Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024  

Thị trường HALAL (Bài 2): Đâu là chiến lược bài bản?

Thứ ba, ngày 23 tháng 7 năm 2024 | 10:14

Thị trường sản phẩm Halal ngày càng phát triển, tuy nhiên, để khai thác thị trường của người Hồi giáo một cách bài bản, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái cũng như cộng đồng doanh nghiệp làm sản phẩm Halal...

Bài 1: Cơ hội cho nông sản và doanh nghiệp Việt

Hoàn thiện cấp chứng nhận Halal 

Quy mô thị trường Halal toàn cầu tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt khoảng 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025, khoảng 4,5 ngàn tỷ USD vào năm 2030. Cùng với đó, ngành công nghiệp Halal (cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn cho người Hồi giáo) nói chung và thực phẩm Halal nói riêng cũng có quy mô tầm cỡ, tiềm năng tăng trưởng cao.

Nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu như: thế mạnh xuất - khẩu nông, thủy sản với tiêu chuẩn cao; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; cơ cấu hàng xuất -  nhập khẩu mang tính bổ sung đối với thị trường Halal.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt tham gia xuất khẩu vào thị trường này chưa nhiều. Hệ thống chứng nhận Halal tại Việt Nam cũng chưa hoàn thiện, quá trình triển khai còn phức tạp và chưa được chuẩn hóa.

Sản phẩm vào thị trường Halal phải đáp ứng các quy định đặc thù và nghiêm ngặt của người Hồi giáo.

Do có nhiều hệ thống tiêu chuẩn Halal trên thế giới nên các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam buộc phải làm việc với nhiều tổ chức chứng nhận Halal của các nước để được chấp nhận chứng nhận Halal, khiến cho chi phí cấp chứng nhận tăng lên, làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

TS. Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, cho rằng, muốn xuất khẩu vào thị trường Halal, trước tiên, doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal được xác thực bởi các cơ quan có thẩm quyền. Để đạt được chứng nhận này không phải dễ. Bởi, các tiêu chuẩn và quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận rất nghiêm ngặt lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia và với tất cả các mặt hàng. Vì vậy, bắt buộc doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) vừa tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), có chức năng cung cấp các dịch vụ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn Halal; tổ chức, đào tạo, tập huấn về các tiêu chuẩn, yêu cầu Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với thị trường xuất khẩu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal nhằm đối thoại chính sách, tăng cường cung cấp các thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp...

Trung tâm là cơ quan cấp và quản lý chứng nhận Halal cho Việt Nam sẽ mang lại một số lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một số lợi thế chính bao gồm các sản phẩm halal của Việt Nam sẽ được nâng cao danh tiếng vì chứng nhận Halal của cơ quan có thẩm quyền quốc gia có thể cải thiện hình ảnh và niềm tin của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, thể hiện cam kết về chất lượng và an toàn...

Ngoài ra, để đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm Halal, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ về văn hóa Hồi giáo, bởi đức tin và tâm linh của người Hồi giáo được thể hiện ngay trong quá trình sản xuất. Phải quan tâm đến những yếu tố từ nhà xưởng (phải có sự tách biệt giữa nhà xưởng sản xuất sản phẩm Halal với sản phẩm không Halal), các yêu cầu về thiết bị cũng phải được tách biệt, không sử dụng chung...

Doanh nghiệp cũng phải tách biệt rõ ràng, quy định cụ thể các tiêu chí sản xuất về mặt tôn giáo, bởi đây không đơn thuần là yếu tố kỹ thuật mà còn là niềm tin, đức tin của người Hồi giáo khi tham gia quá trình sản xuất. Trong quá trình tạo dựng thương hiệu, doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào sự trung thực và liêm chính, rõ ràng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của người Hồi giáo.

Chú trọng chất lượng sản phẩm

Sản phẩm vào thị trường Halal  phải đáp ứng các quy định đặc thù và nghiêm ngặt của người Hồi giáo. Hay nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường này.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và nâng cao chất lượng khi xuất sang thị trường Halal, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững.

Đồng thời, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản và truyền thông quảng bá sản phẩm chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, thị trường Halal đang chuyển dịch từ tư duy chỉ quan tâm tới sản phẩm Halal sang xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng Halal. Vì vậy, để xuất khẩu bền vững, việc thiết lập các tiêu chuẩn Halal cần được chú trọng.

Doanh nghiệp và nhà sản xuất cần đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quá trình sản xuất Halal, bao gồm các yếu tố về số lượng khiếu nại, sự cố Halal, tần suất kiểm tra, tỷ lệ nhân viên được đào tạo mức độ trưởng thành của Halal, niềm tin Halal, chỉ số danh tiếng Halal, giấy phép hoạt động và xếp hạng Halal… Doanh nghiệp và bên cung ứng cũng cần xây dựng thương hiệu Halal uy tín trên cơ sở chất lượng sản phẩm và chất lượng của toàn bộ chuỗi giá trị kinh doanh Halal, xây dựng lộ trình thực tế để triển khai chuỗi giá trị Halal và rà soát tiến độ.

Theo ông Nguyễn Đăng Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh, người Hồi giáo chỉ mua sản phẩm Halal như một bằng chứng về đức tin mà Allah cho phép sử dụng sản phẩm đó. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý không nói về các tôn giáo khác nhau, không quảng cáo hình ảnh nhạy cảm (phụ nữ, tôn giáo khác) trên bao bì sản phẩm, phương thức thanh toán hay dùng D/P, chuyển tiền, đặt cọc, ít dùng L/C; bao bì sản phẩm phải có tiếng Ả Rập, người Ả Rập thích tiếp xúc trực tiếp với đối tác kèm mẫu hàng.

Làm rõ hơn ưu thế của doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường Halal, TS. Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, nêu rõ: Điều thú vị của doanh nghiệp khi đi theo chuẩn mực Halal toàn cầu là không phải mang sản phẩm đi chào hàng. “Đây là điểm vô cùng đặc biệt, bởi trong hệ thống Halal thế giới có sẵn chuỗi cung ứng đang có cầu cao, trong khi số doanh nghiệp đạt được chứng nhận Halal còn rất ít. Sự khắt khe của thị trường Halal lại chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt đối với thị trường này”, ông Sa nhấn mạnh.

 

Chí Thanh

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top