Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Tư tưởng Hồ Chí Minh, kim chỉ nam của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024 | 8:9

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Dân tộc ta, Đảng ta, Nhà nước và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới, luôn coi báo chí là binh chủng đặc biệt quan trọng để tuyên truyền, động viên, cổ vũ, tổ chức, giáo dục ý thức chính trị, giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng.

Bác luôn nhấn mạnh, để giáo dục ý thức chính trị và giác ngộ quần chúng đi theo Đảng, làm cách mạng thì công tác báo chí, tuyên truyền phải đi trước.

Thực tế là, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh - nhà báo lớn nhất, đặc sắc nhất không chỉ của Việt Nam ta với nhiều bút danh khác nhau đã sáng lập nhiều tờ báo, viết hàng ngàn bài báo để đấu tranh với kẻ thù, phê phán những quan điểm, luận điểm sai trái, phản tiến bộ, vạch trần bất công của chế độ thực dân, phong kiến, tuyên truyền độc lập dân tộc, giác ngộ và giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng cách mạng,… Với Bác, viết báo, nắm lấy báo chí như một công cụ, một vũ khí tuyên truyền, và đấu tranh để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Qua hàng ngàn bài báo trong suốt cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy rõ: Làm báo, viết báo là làm cách mạng, hai công việc đó (làm báo, viết báo và làm cách mạng)  thống nhất trong quan hệ mục đích – công cụ. Bằng thực tiễn, Người đã hình thành và phát triển một hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn về báo chí, tuyên truyền. Tư tưởng đó trở thành kim chỉ nam của hoạt động Báo chí Cách mạng Việt Nam gần 100 năm qua và mãi về sau.

Theo GS.TS Nguyễn Như Ý (nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục), qua nghiên cứu, bước đầu có thể nêu 9 điểm khái quát về tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tuyên truyền. Thứ nhất, báo chí là tự do của tinh thần con người (không phải tự do của một số người). Tự do báo chí bao giờ cũng tồn tại, những người làm báo phải đấu tranh bảo vệ tự do báo chí với ý nghĩa là sự tự do chân chính của tinh thần con người.

Thứ hai, báo chí  nhất thiết phải mang tính chính trị, nó phải là tiếng nói, là cơ quan ngôn luận của một chính phủ, một tổ chức xã hội nhất định và luôn đứng ra bảo vệ cơ quan, tổ chức xã hội đó bằng thái độ, lập trường của tổ chức mình, vì sự tiến bộ của xã hội.

Thứ ba, báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng, tạo ra tính thống nhất tư tưởng và hành động trong xã hội để thực hiện những nhiệm vụ chung phát triển xã hội.

Thứ tư, báo chí là phương tiện phản ánh mọi hoạt động đời sống hàng ngày của xã hội, tạo ra sự tác động qua lại giữa quần chúng Nhân dân với báo chí.

Thứ năm, báo chí phải có tinh thần chiến đấu, luôn chống lại những luận điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc sự thật; báo chí phải tôn trọng sự thật, kiên quyết bảo vệ tư tưởng tiến bộ, đúng đắn, phê phán các tệ nạn xã hội, biểu dương cái tốt, chân, thiện, mỹ.

Thứ sáu, báo chí phải có tính đại chúng, nội dung viết phải thiết thực, dễ hiểu, mọi người đọc hiểu được, làm được; hình thức sáng sủa, văn phong ngắn gọn, rõ ràng, sinh động, hấp dẫn, hợp với đối tượng; tư liệu phong phú, chính xác, lập luận chặt chẽ, thuyết phục.

Thứ bảy, mỗi tờ báo phải mang một màu sắc riêng, một cá tính riêng, không hòa lẫn với các tờ báo khác.

Thứ tám, người làm báo phải có lập trường tư tưởng vững vàng, hiểu biết rộng, tinh thông nghiệp vụ, không ngừng học hỏi, nhạy bén chính trị và phải biết ít nhất một ngoại ngữ, thận trọng trong viết, bình luận.

Thứ chín, báo chí và thông tin, tuyên truyền là các lĩnh vực gắn kết chặt chẽ với nhau. Đó là ba ngành trong một việc, ba ngành đó đi sát với nhau.

Theo đó, giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí là, “Các bài Bác viết chỉ có một đề tài là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (bài nói chuyện của Bác tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 14/6/1959).   

Tư tưởng của Bác về báo chí, tuyên truyền chính là kim chỉ nam lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển binh chủng đặc biệt quan trọng này ngày càng tinh nhuệ, hiện đại, đi cùng sự phát triển đất nước.

Trong 99 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam dưới sự  lãnh đạo của Bác, của Đảng, bằng tinh thần trách nhiệm cao và sự sáng tạo, với lập trường chính trị phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã luôn đi đầu trong định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên sự sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu, phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến, những phong trào thi đua yêu nước,… góp phần cùng toàn Đảng, toàn Dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh, phản bác  những luận điệu xuyên tạc, vu khống của kẻ thù và kẻ xấu; phát hiện và phanh phui nhiều tiêu cực xã hội, tệ tham nhũng lãng phí, thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền,… góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng xã hội có kỷ cương, đất nước ngày càng phồn vinh thịnh vượng, đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bằng sự nỗ lực, sáng tạo của các thế hệ, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã tạo lập được Niềm tin với Đảng và Nhân dân.

Trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ này thuộc về mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, các cơ quan báo chí, nhà báo - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc đi trước đón đầu những xu thế mới, tuyên truyền chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, định hướng và dẫn dắt dư luận, hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong thời đại truyền thông số và mạng xã hội phát triển với tốc độ không thể tưởng tượng (theo thống kê, đến tháng 6/2021 nước ta hiện có hơn 76% dân số, tương đương 76 triệu người tham gia Facebook, trong top 10 thế giới; chúng ta cũng là quốc gia dùng TikTok nhiều nhất với gần 51 triệu người, xếp ở vị trí thứ 6 thế giới; năm 2023, hơn 77 triệu người, chiếm 79,1% dân số dùng Internet). Nói vậy vì, nếu không là chiến sĩ, không là binh chủng đặc biệt thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, việc nâng cao kỹ năng, trình độ, nghiệp vụ phải gắn liền với rèn đạo đức người làm báo cách mạng và phải được mỗi nhà báo, các cơ quan báo chí xác định là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài.

Với tiêu chí “Cùng bạn đọc xóa nghèo, làm giàu”, trong những năm qua, Báo Kinh tế nông thôn trước đây và Tạp chí Kinh tế nông thôn hiện nay đã góp phần định hướng, dẫn dắt hội viên Hội Làm vườn, nông dân, chủ trang trại chuyển từ sản xuất theo số lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, cạnh tranh bằng chất lượng. Để tiếp tục nhiệm vụ này, cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Kinh tế nông thôn luôn xác định: Phải tận tâm lắng nghe để thấu hiểu những mong muốn, ước vọng của nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp để từ đó chia sẻ có trách nhiệm những khó khăn thách thức trong hành trình xóa nghèo, làm giàu, xây dựng cuộc sống mới.

 

Nguyễn Anh Tuấn

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top