Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 27 tháng 6 năm 2024  

Đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng mùa nắng nóng

Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2024 | 10:23

Nắng nóng kéo dài dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng ở cấp độ cao, lực lượng kiểm lâm tại các địa phương đã chủ động phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCC) với phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống để bảo đảm an toàn cho những cánh rừng.

Đà Nẵng chủ động phương án “4 tại chỗ”

Huyện Hòa Vang có hơn 53.455ha diện tích được quy hoạch sử dụng cho lâm nghiệp, chiếm 72,91% tổng diện tích tự nhiên, được phân bổ trên 61 tiểu khu và khu vực ngoài tiểu khu tại địa bàn 8 xã. Diện tích rừng trên địa bàn huyện với đặc trưng địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông, suối và tiếp giáp với một số địa phương của tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… khiến công tác bảo vệ và phát triển rừng của các lực lượng gặp nhiều khó khăn.

Đà Nẵng đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng mùa nắng nóng

Tuy vậy, với quyết tâm “bảo vệ rừng tận gốc” của lực lượng kiểm lâm và địa phương, trong năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra cháy rừng, độ che phủ rừng lên đến 69,46% (độ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%). Các địa phương đã thành lập 8 tổ xung kích, 42 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng với tổng số lực lượng hơn 500 người. Công tác tuyên truyền được tăng cường, thể hiện bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng.Là một trong những hộ nhiều năm trồng keo lá tràm tại xã Hòa Ninh, ông Nguyễn Cảnh cho biết, hiện gia đình ông có gần 10ha keo lá tràm nên luôn nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng, nhất là vào thời điểm nắng nóng.

Ông cùng các thành viên trong gia đình thường xuyên túc trực, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy và sẵn sàng ứng phó khi có sự cố. Ông cho biết, lực lượng kiểm lâm huyện thường xuyên nhắc nhở ông cùng các hộ dân có rừng cần chú ý tuân thủ nghiêm các quy định khi đốt thực bì. Trước khi đốt, cần dọn khoảng cách 6-8m, vận động lực lượng khác như tổ tự quản, tổ PCCC rừng để tham gia, phòng nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và phối hợp giữa các lực lượng tham gia PCCC là nhiệm vụ thường xuyên được các hạt kiểm lâm triển khai. Tại bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà), tháng 4/2024, các kiểm lâm viên, Đội tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng phản ứng nhanh phòng cháy chữa cháy rừng, lực lượng hợp đồng bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tham gia thực tập phương án phòng chống cháy rừng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn Ngô Trường Chinh cho biết, từ đầu mùa khô đến nay hạt kiểm lâm đã phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở những người đi dã ngoại cẩn trọng trong việc sử dụng lửa chế biến thức ăn, hút thuốc lá ở bán đảo Sơn Trà và những khu vực ven rừng. Đặc biệt, vào mùa du lịch, lượng du khách và người dân lên bán đảo Sơn Trà tham quan rất đông, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Lực lượng kiểm lâm địa bàn đã triển khai các giải pháp, trong đó, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trên các điểm có nguy cơ cháy cao. Đội liên ngành cũng luân phiên tuần tra trong ngày, nhất là những giờ cao điểm; tuyên truyền, yêu cầu du khách không sử dụng lửa để nấu thức ăn, hút thuốc trong rừng và khu vực gần rừng khi tham quan du lịch.

Ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu cũng cho hay, công tác phối hợp, giám sát, bảo đảm an toàn PCCC rừng tại các khu vực trọng điểm được phối hợp rất chặt chẽ; lực lượng, phương tiện, thiết bị tại chỗ luôn sẵn sàng. Hạt Kiểm lâm thường xuyên triển khai cho chủ rừng, tổ chức cá nhân hoạt động trong rừng, ven rừng ký cam kết thực hiện các quy định.

Đồng thời, thành lập tổ phản ứng nhanh với lực lượng là những người phát triển kinh tế rừng, rành rỏi địa hình rừng Hải Vân để kịp thời xử lý tình huống; huy động trên 120 người tham gia bảo vệ rừng tại cơ sở; hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án PCCC rừng theo quy định. Hạt Kiểm lâm cũng kiểm tra, duy tu, sửa chữa các phương tiện, dụng cụ PCCC các công trình, chẳng hạn như: đường vận động, đường băng trắng, bể chứa nước, máy móc, dụng cụ… không để bị động và sẵn sàng xử lý khi có cháy xảy ra.

Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho biết, công tác PCCC rừng luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là vào mùa khô. Từ đầu năm, chi cục đã triển khai chỉ đạo cho các hạt kiểm lâm, đặc biệt các chủ rừng rà soát lại các phương án và bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở; củng cố các lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, tổ, đội xung kích. Chi cục Kiểm lâm đã thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống cháy rừng, chia làm 3 tổ công tác, hoạt động tại các địa bàn trọng điểm, gồm: khu vực rừng đặc dụng Nam Hải Vân, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và các khu rừng trên địa bàn huyện Hòa Vang.

“Việc hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng và cảnh báo PCCC rừng là nhiệm vụ then chốt trong mùa khô này. Nhờ làm tốt công tác này nên trong vài năm gần đây, thành phố không có vụ cháy lớn, chỉ phát lửa nhỏ và được xử lý kịp thời. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, chung tay của chính quyền và nhân dân toàn thành phố”, ông Dũng nhấn mạnh.

Vĩnh Phúc: Tăng cường chuyển đổi số trong bảo vệ rừng

Nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý và bảo vệ rừng (BVR) trong tình hình mới, ngành Kiểm lâm tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước số hóa các hoạt động giám sát, quản lý, BVR để phát hiện, cảnh báo sớm những biến động của rừng và đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm… với tính chính xác cao, từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Hạt Kiểm lâm huyện Sông Lô đang quản lý hơn 4.250 ha rừng, trong đó có hơn 582 ha rừng tự nhiên; hơn 3.035ha rừng trồng và một số diện tích rừng trồng nhưng chưa đạt tiêu chí thành rừng.

Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho lực lượng kiểm lâm như sử dụng các phầm mềm giám sát rừng FMS, hệ thống máy tính để bàn cấu hình cao, thiết bị bay quan sát, ghi hình (flycam), phần mềm kết nối flycam để kiểm tra và giám sát PCCC rừng (VG Forest).

Các phần mềm ứng dụng trong việc quản lý, theo dõi, bảo vệ rừng được cán bộ Hạt Kiểm lâm Sông Lô cài trực tiếp trên smartphone giúp việc quản lý được linh hoạt, hiệu quả hơn.

Các thiết bị flycam có thể bay cao tối đa 5.000 m, khoảng cách bay tối đa là 18,5 km giúp lực lượng kiểm lâm có thể bao quát góc rộng từ trên cao. Đây là thiết bị rất hữu ích cho lực lượng kiểm lâm trong việc quản lý rừng, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, các đám cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… đặc biệt là tại những khu vực có địa hình khó khăn để chụp hình, quay phim, lưu và xử lý hình ảnh nhằm phát hiện sớm sự cố. Từ đó giúp lực lượng kiểm lâm chủ động, nhanh chóng, kịp thời xử lý những tình huống cấp bách và giảm sức lao động của lực lượng kiểm lâm.

Bên cạnh đó, đơn vị tích hợp phần mềm VG Forest với chức năng chính là kết nối dữ liệu bay chụp của flycam ngoài hiện trường về máy chủ trung tâm và xem trên màn hình cỡ lớn để phục vụ theo dõi các điểm nóng về diễn biến rừng, chỉ đạo chữa cháy rừng. Phần mềm sử dụng máy chủ dùng chung với phần mềm FMS Vĩnh Phúc, là dữ liệu đầu vào phục vụ công tác theo dõi, giám sát rừng trên phần mềm FMS.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sông Lô Trần Việt Khoa cho biết: “Trước đây, khi chưa được trang bị thiết bị flycam và các phần mềm hỗ trợ, khi xảy ra cháy rừng hoặc sự cố về rừng, lực lượng kiểm lâm hạt đều phải dùng phương pháp thủ công là xác định đám cháy theo hướng khói nên khá mất thời gian để xác định vị trí, tìm phương án di chuyển, tiếp cận khu vực có đám cháy.

Từ khi đưa vào sử dụng thiết bị flycam đã giúp lực lượng kiểm lâm hạt phát hiện nhanh chóng và chính xác những điểm xảy ra cháy rừng, đặc biệt đối với những vị trí có địa hình phức tạp, hiểm trở thì thiết bị này luôn cung cấp những hình ảnh, vị trí chính xác giúp lực lượng kiểm lâm xác định rõ vị trí cháy. Từ đó có phương án tổ chức lực lượng tiếp cận địa điểm cháy nhanh nhất, hạn chế tối đa tốc độ cháy lan, cháy lớn, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ tài nguyên rừng.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm hạt tích hợp bản đồ hiện trạng rừng và các phần mềm quản lý rừng trên hệ thống smartphone giúp linh động trong việc quản lý, theo dõi diễn biến rừng”.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 34.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 27% diện tích đất tự nhiên. Trong đó có gần 15.800 ha rừng đặc dụng; hơn 4.100 ha rừng phòng hộ và gần 14.000 ha rừng sản xuất được phân bố trên địa bàn 7 huyện, thành phố.

Xác định tài nguyên rừng có vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học nên việc theo dõi, giám sát diễn biến rừng là nhiệm vụ đòi hỏi phải diễn ra liên tục, thường xuyên. Chi Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố chủ động thực hiện ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ điều tra, theo dõi diễn biến rừng.

Cùng với đó, ngành kiểm lâm tỉnh đưa vào sử dụng phần mềm FMS, cho phép thông tin cảnh báo cháy rừng từ các dữ liệu thu thập tại các trạm thủy văn trên địa bàn tỉnh, gửi về máy chủ FMS Vĩnh Phúc; số hóa, lưu trữ toàn bộ dữ liệu và tài nguyên rừng lên máy chủ để phục vụ nghiệp vụ quản lý lâm nghiệp. Dữ liệu số được trao đổi thông qua môi trường mạng sử dụng trên nền tảng WebGIS cho công tác quản lý nói chung và ứng dụng trên smartphone cho công tác kiểm tra, xác minh thông tin ngoài hiện trường nói riêng.

Khi có các thông tin cảnh báo về cháy rừng, mất rừng… hệ thống FMS sẽ tự động gửi email/sms đính kèm file excel tọa độ cho người dùng đã đăng ký, từ đó, người dùng sẽ tiến hành xác minh thông tin hiện trường bằng flycam hoặc smartphone, GPS để tiết kiệm thời gian đi lại. Đây là công cụ đắc lực hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tăng cường ứng dụng CNTT, đặc biệt sử dụng thành thạo, có hiệu quả các phầm mềm ứng dụng, thiết bị công nghệ cao… nhằm theo dõi diễn biến rừng, phát hiện các vụ vi phạm pháp luật về rừng, PCCC rừng để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Huyện Mỹ Đức (Hà Nội): Sẵn sàng phương án PCCC rừng mùa nắng nóng

Mỹ Đức là một trong 7 huyện, thị xã của thành phố Hà Nội có rừng, bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, chủ yếu là các loại cây keo, bạch đàn, thông, sấu và các loại cây gỗ quý...

Để chủ động các phương án ứng phó với nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, Công an huyện Mỹ Đức đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động triển khai các phương án theo đúng phương châm “4 tại chỗ” đã được xác định.

Ghi nhận trên địa bàn xã An Phú – nơi có diện tích rừng đặc dụng khá lớn, kết hợp với địa hình đồi, núi đá, nên công tác đảm bảo an toàn PCCC rừng luôn được quan tâm. Theo ông Bùi Văn Chuyện – Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Mỹ Đức, xã đã thành lập 4 tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lí nhanh chóng những vụ cháy rừng, tránh để lại thiệt hại nghiêm trọng.

“Trong công tác phối hợp, chúng tôi cũng đã huy động lực lượng, trước mắt là các tổ bảo vệ rừng để kịp thời xử lí các tình huống cháy nổ. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tăng cường công tác tuần tra, thành lập các Tổ liên gia an toàn PCCC và Cụm liên kết an toàn PCCC rừng để phối hợp trong công tác PCCC ngay tại mỗi hộ gia đình và tại toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn”, ông Bùi Văn Chuyện cho biết thêm.

Còn theo chị Đào Thị Thu Lành – Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Mỹ Đức (Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội), thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, BQL đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và PCCC rừng, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin phát hiện sớm cháy rừng.

Công tác phát hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt ngay từ khi mới phát sinh đóng vai trò tối quan trọng. Tuy nhiên, theo chị Đào Thị Thu Lành, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng thường gặp nhiều khó khăn, vất vả, vì địa hình núi đá, đường giao thông đi lại hiểm trở, diện tích rừng rộng lớn.

Để khắc phục những khó khăn này, việc thành lập và duy trì hoạt động các Cụm liên kết an toàn PCCC rừng trên địa bàn huyện Mỹ Đức đóng vai trò quan trọng.

Đại úy Hà Hồng Sơn – Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Mỹ Đức cho biết, các Cụm liên kết an toàn PCCC rừng có các lực lượng tham gia gồm: đại diện UBND, Công an xã, lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng, lực lượng dân phòng và các hộ được giao nhận khoán để cùng thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Còn liên quan đến việc thực hiện kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Thượng tá Đặng Quốc Vinh – Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện để ban hành các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn.

“Vì vậy, đối với các chủ rừng và các đơn vị liên quan, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và chỉ đạo của UBND các cấp, các sở, ngành liên quan về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác này…”, Thượng tá Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh.

Không chỉ duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình Cụm liên kết an toàn PCCC rừng, hiện huyện Mỹ Đức đã tành lập được 96 Tổ liên gia an toàn PCCC. Đáng chú ý, tại Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 'Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy' cấp Thành phố năm 2024, đội tuyển “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” huyện Mỹ Đức đã giành giải Nhì toàn đoàn.

Đây chắc chắn là tiền đề để công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH cũng như phòng, chống cháy rừng trên địa bàn huyện Mỹ Đức có hiệu quả hơn, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, giúp ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra./.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ vov, moitruong, baovinhphuc...)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top