Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 30 tháng 6 năm 2024  

Nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị sâm Nam núi Dành

Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024 | 10:6

Sâm Nam núi Dành được đánh giá là cây trồng có tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao của huyện Tân Yên (Bắc Giang). Những năm qua, huyện đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bước đầu đã đem lại những kết quả nhất định.

Tiềm năng lớn

Năm 2010, huyện Tân Yên phát hiện một gốc sâm cổ ở khu vực xung quanh núi Dành thuộc xã Liên Chung. Nhận thấy mức độ quý hiếm của loại sâm này, năm 2012, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường huyện thực hiện đề tài khoa học “Bảo tồn và nhân giống sâm Nam núi Dành tại một số hộ dân”. Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh”. Cùng với đó, huyện đang thực hiện đề án “Phát triển sâm Nam núi Dành giai đoạn 2022-2027”.

Đến nay, diện tích sản xuất sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên đạt 125ha.

Để thực hiện đề án, địa phương đã tập trung chỉ đạo, định hướng người dân sản xuất theo chuỗi; xây dựng, mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tuân thủ nghiêm các quy định đối với mã số vùng trồng trong khâu sản xuất, đặc biệt là quản lý chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện Tân Yên đã hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia Đề án phát triển sâm Nam núi Dành với tổng số tiền gần 2.269 triệu đồng cho các nội dung: hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống với diện tích 2,8 ha, hỗ trợ 50% chi phí xây dựng 7 hệ thống tưới tự động; hỗ trợ 100% chi phí phân tích đánh giá chất lượng mẫu hoa sâm 2 năm tuổi cho 4 HTX trên địa bàn xã Liên Chung, Việt Lập; hỗ trợ công tác chỉ đạo, tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ sản xuất sâm trên địa bàn.

sâm Nam núi Dành chế biên ra nhiều sản phẩm khác nhau.

Đến nay, diện tích sản xuất sâm Nam trên địa bàn huyện là 125/150ha so với kế hoạch giai đoạn của đề án 2022-2027, đạt 83% so với kế hoạch giai đoạn, tăng 105ha so với năm 2021; Diện tích trồng tập trung từ 0,5ha trở lên là 62ha. Tính đến ngày 30/2/2024 diện tích sâm Nam núi Dành đã và đang thu hoạch trên 115ha, trong đó có 18ha cho thu hoạch củ sản lượng ước đạt khoảng 30 tấn; 115ha cho thu hoạch hoa sản lượng ước đạt năm 2024, dự kiến trên 60 Tấn.

Trên địa bàn huyện có khoảng 16 doanh nghiệp, HTX sản xuất và kinh doanh sản phẩm sâm Nam núi Dành với nhiều sản phẩm phong phú như: Nụ hoa sâm, củ sâm tươi, trà sâm, dầu gội đầu, sâm hòa tan, nước ngọt, nước tăng lực, nước bổ dưỡng, thuốc thảo dược viên sáng mắt núi Dành, rượu sâm, trà hoa sâm, mỳ gạo sâm, bánh sâm...

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết, sâm Nam núi Dành được đánh giá là một trong những cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất được trồng trên địa bàn huyện. Cây trồng 5 năm cho thu hoạch, sản lượng củ từ 15-20 tấn/ha, giá bình quân từ 1.000.000-1.200.000 đồng/kg. Ngoài ra, từ năm thứ 2, thứ 3 cây cho thu hoạch hoa đạt khoảng 700 kg/ha, với giá bán 800.000 đồng/kg.

Trong đó, có những sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao.

Đã có danh nghiệp đưa sản phẩm và một số sản phẩm chế biến từ sâm sang thị trương Mỹ để trưng bày, quảng bá, giới thiệu và ký kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, các viện, trường đại học, trung tâm, doanh nghiệp đã đến, tìm hiểu, đặt vấn đề liên kết để nghiên cứu, thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến thành các sản như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường sức khỏe, bà Nguyệt cho biết.

Xây dựng thương hiệu

Những năm qua, việc nâng cao hiệu quả và quản lý bảo vệ phát triển cây sâm luôn được UBND huyện Tân Yên chỉ đạo chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề quản lý chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng sản phẩm từ sâm cùng như mẫu mã bao bì sản phẩm sau khi được chế biến và bán ra thị trường. Đến nay, UBND huyện đã giao cho 2 đơn vị quản lý chỉ dẫn địa lý là HTX Sâm Nam núi Dành, HTX SXKD Sâm núi Dành Liên Chung. Trên địa bàn huyện hình thành một số điểm giới thiệu sản phẩm được sản xuất từ sâm Nam đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Huyện Tân Yên cũng luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã lựa chọn các tổ chức, cá nhân có ý tưởng lựa chọn sản phẩm chế biến từ sâm Nam núi Dành tham gia chương trình OCOP; thiết kế, nâng cấp mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm; đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Tạo điều kiện, cơ hội để các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh trưng bày giới thiệu sản phẩm của huyện để mọi người dân trên cả nước biết, sử dụng.

Sâm Nam núi Dành được đánh giá là cây cho hiệu quả kinh tế cao.

Đến nay, huyện đã có 3 sản phẩm sản xuất từ sâm được công nhận OCOP từ 3 - 4 sao; các sản phẩm OCOP được mang đi trưng bày quảng bá tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Năm 2023, sản phẩm nụ hoa sâm Nam núi Dành được tôn vinh tại hội nghị tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Giang, đặc biệt các sản phẩm Sâm nam núi Dành đạt giải nhì toàn quốc tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp - phát huy tài nguyên bản địa”.

Định hướng thời gian tới, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết, huyện đã xây dựng chỉ dẫn địa lý, đang làm thủ tục để cấp chứng nhận đặc cách giống đối với cây sâm Nam núi Dành của Tân Yên. Huyện thực hiện đề án sản xuất, tiêu thụ sâm Nam núi Dành, thực hiện kiểm nghiệm đối với chất lượng củ sâm, năm nay, đang thực hiện đến năm thứ 3, để đánh giá chất lượng trong vòng 5 năm, từ đó công bố tiêu chuẩn chất lượng chung cho cả huyện. Ngoài ra, huyện phối hợp với các viện nghiên cứu tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá làm cơ sở khoa học để quảng bá về sản phẩm.

Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình chuẩn để trồng cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, ổn định nhất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp cũng như các đơn vị thu mua, chế biến, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người trồng. Cùng với đó, huyện hỗ trợ cho các chủ thể là các hợp tác xã xây dựng các sản phẩm sâm, chế biến từ sâm để làm sản phẩm OCOP, bà Nguyêt cho biết thêm.

 

Hoàng Văn

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top