm cao, đậm đà, có hậu vị ngọt tự nhiên. Đặc biệt, nguyên liệu làm mắm phải từ cá biển tươi mới cho ra được mùi mắm đặc trưng, thơm lừng.

Thời kỳ hưng thịnh, mỗi tháng, xí nghiệp chế biến hải sản Kim Hải của bà Cù Thị Nhàn cung cấp cho thị trường khoảng trên 20.000 lít nước mắm, với nhiều loại khác nhau như mắm chắt, mắm tép, mắm tôm, mắm cáy, mắm chua… Sản phẩm chinh phục được đa dạng thị trường từ Bắc vào Nam, nhất là các nhà hàng, các cơ sở sản xuất giò chả và bếp ăn tập thể. Không chỉ gia đình bà Nhàn, gia đình anh Nguyễn Hồng Phi (phố Năm Dân, thị trấn Phát Diệm) cũng đã bao đời gắn bó với nghề truyền thống này.

Thuộc thế hệ người trẻ làm nghề, tuy dành sự quan tâm cho việc bán hàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhưng tuyệt nhiên, anh không vì lợi nhuận, thị hiếu mà đánh mất tính nguyên bản của nước mắm truyền thống. Anh Phi cho rằng, đề cao tính nguyên chất của nước mắm là sự tôn trọng với nghề truyền thống. Cái đậm đà, ngon ngọt của mắm vùng quê Kim Sơn không chỉ xuất phát từ nguyên liệu, mà còn đến từ truyền thống không pha chế, không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng phụ gia, chất tạo màu tạo mùi, không sử dụng đạm tổng hợp, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.

Qua nhiều năm, nước mắm Kim Sơn vẫn giữ được uy tín trong nghề, mùi vị đặc trưng và hương thơm đặc biệt nhờ vào kinh nghiệm dân gian cũng như kỹ thuật làm nước mắm gia truyền. Thế nhưng những năm gần đây, sự cạnh tranh của nước chấm và nước mắm công nghiệp khiến nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ bị lép vế.

Bà Nhàn cho biết: Khi nước mắm công nghiệp "lấn sân" với giá rẻ hơn, đa dạng mẫu mã, chủng loại; quảng cáo rộng rãi khiến cho phần nào thị trường đầu ra của nước mắm truyền thống gặp khó. Đến nay, sản lượng nước mắm tại cơ sở cũng đã giảm nhiều so với trước. Thêm việc hạn chế về mặt nguyên liệu đầu vào, mua cá tươi phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập từ tỉnh ngoài khiến sản lượng cá làm mắm giảm.

Anh Phi chia sẻ: Nghề làm mắm truyền thống vất vả, cầu kì, lợi nhuận không cao, hiện nay phải cạnh tranh nhiều nên ít những bạn trẻ yêu thích nghề, muốn gắn bó với nghề. Tuy nhiên, những người làm nghề tâm huyết như anh vẫn luôn quyết tâm giữ nghề truyền thống, trăn trở để tạo ra sản phẩm chất lượng hơn, tìm kiếm nhiều khách hàng hơn.

Từ đó có thể mở rộng sản xuất, quy mô xưởng, phát triển nghề bền vững. Theo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn thống kê, toàn huyện có 12 cơ sở, hộ sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống. Các sản phẩm đều đã đăng ký, tham gia sản xuất, chế biến theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, được chứng nhận sản phẩm đạt VSATTP. Sản phẩm bảo đảm quy định về tem nhãn, xuất xứ.

Một số cơ sở, hộ chế biến đã chú trọng đầu tư xây bể, mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc trang thiết bị, tích cực áp dụng khoa học kĩ thuật vào từng công đoạn sản xuất, đóng gói sản phẩm như: máy dán nhãn, in phun, hệ thống lọc… Đồng thời, chú trọng khâu xử lý vệ sinh môi trường trong khu vực sản xuất, nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Song hầu hết các cơ sở đều hoạt động nhỏ lẻ, thiếu vốn, việc quảng bá truyền thông, xây dựng thương hiệu còn yếu nên thị trường tiêu thụ hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Ông Trần Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phát Diệm cho biết: Để sản phẩm thực sự đến tay người tiêu dùng một cách bền vững, rộng rãi trong điều kiện hiện nay thì ngoài nâng cao chất lượng bên trong, các cơ sở cần chú trọng đến mẫu mã, hình thức bên ngoài, đăng ký nhãn hiệu và nuôi dưỡng thương hiệu. Chủ trương của thị trấn là hỗ trợ tối đa những gì có thể để cùng chia sẻ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người dân an tâm sản xuất sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của khách hàng, đưa sản phẩm nước mắm Kim Sơn vươn xa.

Hà Nam: Quan tâm phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi phát huy giá trị làng nghề

Nghệ nhân, thợ giỏi được xem là hạt nhân của các làng nghề, làng nghề truyền thống. Do đó, những năm qua, tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm thực hiện tốt việc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề.

Tỉnh Hà Nam hiện có 58 làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động ở các nhóm ngành nghề: Chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các ngành nghề này đã và đang đem lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị kinh tế cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Vẻ đẹp ở làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh Hà Nam luôn xác định cần phải khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và lồng ghép xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh quan tâm phát huy tốt vai trò, tài năng của các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề. Được xem là người truyền “lửa” để làng nghề tồn tại, phát triển, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi không chỉ là lực lượng tạo ra giá trị kinh tế cho làng nghề mà còn góp phần quan trọng trong công tác truyền dạy nghề, truyền “lửa” nghề cho đội ngũ trẻ kế cận.

Đến nay, tỉnh Hà Nam đã phát triển được 24 nghệ nhân (gồm 1 nghệ nhân ưu tú, 23 nghệ nhân cấp tỉnh) và hàng trăm thợ giỏi ở các làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các nghề: dệt, thêu ren, trống,  gốm, chạm khắc gỗ. Không ít nghệ nhân, thợ giỏi đã đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống.

Theo nghệ nhân Phạm Văn Thực, làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên), danh hiệu nghệ nhân chính là sự ghi nhận, tôn vinh của Nhà nước đối với những đóng góp của đội ngũ người làm nghề. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, thợ giỏi nhưng khi được trao danh hiệu này, chúng tôi rất vinh dự, tự hào và luôn coi việc phát triển sản phẩm, phát triển đội ngũ có tay nghề là trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Được biết, làng nghề dệt lụa Nhà Xá là một trong số 7 làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh đã phát triển được nghệ nhân. Tại hội nghị xét chọn danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2023 diễn ra mới đây, làng nghề truyền thống Nha Xá có thêm 2 thợ giỏi có hồ sơ đề nghị xét chọn danh hiệu nghệ nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định nâng tổng số nghệ nhân của làng nghề lên 4 người. Đây được xem là nhân tố giúp làng nghề thích ứng với sự thay đổi của thị trường bằng việc kết hợp giữa tay nghề tinh xảo với công nghệ hiện đại, tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Phạm Văn Hoạt, một trong 2 thợ giỏi của làng nghề dệt lụa Nha Xá được xét chọn danh hiệu nghệ nhân năm 2023 chia sẻ: Trong 30 năm làm nghề, tôi đã đào tạo và truyền nghề cho trên 100 học viên, sáng tác và trực tiếp làm ra 5 sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao như chăn lụa tơ tằm cao cấp; khăn lụa tơ tằm vẽ tay hình hoa sen, hoa cúc, hoa đào; khăn lụa thêu hoa; khăn lụa in hoa… Hiện, cơ sở sản xuất Hà Hoạt Silk của tôi đã có sản phẩm khăn lụa vẽ tay cao cấp được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. Kết quả đạt được chính là động lực để tôi thêm yêu, gắn bó với nghề và có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống. Để phát triển nghề truyền thống, tôi cũng như các nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề rất mong Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các làng nghề, nghệ nhân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Thực tế, tại các làng nghề, làng nghề truyền thống, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi đang là những người trực tiếp làm ra những sản phẩm đặc sắc mà những người thợ khác không làm được. Chẳng hạn như anh Hoàng Văn Hiếu, thôn Chỉ Trụ, xã Hợp Lý (Lý Nhân), với thâm niên 15 năm làm nghề, anh đã sáng tạo, trực tiếp làm ra nhiều sản phẩm tiêu biểu, trở thành “linh hồn” của cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hoàng Hiếu như sập gụ hoa văn cổ đục tay, tượng gỗ, tranh tứ quý, con giống… Năm 2023, anh có 3 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh gồm giường ngủ gỗ hoàng gia lá tây, bàn ghế gỗ hoàng gia lá tây, kệ ti vi gỗ hoàng gia lá tây. Đây là những sản phẩm thể hiện rõ nét trình độ, kỹ năng, kỹ xảo làm nghề mà không phải người thợ bình thường nào cũng có thể làm được.

Anh Hiếu cho biết: Trong quá trình làm nghề, tôi luôn trăn trở làm sao tạo ra thật nhiều sản phẩm có giá trị, đồng thời truyền cảm hứng làm nghề, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Trong những năm gần đây, sức tiêu thụ của sản phẩm gỗ mỹ nghệ giảm sút mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng, tôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động thường xuyên để người lao động có thu nhập bằng việc không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, sáng tạo ra các sản phẩm mới và đem trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ cũng như đặt tại 2 cửa hàng trưng bày của gia đình. Mong muốn của tôi là được ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển xưởng sản xuất từ quy mô hộ gia đình lên mô hình doanh nghiệp để có nhiều hơn cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ mở rộng quy mô sản xuất cũng như thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Việc tôn vinh, công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi với mục đích khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phát triển nghề, tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề truyền thống, thu hút khách du lịch.

Để duy trì, phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề, theo ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương, thời gian tới, bên cạnh việc khôi phục, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Sở Công thương sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, động viên người thợ cố gắng gắn bó với nghề, giữ nghề truyền thống; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xét công nhận nghệ nhân, thợ giỏi và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan làm tốt công tác thẩm định hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi; tăng cường hỗ trợ các làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường./.

 

Thanh Tâm (t/h theo báo Hanoimoi, Ninhbinh, Hanam...)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top