Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024  

Tín dụng chính sách, nguồn lực tạo chuyển biến ở Bắc Hà

Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 10:15

Những năm qua, nguồn vốn từ ngân sách uỷ thác qua NHCSXH Bắc Hà (Lào Cai) đã giúp người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển homestay, du lịch nông nghiệp, ổn định đời sống, góp phần cùng địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia một cách hiệu quả.

Những mô hình homestay hút khách ở Bản Phố

Khu nghỉ dưỡng của gia đình bà Vàng Thị Chử (dân tộc Mông) cách trung tâm huyện chưa đầy 2km, nằm trong khu dân cư, vẫn là ngôi nhà trình tường, hàng rào đá nhưng từ lan can, viên ngói, bậc cầu thang đến tường rào... đều được gia chủ chăm chút tỉ mỉ. Bước qua cánh cổng gỗ, du khách như đắm chìm vào không gian chứa đựng nét văn hoá, tập quán sinh hoạt rất riêng, rất bản sắc của dân tộc Mông. Đặc biệt là khu vực nấu rượu Hồng Mi truyền thống bằng bếp củi, nồi gang, thùng gỗ, chum, vại... và mùi thơm nức của loại rượu ngô men lá bản địa.

Nhờ nguồn vốn tín dụng của NHCSXH, Homestay của gia đình bà Vàng Thị Chử thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố (Bắc Hà, Lào Cai) đã trở thành địa điểm hấp dẫn khách du lịch

Vài năm trước, gia đình bà Chử cũng như nhiều người dân trong vùng sống tự cung tự cấp, chủ yếu dựa vào ngô, lúa một vụ và 2 lứa lợn (mỗi lứa 10 con), thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Bà Chử tâm sự: “Sau này, chúng tôi bắt đầu nấu rượu vào các ngày thứ 7, chủ nhật, vừa để khách tham quan trải nghiệm, vừa bán sản phẩm để có thêm thu nhập. Mỗi dịp cuối tuần, chúng tôi nấu khoảng 60kg ngô, thu được 20 lít rượu, bán với giá 50.000 đồng/lít và tận dụng bã rượu để chăn nuôi. Thu nhập cũng tăng nhưng không đáng kể. Gia đình mong muốn làm lại ngôi nhà cũ kỹ mà không có đủ tiền. Năm 2018, gia đình được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH nên đầu tư tăng đàn lợn lên 30 con/lứa, mỗi năm xuất bán 60 con lợn. Sau 3 năm thì  chúng tôi trả hết nợ và còn tiết kiệm được 300 triệu đồng. Gia đình bắt tay vào dựng được khung ngôi nhà mới, dự tính hoàn thiện dần trong vài năm tiếp theo. Đến năm 2023, có đề án phát triển du lịch từ nguồn ngân sách của huyện uỷ thác qua NHCSXH, gia đình mạnh dạn vay 100 triệu đồng, đầu tư hoàn thiện nội thất và trang thiết bị, biến ngôi nhà mới của gia đình thành điểm homestay phục vụ khách du lịch”.

Homestay của bà Chử mở cửa đón khách từ đầu năm 2024. Trung bình mỗi tháng gia đình có khoảng 2 đoàn khách đến lưu trú, số lượng 10-15 người/đoàn với giá nghỉ 100.000 đồng/người/đêm. Vào mùa cao điểm, 5 phòng nghỉ kín khách với khoảng 30 người, gia đình thu về 3 triệu đồng/đêm.

Gần nhà bà Chử là gia đình bà Vàng Thị Mỷ, cũng nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH, đầu tư nội thất, làm vách ngăn ngôi nhà sàn truyền thống làm 5 phòng riêng khép kín và 1 phòng tập thể để có thể đón lượng khách lưu trú khoảng 35 người/đêm. Tiếp cận nguồn vốn từ cuối năm 2023, đến nay, mô hình homestay của gia đình bà Mỷ đã hoạt động ổn định. Mỗi tuần đón từ 12-15 khách đến lưu trú và ăn uống, trung bình mỗi tháng thu lãi gần 10 triệu đồng.

Ông Đặng Tiến Trọng, cán bộ tín dụng của NHCSXH Bắc Hà phụ trách xã Bản Phố, cho biết, cư dân ở Bản Phố có đến 90% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2022, mới có 5 hộ dân làm homestay với cơ sở vật chất sơ sài. Đến nay, đã có 7 hộ tham gia với nhận thức ngày càng cao về chất lượng dịch vụ. Hiện cả 7 hộ này đều được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH để phát triển du lịch, giải quyết việc làm với mức vay 100 triệu đồng/lao động và đang có thu nhập ổn định.

Cán bộ tín dụng khảo sát mô hình homestay của gia đình bà Vàng Thị Mỷ.

Chuyển biến từ Chỉ thị số 40 - CT/TW

Theo kết quả điều tra cuối năm 2023, Bắc Hà có 4.959 hộ nghèo, chiếm 33,8%; 2.687 hộ cận nghèo, chiếm 18,31%. Huyện có 18 xã và 1 thị trấn, trong đó 11 xã thuộc diện khó khăn. Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, nguồn vốn ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH cho vay năm 2023 là 1.006 triệu đồng  (hoàn thành 201,1% kế hoạch). Đến ngày 31/5/2024, UBND huyện Bắc Hà chuyển 2.000 triệu đồng (hoàn thành 200% kế hoạch). Từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW, tổng nguồn vốn UBND huyện đã ủy thác là 8.145 triệu đồng.

Ông Giang Phi Tiến, Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Hà, cho biết: NHCSXH đã tham mưu cho Ban đại diện trình Thường trực Huyện ủy, HĐND và UBND huyện xem xét bổ sung nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH năm 2024 để cho vay đối với các mô hình, dự án phụ nữ,  thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế; cho vay phát triển kinh tế - xã hội ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và cho vay phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện số tiền 1.250 triệu đồng. Dư đến 30/4/2024 là 9.499 triệu đồng, tăng so với 31/12/2023 là 2.427 triệu đồng, hoàn thành 242,7% kế hoạch giao (Ngân sách huyện là 2.000 triệu đồng; nguồn thu từ dự án GREAT 250 triệu đồng do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện được giao quản lý; lãi chuyển tăng nguồn 177 triệu đồng)”.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, NHCSXH huyện Bắc Hà đã thực hiện giải ngân cho 1.367 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Trong đó có 612 lượt hộ nghèo, 244 lượt hộ cận nghèo, thu hút, tạo việc làm cho 110 lao động từ chương trình cho vay Quỹ quốc gia về việc làm, 232 lượt hộ gia đình thực hiện sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn. Từ nguồn vốn vay, đã có 3 căn nhà được xây mới, 242 công trình nước sạch, công trình vệ sinh hộ gia đình nông thôn được xây mới và sửa chữa, 10 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn để phát triển sản xuất kinh doanh. Hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 

Nguyên Hoa

Xem thêm

4 5[6]
Top