Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 6 tháng 7 năm 2024  

Phú Yên: Người nuôi thủy sản ở đầm Cù Mông như ngồi trên đống lửa

Thứ tư, ngày 3 tháng 7 năm 2024 | 20:38

Những ngày qua, người dân nuôi tôm hùm, cá biển lồng bè ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu, Phú Yên) phát hiện cá chết rất nhiều, nổi trắng lồng, khiến họ lo lắng như ngồi trên đống lửa.


Gần đây, tôm hùm, cá biển nuôi lồng bè ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) tiếp tục chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Văn Hai, nuôi cá lồng ở thôn Hoà Thạnh (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) buồn rầu nói: Trước đó, khu vực này nước vẫn trong, không thấy hiện tượng cá chết. Chỉ sau một đêm 22/6 thì chúng tôi phát hiện cá chết trắng bụng nổi lềnh bềnh, nước chuyển sang màu xanh. Được biết, số cá khác đang tiếp tục nổi đầu và nguy cơ chết là rất cao. 

Cá biển nuôi lồng bè ở đầm Cù Mông chết hàng loạt

“Gia đình tôi nuôi 8.000 con cá bớp, khoảng 1 tuần nữa là đến ngày thu hoạch nhưng hiện cá chết rất nhiều. Chúng tôi đã nhận cọc của đại lý thu gom hải sản từ TP Hồ Chí Minh ra, giờ không biết làm sao?”, ông Hai than thở.

Không chỉ các hộ nuôi cá bị thiệt hại mà các hộ nuôi tôm hùm lồng ở khu vực này cũng đối mặt với nguy cơ mất trắng. Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Trên địa bàn xã Xuân Cảnh có 88 hộ nuôi bị thiệt hại, trong đó có khoảng 40 lồng tôm hùm thịt bị thiệt hại, với số lượng tôm chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm con từ 1-2 tháng tuổi bị chết hơn 6.000 con; cá các loại bị chết gần 45 tấn; cá con từ 1-2 tháng tuổi bị chết khoảng 6.000 con… ước thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là vùng nuôi quá tải, thời tiết mưa nắng bất thường gây thiếu ôxy cục bộ tại vùng nuôi. Địa phương đang triển khai các giải pháp khắc phục sự cố tôm, cá chết và tiếp tục thống kê thiệt hại.…

Số lượng tôm hùm chết khoảng 1,7 tấn; tôm hùm con từ 1-2 tháng tuổi bị chết hơn 6.000 con

Theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Phú Yên), kết quả đo các thông số tại hiện trường cho thấy, nhiệt độ nước là 30,3 độ C, ôxy hòa tan là 4,1mg/lít, pH là 7,5, độ mặn 31,8‰. Với kết quả trên, đoàn kiểm tra nhận định nguyên nhân gây chết cá, tôm hàng loạt có thể do hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp kéo dài, thời điểm xảy ra tôm, cá chết (khoảng 2-3 giờ sáng) hàm lượng ôxy hòa tan rất thấp (khoảng 2-3mg/lít), dưới ngưỡng chịu đựng của các loài thủy sản nuôi.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác là mật độ lồng nuôi quá dày, trong đó có nhiều bè nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ để làm thức ăn cho tôm hùm (thường gọi là cơm cháy, đồng đen) gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều ôxy vào ban đêm, dẫn đến hiện tượng thiếu ôxy cục bộ tại vùng nuôi.


Theo kết quả phân tích mẫu nước (lấy ngày 24/6 tại đầm Cù Mông, xã Xuân Cảnh) do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện, 4/14 thông số môi trường nước tầng mặt và 6/14 thông số nước tầng đáy nằm ngoài giới hạn cho phép (GHCP). Nhu cầu ôxy hóa học (COD) cả 2 mẫu thu đều vượt GHCP, trong đó hàm lượng COD ở mẫu thu tầng mặt là 8,3mg/1, tầng đáy là 4,7mg/1, cao hơn so với GHCP là 4mg/1. Mật độ vibrio tổng số cả 2 mẫu thu ở tầng mặt và tầng đáy đều vượt hơn 103cfu/ml (tầng mặt là 2,6 x 103cfu/ml; tầng đáy là 4,7 x 103cfu/ml). Hàm lượng PO43--P mẫu tầng đáy vượt GHCP. Mật độ conform tổng số, mẫu thu ở tầng đáy vượt GHCP. Ngoài ra, nhiệt độ ở thời điểm khảo sát khá cao, tầng mặt là 31,70C, tầng đáy là 30,60C.

Kết quả đánh giá chất lượng môi trường nước theo chỉ số AWQI (chỉ số chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản) cho thấy, tại vùng khảo sát, chất lượng nước tầng mặt ở mức kérn (AWQI = 40) và tầng đáy ở mức rất kém (AWQI = 20). Chất lượng nước chưa phù hợp cho nuôi trồng thủy sản lồng, bè tại khu vực khảo sát.

Ngư dân thu gom cá, tôm chết đưa vào bờ tiêu hủy theo quy định

Từ các kết quả khảo sát, đo đạc hiện trường và phân tích mẫu cho thấy, hàm lượng DO thấp, chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm và cá biển nuôi lồng. Thời tiết tại Phú Yên nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt và kéo dài, nhiệt độ từ 35-380C, có nơi lên đến 390C. Tại thời điểm khảo sát, nhiệt độ nước tầng mặt cao, gần tiệm cận với giới hạn trên cho phép; hàm lượng DO thấp, nước vùng nuôi thể hiện ô nhiễm chất dinh dưỡng, chất hữu cơ. Bên cạnh đó, lồng nuôi được đặt gần bờ, có độ sâu mực nước thấp (2,5-3,5m lúc nước ròng) so với quy định, mật độ lồng thả nuôi dày, khu vực nuôi nằm ở vị trí nút thắt cổ chai, dễ làm cho việc đối lưu và trao đổi nước kém. Đây có thể là những nguyên nhân làm cá biển, tôm hùm nuôi chết tại vùng khảo sát.

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III khuyến cáo, người nuôi chuyển lồng, bè nuôi đến nơi có độ sâu mức nước tối thiểu khi triều thấp lớn hơn 4m. Sử dụng viên ôxy, máy sục để tăng ôxy hòa tan. Tổ chức thu gom cá, tôm chết đưa vào bờ tiêu hủy theo quy định, tuyệt đối không để cá, tôm chết trên đầm, ven bờ làm gia tăng ô nhiễm nước và nguy cơ dịch bệnh. Che mát bằng lưới lan ở những lồng, bè còn cá, tôm nuôi và các lồng nuôi ở khu vực kế cận, khi thời tiết tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt thời gian tới. Bổ sung vitamin và men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cho cá, tôm tiêu hóa tốt. Cần sắp xếp, bố trí lại vùng nuôi lồng, bè ở địa phương hiệu quả hơn, lưu ý về lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi, vị trí đặt lồng, khoảng cách giữa các lồng, bè phù hợp và an toàn hơn cho vùng nuôi.


Nhằm ứng phó kịp thời trước tác động của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong nuôi trồng thủy sản, ngành thuỷ sản, các địa phương và các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Một trong những nguyên nhân làm tôm hùm, cá chế là mật độ lồng nuôi quá dày

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo: Người nuôi không nuôi với mật độ dày mà phải tiến hành san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi. Chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và có mực nước tối thiểu 4m khi triều kiệt. Giảm lượng thức ăn hằng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt, chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng của vật nuôi trong giai đoạn thời tiết thất thường như hiện nay.  

Mới đây, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các TX Sông Cầu, Đông Hòa và huyện Tuy An cùng các đơn vị liên quan thường xuyên thực hiện công tác quan trắc, đánh giá, dự báo tình hình môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản; kịp thời có giải pháp, hướng dẫn người nuôi chủ động phòng tránh dịch bệnh và hạn chế sự cố môi trường trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi thủy sản bằng lồng, bè nói riêng.

Thời tiết hiện nay được các cơ quan chức năng dự báo tiếp tục diễn biến bất thường. Theo dự báo, số ngày nắng nóng của mùa hè năm nay có thể xuất hiện nhiều hơn năm trước, khả năng xuất hiện những cơn mưa giông xen kẽ những ngày nhiệt độ cao, vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc. Trước tình hình đó, hơn ai hết người dân nuôi trồng thuỷ sản cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng, nóng để duy trì hoạt động nuôi trồng thuỷ sản bền vững./.

 


Dương Hùng

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top