Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 28 tháng 6 năm 2024  

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Bộ NN-PTNT chỉ đạo khẩn

Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024 | 19:59

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang xảy ra ở một số địa phương: Bắc Kạn, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hòa Bình.. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn yêu cầu một số địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp để kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch.

Tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp

Theo đó, tại Quảng Ninh, từ ngày 14/5 - 21/6/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 298 hộ/67 thôn, khu/25 xã, phường/7 huyện, thị xã, thành phố (Móng Cái, Đầm Hà, Quảng Yên, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí), tổng số lợn chết và tiêu hủy là 2.035 con (chiếm khoảng 1% tổng đàn), trọng lượng gần 100 tấn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị đã hướng dẫn, phối hợp với địa phương chỉ đạo phòng chống dịch theo quy định.

Cử cán bộ kỹ thuật của Chi cục phụ trách địa bàn các huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ, nắm bắt tình hình và hỗ trợ các địa phương, cấp phát 460 bộ test nhanh dịch tả lợn châu Phi cho 5 địa phương (Quảng Yên, Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ) để chẩn đoán phát hiện sớm bệnh dịch.

Quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát bệnh dịch. Ảnh minh họa

UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các xã có dịch. Thực hiện công tác tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh theo đúng quy định. Khẩn trương xử lý ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh, tiêu hủy toàn đàn lợn khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, tính từ 25/4 - 20/6/2024, trên địa bàn đã phát sinh ổ bệnh tại 399 thôn của 94 xã/11 huyện và thành phố. Tổng số hộ có lợn bị bệnh và buộc phải tiêu hủy là 1.782 hộ, số lợn bị chết và buộc phải tiêu hủy là 5.800 con, tổng trọng lượng hơn 272 tấn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân chính làm dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan do một số địa phương cấp huyện, cấp xã nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Việc tổ chức công bố dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT còn chưa đồng bộ.

Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Nam Hùng cho biết, với việc đã có vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi, việc tiêm phòng là một trong các biện pháp rất quan trọng mà người chăn nuôi cần thực hiện. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm phòng vacxin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng 0,01% tổng đàn.

Tiêu hủy 22.011 con lợn nhiễm bệnh 

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra 468 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 41 tỉnh, thành phố, số lợn buộc phải tiêu hủy là 22.011 con. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tăng 2,4 lần, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch tăng 93,7%. Dịch bệnh lở mồm long móng trên vật nuôi cũng gia tăng, số ổ dịch tăng 2,09 lần, số gia súc mắc bệnh tăng 2,18 lần so với cùng kỳ năm trước…

Tại Hòa Bình, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp ở 18 địa phương cấp xã của 6/11 địa bàn cấp huyện của tỉnh này, buộc tiêu hủy gần 1.300 con lợn, chiếm gần 5,5% số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của cả nước.

Tương tự, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp ở trên 90% địa phương cấp xã của tất cả 8/8 địa bàn cấp huyện của tỉnh Bắc Kạn, buộc tiêu hủy gần 10.000 con lợn, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi của cả nước.

Trong khi đó, tại tỉnh Lạng Sơn, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp ở gần 50% địa phương cấp xã của tất cả 10/11 địa bàn cấp huyện của tỉnh Lạng Sơn, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn, chiếm gần 17% số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi của cả nước.

Quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát bệnh dịch

Ngay sau khi các ổ dịch bùng phát ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Cục Thú y đã lập đoàn công tác kiểm ra và nhận thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp...

Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp của địa phương chấn chỉnh, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng, triển khai ngay các biện pháp chống dịch.

Đối với những địa phương đang có ổ dịch tả lợn châu Phi, phát huy vai trò và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và đội ngũ nhân viên thú y tại các xã, phường, thị trấn giám sát chặt dịch bệnh nhằm phát hiện nhanh, chính xác, kịp thời các ổ dịch, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bao vây ổ dịch không để lây lan ra diện rộng. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan; chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong phòng, chống dịch bệnh.

UBND xã, phường, thị trấn khoanh vùng dịch, xác định vùng dịch, vùng đệm, vùng bị uy hiếp; thống kê và giám sát tổng đàn lợn trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra lợn giống bán tại các chợ trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; hỗ trợ hộ chăn nuôi tiêu hủy lợn theo đúng hướng dẫn của ngành thú y; phun thuốc sát trùng, rắc vôi xung quanh chuồng nuôi, lối ra vào khu vực chăn nuôi; đốt rác thải và ủ phân có trộn vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi hằng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; yêu cầu và có biện pháp bảo đảm chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh, thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh;

Rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh; có biện pháp xử lý các hố chôn lợn bệnh không để ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

 

Thanh Xuân

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top