Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 7 năm 2024  

Quảng Nam: Kinh tế hợp tác xã kiểu mới còn lắm chông gai

Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024 | 11:4

Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đang phát triển mạnh tại Quảng Nam với các sản phẩm khởi nghiệp, OCOP, nông sản chế biến sâu... Nhưng họ đang gặp phải khó khăn nhất định trong việc tiếp cận các cơ chế, chính sách về nguồn vốn, quỹ đất để phát triển.

Khó khăn về diện tích đất

Thành lập từ năm 2021, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình (xã Bình Dương, Thăng Bình) có diện tích 3.000m2, trồng các loại rau, hoa hữu cơ, kết hợp du lịch trải nghiệm.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình cho biết, ngay từ khi xây dựng, HTX nghiên cứu rất kỹ các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan nên gặp nhiều thuận lợi trong tiếp cận các cơ chế mới. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của HTX là mong muốn được liên kết người dân địa phương mở rộng quy mô sản xuất nhưng không thực hiện được.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn.

“Hiện, diện tích đất ở xã Bình Dương đã có quy hoạch cụ thể, dù là quy hoạch treo nhưng chúng tôi không thể tiếp cận được. HTX muốn mở rộng quy mô thêm 2ha, liên kết với người dân địa phương, cung cấp cây giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và thu mua nông sản của người dân. Mục tiêu rõ ràng, nhưng khi trình dự án này thì không được chấp nhận vì không có quy hoạch đất cho nông nghiệp. Điều này chúng tôi đã không dự lường trước, nên hiện chỉ duy trì chứ không mở rộng được quy mô” - anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, việc phụ thuộc vào quỹ đất sẽ hạn chế sự phát triển của HTX, do đó cần có cơ chế mở để HTX tiếp cận thuê, mượn đất, liên kết cùng người dân phát triển sản xuất.

Tương tự, chị Võ Thu Thủy - Giám đốc HTX Nông nghiệp - dược liệu Tam Anh Nam (Núi Thành) cho biết, khi vay vốn để phát triển sản xuất thì buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“HTX kiểu mới đa số là người trẻ, chưa có đất đảm bảo điều kiện vay vốn từ nguồn quỹ HTX nên gặp nhiều khó khăn. Đến trụ sở HTX cũng chưa có, phải mượn tạm nhà ở để đặt nơi làm việc. Mong muốn của chúng tôi là được hỗ trợ thuê, mượn đất để có một trụ sở khang trang và liên kết người dân mở rộng diện tích trồng dược liệu, vì hiện nay nhu cầu lớn nhưng đất quy hoạch không thể trồng được” - chị Thủy nói.

Theo ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) cho biết, đất đai là vấn đề lớn đối với HTX. Hiện nay, trụ sở HTX chỉ là khu đất UBND xã Bình Đào cho mượn, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đất đai không thể “chính danh” nên khó khăn rất lớn trong đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất.

Cạnh đó, hầu hết HTX trên địa bàn tỉnh đều rất cần vốn vay để đầu tư lớn hơn cho sản xuất kinh doanh. HTX Nông nghiệp Bình Đào chỉ có thể vay vốn của ngân hàng thương mại bằng cách thế chấp đất đai của hộ gia đình.

“Luật HTX năm 2023 có nội dung mới về hỗ trợ vốn vay, mong nội dung này thực sự hữu ích cho các HTX. Ông Sanh nói, sản xuất nông nghiệp thời gian qua tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do dịch bệnh, thiên tai. Luật HTX năm 2023 có nội dung về bảo hiểm nên rất mong chính sách mới có ích cho các HTX. Lâu nay, không hề có bảo hiểm nông nghiệp. Luật HTX năm 2023 có nội dung này, các cơ quan chức năng cần đưa ra các quy định để Luật mới thực sự hỗ trợ các HTX” - ông Sanh nói.

Khó khăn về kỹ thuật, công nghệ mới

HTX Địch Yên (xã Tiên Phong, Tiên Phước) lại gặp khó về năng lượng. Anh Hứa Đại Dương - Giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có quy mô sản xuất tương đối lớn, cần nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất, chế biến bánh tráng. Tuy nhiên, khu vực này có nguồn điện yếu, HTX đã kéo dây từ trạm hạ thế về, nhưng cũng chỉ phục vụ được 1 máy, nếu 2 máy hoạt động cùng lúc thì yếu, không sản xuất được.

HTX Địch Yên khắc phục bằng cách chạy luân phiên, hết máy này đến máy kia nên rất tốn nhân công, hiệu suất không cao.

Những khó khăn trước mắt đang là rào cản lớn trong phát triển kinh tế HTX kiểu mới.

Những khó khăn trước mắt đang là rào cản lớn trong phát triển kinh tế HTX kiểu mới.

“Việc đặt một trạm hạ thế riêng HTX đã nghĩ đến, tuy nhiên với năng lực hiện tại, HTX chưa thể làm được, rất cần sự quan tâm bổ sung thêm cơ chế phù hợp, để các HTX tương tự có thêm động lực đầu tư phát triển quy mô hơn” - anh Dương nói.

Hiện nay, các HTX kiểu mới gần như không tiếp cận được đất đai dù nhu cầu thực tế rất lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng nhiều khó khăn. Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25 (ngày 22/7/2021) của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có các quy định về hỗ trợ cho HTX khởi nghiệp.

Theo đó, yêu cầu các thành viên sáng lập hoặc đồng sáng lập giữ vị trí lãnh đạo, quản lý không quá 40 tuổi và lần đầu tham gia; HTX hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương, giải quyết việc làm cho 10 lao động trở lên và ưu tiên tham gia chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng công nghệ cao thì được hỗ trợ không quá 200 triệu đồng/HTX để đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu, máy móc, trang thiết bị ban đầu.

Tuy nhiên, nhìn nhận từ Liên minh HTX tỉnh, từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến nay chưa có HTX nào thụ hưởng chính sách này.

 

 

Anh Vũ

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top