Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  

Xã Vạn Ninh yêu cầu người chăn nuôi báo cáo khi có lợn chết, thực hiện chôn lấp để bảo vệ môi trường

Thứ bảy, ngày 6 tháng 7 năm 2024 | 13:40

Lợn chết khá nhiều ở xã gò đồi Vạn Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình) khiến người chăn nuôi bị thiệt hại và chính quyền địa phương thì “đuối sức” trong việc xử lý xác lợn chết và xác định mẫu bệnh.

Chính quyền cơ sở “đuối sức”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng đàn vật nuôi mà chủ yếu là lợn chết nhiều tại xã Vạn Ninh hay xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) trong mùa nắng nóng thường gặp hàng năm.

Tuy vậy, bên cạnh thiệt hại của người chăn nuôi, thì vấn đề đặt ra là việc xử lý xác lợn chết đúng kỹ thuật tại địa phương này đang được người dân tiến hành một cách tùy tiện, xác lợn vứt ra đồng ruộng, ao hồ, kênh thủy lợi, hoặc trên những quả đồi hoang hóa…

Ông Ngô Đình Túc, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp UBND xã Vạn Ninh cho hay, gần 2 tuần nay, hầu như ngày nào tại địa phương cũng phát sinh lợn mắc bệnh, qua thống kê sơ bộ, có từ 60 - 70 con lợn bị chết, 36 hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết gần đây diễn biến bất thường, việc chống nóng cho vật nuôi tại chuồng chưa tốt.

Lợn chết được vứt ở kênh mương thủy lợi

Tình trạng lợn chết hiện đang xuất hiện ở thôn Bến, thôn Đồn, thôn Đại Phúc, thôn Nam Hải. Khi lợn chết, hộ chăn nuôi lại không thông báo lên chính quyền xã để nắm thông tin, để Ban Thú y kịp thời về lấy mẫu, mà lại tự xử lý xác lợn bằng cách vứt ra đồi, cánh đồng, số ít thì chôn lấp.

Ông Hoàng Thế Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, cho biết: Trước tình trạng lợn chết nhiều, xác lợn được người dân vứt bỏ tùy tiện, UBND xã đã cử lực lượng tham gia kiểm kê đàn vật nuôi, đề nghị người dân cho lấy mẫu, cũng như thu gom xác lợn để chôn lấp tập trung.

Từ ngày 28/6 đến ngày 5/7/2024, xã đã gom được khoảng 70 xác lợn, dùng máy đào hố sâu, chôn lấp tại 05 vị trí. Hiện nay, lượng hóa chất và vôi khử trùng tại địa phương đã hết, UBND xã Vạn Ninh vừa tức tốc gửi Tờ trình lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xin hỗ trợ thêm hóa chất, vôi khử trùng và cán bộ chuyên về lấy mẫu bệnh của đàn vật nuôi tại địa phương, để xác định lợn chết do nguyên nhân gì.

Nhiều xác lợn chết đang phân hủy, gây mùi hôi khó chịu

“Số lượng lợn chết nhiều, người dân lại tự xử lý mà không báo cáo để được hỗ trợ, hướng dẫn; trong khi đó, lực lượng tham gia của xã mỏng (5 người) và phải tỏa đi nhiều nơi nên quá trình xử lý lợn chết có thời điểm bị chậm trễ so với yêu cầu. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực của mình, sẽ sớm ổn định ình hình, để người chăn nuôi hạn chế thiệt hại và người tiêu dùng không quá lo ngại”, ông Lâm nói.

Nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình từng chỉ rõ, tác động của lợn chết hàng loạt, ngoài gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi, còn một nỗi lo khác dai dẳng hơn là vấn nạn môi trường.

Theo quy định, hố tiêu hủy phải đào sâu hơn 3m, lót bạt, rải vôi, lấp đất, cách xa khu dân cư 300m. Tuy nhiên, về lâu dài, khi số heo này phân hủy, nguy cơ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm là có. Chưa kể nước thải, chất thải từ giết mổ cũng sẽ thấm vào đất gây hại cho mạch nước ngầm, nhất là ở vùng cát. Ngoài ra, thực trạng dễ nhận thấy hơn là việc người dân lén lút mang xác heo chết đi vứt ngoài kênh mương, sông suối, ruộng đồng. Điều này xuất phát từ quan niệm lạc hậu của người dân về việc không mang chôn để “dễ nuôi” sau này. Dù cơ quan chức năng đã tích cực dùng xe lưu động tuyên truyền lẫn tăng cường kiểm soát, nhưng chỉ cần lơ là là tình trạng trên tái diễn. Chính quyền và ngành chuyên môn đã giải thích, vận động rất nhiều nhưng sự chấp hành chưa cao. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến việc phát hiện dịch bệnh chậm, làm lây lan dịch mạnh hơn, và cái “hậu” đáng lo nhất vẫn là yếu tố môi trường.

Anh Trương Văn Hòa (xã Vạn Ninh) cho biết: Tại xã tôi, việc lợn chết trong chăn nuôi là có và thường gặp vào mùa nắng nóng như hiện nay. Vậy nhưng, cái chúng tôi lo nhất là việc hộ chăn nuôi lại vứt xác lợn ra môi trường tự nhiên, chứ không chôn lấp, rắc vôi bột. Sau ít ngày là xác lợn phân hủy, gây mùi hôi khó chịu, ruồi nhặng và hơn cả là khả năng phát tán của vi khuẩn, mầm bệnh (nếu có) từ xác lợn sang các chuồng trại đang chăn nuôi gần đó và ảnh hưởng đến chính sức khỏe con người. Chúng tôi mong muốn việc làm trên sẽ chấm dứt.

Bà Hồ Thị Hồng Lĩnh, cán bộ Ban Thú y xã Vạn Ninh chia sẻ, mấy ngày nay, bên cạnh việc kiểm kê số lượng lợn của các hộ gia đình trên toàn xã, thì khó khăn đặt ra là việc hộ chăn nuôi không phối hợp trong việc cho phép lấy mẫu vật nuôi, để xác định chính xác nguyên nhân lợn chết do thời tiết hay mầm bệnh; để chính quyền cấp xã và huyện có sự kiểm soát tình hình đúng nhất và phù hợp.

Hộ chăn nuôi rắc vôi bột khử khuẩn khu vực chuồng trại của mình, để tránh lây nhiễm.

Được biết, từ ngày 5/7/2024, UBND xã Vạn Ninh bắt đầu tiến hành việc gửi Văn bản đến các hộ chăn nuôi, đề nghị các hộ ký cam kết thực hiện việc thông tin báo cáo khi có tình trạng lợn chết và bảo vệ môi trường bằng biện pháp chôn lấp. Hộ chăn nuôi nào không thực hiện nghiêm túc, khi bị phát hiện sẽ xử phạt hành chính và không được hưởng những khoản kinh phí hỗ trợ từ các cấp khi có dịch bệnh.

Cùng đó, liên tục từ ngày 4/7/2024 đến thời điểm kiểm soát được tình trạng lợn chết hàng loạt ở địa phương, UBND xã Vạn Ninh thường xuyên phát bài tuyên truyền về công tác chăn nuôi an toàn mùa nắng nóng, biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả qua hệ thống truyền thanh của xã.

Vũ Hoàng - Nguyên Linh

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top