Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Những chuyến đi đong đầy cảm xúc

Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024 | 9:34

Đến những thôn bản xa thị trấn, thị tứ, di chuyển bằng nhiều loại phương tiện, mất nhiều thời gian, không giao tiếp được do khác biệt ngôn ngữ, ám ảnh hủ tục… là những trải nghiệm mà tôi, phóng viên thường trú không thể nào quên khi quyết tâm gắn bó với Lào Cai, vùng đất biên viễn còn rất hoang sơ của những cánh rừng đại ngàn, vừa sầm uất bởi đô thị.

Lời ru buồn nơi lưng chừng núi

Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi lên Tả Gia Khâu (Mường Khương),  xã được coi là khó khăn nhất tỉnh Lào Cai. Từ trung tâm huyện ngược dốc hơn 30km mới đến xã, nhìn xung quanh là các đỉnh núi nhấp nhô bồng bềnh mây và sương mù bao phủ. Những ngôi nhà của bà con dân tộc Mông, Phù Lá, Thu Lao, Bố Y... bám vào sườn núi. Quy mô và rộng rãi nhất là Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu, nơi 170 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học đến cuối tuần mới về nhà. Trong số những học sinh có nhiều thành tích học tập, tôi theo chân cô bé dáng người gày gò nhưng có đôi mắt sáng Giàng Mai Phương (dân tộc Phù Lá) về nhà. Bố Phương mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, từ bé em đã đến sống cùng với ông bà ngoại tuổi cao sức yếu. Ngôi nhà cũ nát, là nơi sinh sống của hai người già với 4 cháu nhỏ và 1 cậu con trai út khuyết tật, thường xuyên thiếu cái ăn bởi vắng bóng “lực lượng lao động chính”.

Phóng viên trong buổi làm việc với kiểm lâm huyện Văn Bàn (Lào Cai).

Ở vùng núi cao heo hút này, người dân khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Thôn Tả Gia Khâu xây được 9 bể chứa nước mưa, hứng từ khe núi chảy xuống, được quản lý chặt chẽ, mỗi hộ dân chỉ được lấy 4 can nước mỗi ngày. Còn cây lương thực, rau màu thì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết; chăn nuôi cầm chừng. Dường như cả đời sống vật chất và tinh thần của người dân đều thuận theo “tự nhiên”. Tôi thắc mắc sao thôn bản chỉ toàn người già với trẻ nhỏ thì được người dân cho biết, người lớn đi làm thuê đến Tết mới về. Còn những phụ nữ đã lấy chồng, có con mà lỡ đi bước nữa thường sẽ để con lại.

Trên đường tác nghiệp, phóng viên gặp mưa lũ.

Mai Phương năm nay học lớp 3, lớn nhất so với mấy đứa trẻ trong nhà. Bọn trẻ chừng 2-3 tuổi không có quần, chỉ mặc mỗi chiếc áo ngắn cũn, chân đất chạy ào ra vườn chơi đùa. Hoặc, thoăn thắt leo trên con dốc lổn nhổn đá lên đường bê tông “ngắm” xe ô tô đến khi đói thì về nhà ăn bắp ngô, củ sắn. Vào mùa khô, khát, nhà chúng thường được bà con trong thôn phân công nhau chia sẻ gạo, sắn, ngô. Nét mặt đầy u buồn của Mai Phương bỗng bừng sáng, linh hoạt khi tôi hỏi về trường lớp, xót xa khi cô bé thường xuyên phải cuốc bộ 5km. Em bảo: “Nhà con còn gần trường, nhiều bạn nhà xa trường 10-15km, đi bộ từ 5 giờ  đến 7 giờ mới đến nơi, cũng vẫn đi học đầy đủ. Ở trường, chúng con được thầy cô lo cho ăn uống, dạy học, dạy phân biệt điều tốt và  chưa tốt. Ở trường, con rất vui, vì có nhiều bạn thân”. Phương kể với tôi nhiều kỷ niệm gắn với bạn bè trường lớp, tình cảm của thầy cô dành cho em...

Rời Tả Gia Khâu, tôi cứ mãi hy vọng, những điều đó sẽ bù đắp, lấp đầy thiệt thòi để Phương có tuổi thơ hồn nhiên, đủ hành trang để vững vàng xây dựng cuộc đời đẹp đẽ, không có lời ru buồn nào cất lên ở độ tuổi 15-16 trên lưng chừng núi này nữa.

Những cống hiến thầm lặng

Nhớ lại hai năm trước, khi tôi có chuyến đi Tả Phời (thành phố Lào Cai). Thôn Láo Lý cách trung tâm xã 2km, xe ô tô đã vào được tận nơi. Nhiều nhất vẫn là những chuyến xe chở đầy hàng hoá, vật dụng của các đơn vị, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cho thôn bản. Láo Lý là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Xa Phó, có 75 hộ thì đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Lối sống khép kín, tách biệt, không giao lưu với các dân tộc khác trên địa bàn, bà con Xa Phó chủ yếu quanh quẩn trong thôn, ít khi ra ngoài nên nhiều người không biết chữ, ngại giao tiếp với cán bộ, khiến Láo Lý biệt lập như một ốc đảo. Cùng với đó là nhiều hủ tục lạc hậu như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thả rông gia súc, ăn ở không hợp vệ sinh; việc cưới, việc tang ăn uống linh đình trong nhiều ngày vừa tốn kém vừa lãng phí...

Tác giả với người trồng quế ở huyện Bảo Yên (Lào Cai).

Tôi và Vũ Ngọc Quỳnh, cán bộ Hội Nông dân thành phố Lào Cai chở nhau vào tham gia buổi hỗ trợ giống cây trồng cho bà con phát triển kinh tế. Sáng phải dậy sớm ra chợ mua vài lạng thịt, bó rau, rồi gói thêm ít gạo, mới yên tâm chạy xe máy hơn 1 tiếng đồng hồ vào tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con trồng trọt. Phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc rất khó vì nhiều người không hiểu, không biết nói tiếng Kinh, đành phải đưa nhau lên nương trực tiếp làm cùng người dân. Đến xế trưa, lại cùng bà con về thôn “giở” lương thực giắt lưng ra nấu nhờ. Thấy tôi ngạc nhiên nhìn Quỳnh thành thục nấu nướng trong bếp của bà con như bếp nhà mình, Quỳnh giải thích: “Làm công việc này từ khi chưa kết hôn, đến nay đã có con trai 2 tuổi, em cũng quen với nếp sinh hoạt này nên dù phải thường xuyên đi thôn, bản, vẫn có cách bố trí hài hoà giữa nhiệm vụ cơ quan và chăm sóc gia đình nhỏ”.

Ở những nơi khó khăn như Tả Gia Khâu, Láo Lý..., vất vả, bền bỉ nhất có lẽ là các thầy, cô giáo. Bởi họ không chỉ cùng sống trên mảnh đất nghèo mà còn phải tìm mọi cách thắp lên ánh sáng tri thức. Như thầy giáo Phạm Huy Cảm, người có vài chục năm gắn bó với Láo Lý. Sau khi nghỉ hưu, ông lại nhận nhiệm vụ Bí thư Chi bộ thôn (bởi là người gần dân, hiểu dân nhất), cùng với các đoàn thể tích cực đi từng nhà, lay chuyển từng người, tiếp tục dẫn dắt người dân tiến lên cuộc sống no ấm và văn minh hơn.

Nguyên Hoa

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top