Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2024  

Lào Cai phát triển cây quế theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu

Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024 | 11:15

Nhờ phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý và bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, Lào Cai đã có vùng nguyên liệu quế đứng thứ hai cả nước với gần 60.000ha; quế trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.

Hiệu quả kinh tế từ cây quế đã góp phần xoá đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo nhiều thôn bản.

Phát huy hiệu quả kinh tế rừng

Xã Xuân Hòa có diện tích quế lớn nhất huyện Bảo Yên  (3.256ha), chiếm hơn 80% diện tích cây trồng trên địa bàn. Đời sống người dân cũng khấm khá hơn trước nhờ trồng quế.

Người dân xã Xuân Hòa (Bảo Yên, Lào Cai) thu hoạch quế.

Ông Nguyễn Xuân Hưởng (thôn Bản Vắc), người trồng quế gần như đầu tiên ở vùng này, cho biết: “Hơn chục năm trước, cả gia đình 5 người chỉ trông  vào mảnh ruộng trồng lúa, trồng ngô, chăm chỉ làm lụng cũng chỉ đủ ăn. Lúc nông nhàn, bố tôi đi thu mua vỏ quế ở các địa phương khác về bán. Lãi thì có lãi nhưng đi lại vất vả quá, vì trước đây cây quế trồng phân tán, đi lại rất khó khăn nên bố tôi mua giống về trồng thử quanh nhà, ước chừng 2ha.  10 năm thu hoạch tính ra được khoảng 470 triệu đồng. Lúc đó, địa phương đang đẩy mạnh phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, bà con chủ yếu trồng ngô, lúa, sắn kết hợp thêm bồ đề, keo. Phát hiện ra cây quế cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, nhiều hộ chuyển hướng sang trồng quế”. Đến nay, diện tích quế của gia đình ông Hưởng  lên đến 7ha (từ 8 năm tuổi trở lên), đang được thu hoạch. Mỗi năm, cả tỉa cành, lá và khai thác vỏ cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Cây quế đã được người dân chủ động đưa vào trồng ở nhiều xã khác, đưa Bảo Yên  trở thành địa phương có diện tích quế lớn nhất tỉnh Lào Cai.

Bà Hoàng Thị Hường (xã Xuân Hoà) cho biết, quế là cây trồng dài ngày nên để “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình trồng xen với sắn trong 2 năm đầu khi quế còn nhỏ. Từ năm thứ 3 trở đi, quế đã lên cao, phát triển tốt, sẽ bắt đầu tỉa cành, lá. Từ năm thứ 5 cho thu nhập trên dưới 50 triệu đồng/ha từ bán cành, lá. Với giá bán là 1.500 - 2.000 đồng/kg cành, lá, gần 50.000 đồng/kg quế vỏ, 1.100.000 đồng/m3 gỗ quế, với chu kỳ hơn 10 năm, 1ha quế cho thu 700 triệu đồng  đến 1 tỷ đồng.

Nhiều sản phẩm chế biến từ cây quế đã được cộng đồng người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao.

Đến nay, Lào Cai đã áp dụng lồng ghép các chính sách đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp của Trung ương, cũng như ban hành hệ thống chính sách của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất. Toàn tỉnh phát triển được gần 60.000 ha quế. Diện tích quế đã thành rừng là 36.362,4 ha, diện tích chưa thành rừng 21.396,4 ha. Vùng trọng điểm quế được xác định tại 4 huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà với diện tích 51.279 ha (chiếm 88,78% diện tích quế toàn tỉnh). Chưa kể, nhiều diện tích được người dân trồng mới tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, TP. Lào Cai và TX. Sa Pa.

Diện tích vùng nguyên liệu quế của Lào Cai sẽ tiếp tục tăng. Diện tích quế đến tuổi thành thục cũng tăng  từng năm, dự báo sản lượng khai thác sẽ tăng mạnh nhất trong giai đoạn 2026-2030. Dự kiến, từ năm 2024 - 2030, mỗi năm Lào Cai có trên 4.000ha quế đến tuổi được khai thác trắng và khoảng 10.000ha quế trong giai đoạn tỉa thưa. Sản lượng khai thác dự kiến trên 40.000 tấn/năm vỏ khô, 350.000 tấn cành, lá và khoảng 210.000m3 gỗ, ước sản lượng tinh dầu quế đạt 1.600 - 2.000 tấn/năm.

Sản xuất theo chuỗi, hướng đến sản phẩm chất lượng cao

Lào Cai xây dựng vùng nguyên liệu quế gắn với hệ thống cơ sở chế biến gồm 9 công ty và 1 hợp tác xã sản xuất tinh dầu quế. Công suất thiết kế của các cơ sở chế biến dao động từ 60-120 tấn tinh dầu quế/năm/nhà máy. Tinh dầu cơ bản áp dụng công nghệ chiết xuất bằng lò hơi. Trung bình sản lượng tinh dầu quế của tỉnh đạt trên 450 tấn/năm.

Đóng gói sản phẩm quế điếu.

Việc thu mua nguyên liệu chiết xuất tinh dầu (cành, lá quế) thông qua hệ thống 20 cơ sở thu mua nhỏ lẻ của các công ty, doanh nghiệp tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh còn có 3 doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm vỏ quế, 3 hợp tác xã và 1 cơ sở thu mua, chế biến vỏ quế thành các sản phẩm: quế thanh, bột quế, quế ống sáo... để xuất khẩu.

Ông Đặng Đình Hải, Giám đốc công ty TNHH Thương mại XNK Việt Bắc, cho biết: “Mỗi năm, công ty thu mua khoảng 4.000 tấn vỏ quế tươi của người dân trên địa bàn để sản xuất các sản phẩm: quế sáo, quế điếu, bột quế... xuất sang  thị trường Ấn Độ, Trung Đông. Đây đều là những sản phẩm thô cung cấp cho những thị trường dễ tính. Để có sản phẩm cao cấp chinh phục được những thị trường khó tính như: EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ... với giá bán tăng 20-30% so với sản phẩm thô, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với các hộ dân mở rộng vùng nguyên liệu quế hữu cơ bằng cách hỗ trợ bà con cây giống đạt chuẩn, tập huấn quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đầu tư kinh phí làm chứng chỉ hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá cao hơn. Đồng thời, công ty cũng có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất để đi vào chế biến sâu, nâng cao giá trị các sản phẩm từ quế”.

Lào Cai đã quy hoạch vùng nguyên liệu, chú trọng phát triển vùng trồng quế bền vững theo tiêu chuẩn hữu cơ có truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu quế, từng bước vươn ra thị trường thế giới, đưa mặt hàng quế trở thành nông sản xuất khẩu chính của tỉnh.

Nguyên Hoa

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top