Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2024  

Nông dân Đồng Tháp tiên phong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ

Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024 | 15:31

Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất mang tính bền vững...

Bảo vệ môi trường sinh thái

Trên tinh thần nâng cao hiệu quả việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Liên hiệp Hội) đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình canh tác hữu cơ khắc phục bệnh trên cây trồng nâng cao chất lượng sản phẩm; vai trò của phân hữu cơ đối với cây trồng; lợi ích việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp... Đòn bẩy hỗ trợ đó đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức cho người nông dân trên địa bàn tỉnh, từ sử dụng phân bón hóa học chuyển dần sang phân hữu cơ hoặc các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Sự thay đổi này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng...

Nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành sử dụng phân sinh học ủ từ lục bình bón cho cây nhãn, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế (Ảnh: Mỹ Nhân)

Với tính ưu việt của phân hữu cơ, ông Mai Hữu Tâm ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành đã dùng phân hữu cơ tự chế từ lục bình bón cho cây nhãn. Ông Tâm chia sẻ: “Thời gian trước, khi canh tác nông nghiệp, tôi dùng phân hữu cơ thông qua  sự tư vấn, giới thiệu của các cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó, cây trồng tuy có thay đổi tích cực nhưng chi phí sản xuất vẫn còn cao. Từ năm 2023, khi tham gia các hội nghị tập huấn do Liên hiệp Hội tổ chức, tôi cùng nông dân trong xã tự ủ phân hữu cơ từ lục bình bón cho vườn nhãn của gia đình. Với cách làm này giúp giảm chi phí sản xuất được khoảng 30%, năng suất vẫn đảm bảo, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái”.

Thời gian qua, ông Trần Ngọc Ẩn - Chủ nhiệm Tân An Hội quán (xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh) cùng các thành viên triển khai mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Ông Ẩn chia sẻ: “Sử dụng nhiều phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học sẽ ảnh hưởng rất lớn cho môi trường đất. Ngoài ra, sử dụng phân hóa học chi phí đầu vào cao, đầu ra nông sản lại bấp bênh. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhiều năm qua, nhờ canh tác xoài theo hướng hữu cơ nên cây phát triển tốt, trái đạt chất lượng. Đáng chú ý là mô hình sản xuất xoài hữu cơ mang lại lợi nhuận khá cao, cao hơn khoảng 1.000 đồng so với xoài canh tác theo phương thức dùng phân, thuốc hóa học. Hiện gia đình tôi đang áp dụng trồng xoài rải vụ để đầu ra nông sản thuận lợi. Từ cách làm đó, trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu được lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng”.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông) với quy mô khoảng 14ha/10 thành viên cũng là điểm nhấn trên hành trình thay đổi tư duy canh tác của nông dân Đồng Tháp. Theo đó, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật sản xuất và chăm sóc cây lúa hữu cơ; hỗ trợ về vật tư nông nghiệp gồm phân bón, chế phẩm sinh học... Sau khi thu hoạch, tiến hành thu lại lượng rơm trên đồng để sản xuất nấm rơm; phần rơm, rạ còn lại được xử lý bằng chế phẩm Trichoderma spp để phân hủy nhanh, trả lại dinh dưỡng cho đất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đối với rơm sau khi sản xuất nấm được tái sử dụng để làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ truyền thống, sau đó bón trở lại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái.

Ông Phan Hoàng Em, Phó Giám đốc Hợp tác xã Phú Thọ, cho biết: “Qua thời gian canh tác, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Năng suất bình quân của mô hình thực hiện tăng bình quân từ 10 - 15% so với phương thức sản xuất cũ. Cùng với đó, khi áp dụng quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, cứng rễ, ít sâu bệnh, trổ tập trung... Đồng thời, mô hình còn giúp cải thiện môi trường đất, tạo ra tầng đất tơi xốp giúp cây lúa phát triển”.

TS. Nguyễn Thị Phương - giảng viên Khoa Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Đồng Tháp cho rằng, các loại thuốc sinh học có nguồn gốc tự nhiên,  an toàn cho sức khỏe con người và môi trường. Đồng thời, các hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật sinh học có khả năng tiêu diệt hoặc làm suy yếu các loại sâu bệnh hại hiệu quả. Mặt khác, sử dụng thuốc sinh học cũng giúp bảo vệ các loài côn trùng có ích; góp phần bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, thúc đẩy sự đa dạng sinh học...

Theo Liên hiệp Hội Đồng Tháp, thời gian qua, các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng hữu cơ; góp phần tăng lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu “Kinh tế xanh Sen hồng bứt phá”...

Lợi ích kép từ nguồn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp

Ngành nông nghiệp của nước ta đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ trồng trọt, chăn nuôi bằng các phương thức truyền thống, người dân và các doanh nghiệp đang từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm. Tuy nhiên, nền nông nghiệp vẫn còn một điểm yếu là để lãng phí hàng triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

Nhận thấy lượng phế phẩm, phụ phẩm này là nguồn tài nguyên có thể tạo ra lợi ích kép, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159, đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đó là mô hình chăn nuôi bò bằng đệm lót sinh học. Với giải pháp này, bò phát triển đồng đều, tăng trưởng tốt, ít bị dịch bệnh. Đặc biệt, giải pháp này còn giúp công ty của ông tận dụng được nguồn phế phẩm, phụ phẩm của bà con nông dân, giúp tiết kiệm chi phi đầu vào, đồng thời loại được được mùi hôi chuồng trại và giảm phát thải ra môi trường. “Khi tôi làm mô hình này, có người hỏi tôi là cỏ đâu mà nuôi bò? Đây là mô hình kinh tế tuần hoàn, 100% đầu vào là phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, như rơm, thân cây ngô, cây đậu…là những thứ mà người ta thường đốt, bỏ đi, gây ô nhiễm. Hay ở đây, chúng tôi sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải của bò. Phân, nước tiểu của gia súc được thu lại làm thức ăn cho vi khuẩn, sản suất ra phân vi sinh. Chất thải của bò không bị phát tán ra ngoài, không gây ô nhiễm”, ông Hà cho biết.

Hiện mới chỉ có một phần nhỏ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng

Với mô hình kinh tế tuần hoàn, ngoài sản phẩm là thịt của vật nuôi, công ty của ông Thắng còn có thêm nguồn thu đáng kể từ lớp đệm lót sinh học được sử dụng để sản xuất ra các loại phân bón hữu cơ. Từ thực tế tại công ty, ông Thắng cho rằng “kinh tế tuần hoàn” sẽ là hướng đi tất yếu bởi những lợi ích kép mà nó mang lại. “Phế, phụ phẩm nông nghiệp của nước mình khoảng 100 triệu tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu rất lớn. Khi tôi làm mô hình này, có đoàn cán bộ, lãnh đạo của Thái Bình lên tham quan, nghiên cứu. Sau đó, về điều tra họ thấy mỗi năm bà con trong tỉnh đốt bỏ khoảng 1,4 triệu tấn phụ phẩm, phế phẩm, có nghĩa họ đốt bỏ khoảng 7 ngàn tỉ/năm. Không chỉ nghèo, xử lý như vậy còn làm mất cân bằng hệ sinh thái”, ông Thắng chia sẻ.

Ở nước ta, những công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với mô hình kinh tế tuần hoàn như T&T 159 hiện chưa nhiều. Tuy nhiên, đáng mừng là một số cá nhân cũng đã tiến hành các hoạt động sản xuất theo hướng xanh và bền vững. Có thể kể đến là ông Nguyễn Xuân Hùng, ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội với trang trại trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả kết hợp nuôi giun quế. Trong số hơn 15 ha, ông Hùng dành ra hơn hơn 1 ha để nuôi giun quế.

Ông Hùng cho biết, nhờ việc nuôi giun quế, hàng tháng, thay vì phải chi tiền mua phân bón, ông còn có thêm một khoản thu từ việc bán giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ chất thải của giun. Đặc biệt, từ khi áp dụng mô hình này, mỗi ngày, ông còn góp phần giảm thiểu hàng chục tấn chất thải từ hoạt động chăn nuôi của bà con nông dân ra môi trường. “Tôi được một vị chủ tịch hiệp hội giun quế ở trong thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn nuôi giun từ năm 2015. Tôi triển khai từ đó. Đến nay, mỗi ngày tôi thu gom và xử lý khoảng 30 tấn phân bò từ các trang trại chăn nuôi bò sữa của bà con trong xã. Tôi quyết tâm thực hiện việc này vì muốn làm cho môi trường càng ngày xanh, sạch, đẹp”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, địa phương có nghề chăn nuôi bò sữa từ lâu. Mỗi ngày đàn bò của người dân thải ra hàng chục tấn phân. Trước đây, chỉ có một số hộ sử dụng phân làm hầm biogas. Lượng phân còn lại bị thải ra ao, hồ, mương, rãnh gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày có mô hình trồng trọt kết hợp nuôi giun quế của Hợp tác xã Hiệp Thư do ông Hùng làm chủ đã hạn chế đáng kể vấn đề ô nhiễm tại địa phương. “Chúng tôi đánh giá cao mô hình nuôi giun quế của HTX Hiệp Thư, góp phần đáng kể trong việc xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trên địa bàn”, ông Tĩnh đánh giá.

Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm, giá trị cốt lõi, hiện vẫn còn một lượng lớn phế phẩm, phụ phẩm bị thải loại một cách lãng phí. Từ thực tế như hai mô hình vừa đề cập, có thể nói nếu được tận dụng, đây sẽ là nguồn tài nguyên có thể mang lại lợi ích kép, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 
Thanh Xuân (Tổng hợp từ VOV, tuoitrethudo, baodongthap...)

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top