Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Khơi thông dòng vốn tín dụng, người dân xứ Nghệ vươn lên

Chủ nhật, ngày 23 tháng 6 năm 2024 | 10:36

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Qua đó, góp phần tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ở Nghệ An đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và nhận thức trong triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn.

Lãnh đạo các cấp xác định, tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch công việc. Chính vì vậy, hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên. Các địa phương đã thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tỉnh Nghệ An đã được vay vốn chính sách ưu đãi để làm ăn, nâng cao thu nhập.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, ngành đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt với NHCSXH trong việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, thông qua việc lồng ghép với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.

Công tác kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp được thực hiện thường xuyên, nhất là sau khi Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Từ đó, chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở.

Thông qua việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nhất là sức mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách; hướng dẫn và tạo điều kiện cho người dân biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phát huy hiệu quả vốn vay

Kỳ Sơn là huyện miền núi cao biên giới ở phía Tây tỉnh Nghệ An, là một trong 9 huyện khó khăn nhất của cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 49,68% (cuối năm 2023). Để vùng cao Kỳ Sơn có điều kiện phát triển về kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, trong những năm qua, địa phương đã nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách.

Phó Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kỳ Sơn, bà Vi Thị Quyên cho biết: Ngay từ năm đầu thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng ban hành ngày 22/11/2014 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40), các cấp ủy Đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, chính quyền từ huyện đến xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Người dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn chuyển từ trồng lúa nương sang trồng lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần xoá đói giảm nghèo. (Ảnh: Văn Tý)

Được biết, 10 năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đã thực sự tiếp thêm động lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện Kỳ Sơn. Cụ thể, đến ngày 30/4/2024, số vốn ngân sách trực thuộc đã chuyển sang NHCSXH là 2.751 triệu đồng, góp phần nâng tổng dư nợ đạt 460.506 triệu đồng với 19 chương trình tín dụng và gần 10 ngàn khách hàng vay vốn, tăng 269.560 triệu đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40.

Cùng với nguồn vốn hơn 460 tỷ đồng từ NHCSXH cấp trên chuyển về, đơn vị tích cực huy động nguồn tiền tiết kiệm trong dân cư và nguồn vốn ngân sách địa phương bổ sung ủy thác, đã được những cán bộ tín dụng chính sách huyện Kỳ Sơn chuyển tải kịp thời đến đúng địa chỉ và đối tượng thụ hưởng, góp phần giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, qua đó khơi dậy ý chí tự lực của người dân vượt qua khó khăn, không chỉ chăm lo lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Điển hình như gia đình ông Lường Văn Tụ ở bản Cần Tám, xã Tà Cạ. Trước đây, do thiếu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi nên 10ha đất rừng của nhà ông chủ yếu là rừng hoang và khai thác nguồn lợi theo cách tự nhiên. Nhờ được vay vốn ưu đãi hai lần đến 100 triệu đồng và được hướng dẫn, tập huấn về khuyến nông nên gia đình ông trồng được vườn cây ăn quả đặc sản với cam Vinh, bưởi Phúc Trạch 2ha, chăn nuôi lợn, gà và 12 con bò sinh sản. “Hàng năm gia đình có thu nhập khoảng100 triệu đồng. Có vậy mới có điều kiện làm nhà mới, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và tích lũy”, ông Tụ tâm sự.

Còn ở xã Hữu Kiệm, nhiều hộ dân nhờ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh đúng hướng và xây dựng được mô hình trang trại, gia trại đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, huyện, và nhiều thôn bản cũng thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3).

Ông La Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, chia sẻ: “Chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhất là đồng vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH tổ chức cho vay kịp thời, đúng đối tượng đã tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số chủ động thâm canh đồng ruộng, phát triển kinh tế đồi rừng, tạo nguồn thu, cải thiện cuộc sống”.

Khơi thông dòng tín dụng

Có lên vùng núi cao biên giới Kỳ Sơn vào những ngày này mới thấy hết và rõ ràng ý nghĩa từng việc làm của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách, nhất là việc bền bỉ chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Nhà nước về tận làng bản xa xôi hẻo lánh; đồng thời luôn thực hiện “3 bám” (bám dân, bám bản, bám đối tượng) để “3 cùng” (cùng làm, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể và cùng hướng dẫn người nghèo vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả).

Sự tận tâm và nhiệt thành trong công việc của những cán bộ tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, đặc biệt  là khơi thông dòng chảy vốn tín dụng chính sách về tới thôn bản giúp người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo nhanh, bền vững, làm giàu chính đáng.

Có thể khẳng định, từ huyện có quá nhiều khó khăn nhưng sau 10 năm triển khai thực hiện mạnh mẽ, sâu rộng Chỉ thị 40, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phủ kín miền núi cao rộng hơn 2.000km2, thực sự trở thành công cụ hữu hiệu, góp phần giúp Kỳ Sơn đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới như hỗ trợ 1746 lượt hộ có vốn để chủ động sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo; 3.125 hộ nghèo xóa được nhà tạm bợ, dột nát, xây mới 1576 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn… Nguồn vốn chính sách còn góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm.

Đạt được những thành tích đó, theo ông Ngô Minh Tú, Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn, trước hết là do cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc thực hiện chỉ thị 40 và Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Trên cơ sở đó, NHCSXH đã và sẽ tiếp tục bền bỉ chung sức, đồng lòng tập trung huy động, các nguồn lực tài chính, chuyển tải nhanh chóng, an toàn mọi nguồn vốn chính sách về khắp bản làng, đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện miền núi cao biên giới còn nhiều khó khăn này.

Nhật Nam

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top