Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  

Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

Thứ năm, ngày 29 tháng 8 năm 2024 | 10:43

Thông qua nghi lễ cúng no đủ, người Ê Đê không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, mùa màng bội thu, mà còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Xã Cư Suê (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) là một vùng đất hoang sơ và hùng vĩ, nổi bật với rừng cây Kơ nia bạt ngàn.

Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn bởi sự đa dạng văn hóa của 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 4 buôn đồng bào dân tộc Ê Đê.

Người dân xã Cư Suê rộn ràng đến lễ cúng no đủ.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Cư Suê vẫn lưu giữ nhiều phong tục tập quán và lễ hội đa sắc màu. Một trong số đó phải kể đến nghi lễ cúng no đủ (tiếng Ê Đê là Kăm Hmah Kăm Hwa) của người Ê Đê.

Khu vực diễn ra lễ cúng 

Theo truyền thống của người Ê Đê, nghi lễ này thường được tổ chức tại một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong. Với kinh nghiệm làm nương rẫy và chọn đất, đồng bào cho rằng đây là nơi đất lành, thích hợp để làm địa điểm tổ chức lễ cúng no đủ.

Các đại biểu tham dự khai mạc nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

Ông Y Nghi Êban (SN 1968), già làng buôn Sút M'drang (xã Cư Suê) cho biết, lễ cúng no đủ là một nghi lễ rất quan trọng đối với người Ê Đê. Nghi lễ này cầu cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt và mùa màng bội thu.

Sự no đủ của cộng đồng là điều mà mọi người đều khao khát. Chính vì vậy, trước đây, cứ vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 hàng năm, người Ê Đê trong các buôn làng lại rộn ràng chuẩn bị các lễ vật để tổ chức nghi lễ cúng no đủ.

Ngôi nhà sàn nhỏ của người Ê Đê được dựng trong khu vực lễ cúng no đủ

Thế nhưng, theo già làng buôn Sút M'drang, do mải chạy theo cuộc sống thị trường để kiếm sống hàng ngày và ảnh hưởng của các luồng văn hóa mới, nét văn hóa độc đáo nói trên dần mai một.

Ông Y Nghi khẳng định, kể từ sau năm 1980 đến nay, người Ê Đê trong các buôn trên địa bàn không còn tổ chức nghi lễ cúng no đủ nữa. Chính vì thế, nhiều năm nay, thế hệ trẻ trong các buôn không hình dung được nghi lễ cúng no đủ là gì và có ý nghĩa như thế nào.

Trước tình hình đó, vào ngày 22/7, UBND huyện Cư Mgar đã ban hành Kế hoạch số 575/KH-UBND về việc phối hợp phục dựng nghi lễ cúng no đủ của dân tộc Ê Đê tại buôn Sút M'drang.

Nhiều lễ vật được chuẩn bị để phục vụ lễ cúng no đủ

Thực hiện kế hoạch của UBND huyện Cư Mgar, sáng 28/8, chính quyền địa phương xã Cư Suê và người đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn xã tất bật chuẩn bị nhiều lễ vật gồm: 2 con heo, trong đó có 1 heo trắng khỏe mạnh.

Người dân mong muốn, lễ vật này sẽ mang ý nghĩa vô cùng tốt lành và đem lại may mắn, ấm no cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, lễ vật của nghi lễ cúng no đủ còn có 5 con gà trống, 3 ché rượu cần, 20 vòng đồng, 3 chuỗi hạt, 3 chén đồng, 3 tô đồng, 1 mâm đồng, 1 cây chuối tươi, 1 cột lễ, 2 tượng biểu trưng cho thần thiện và thần ác, tượng heo rừng, sóc, chuột, mõ đuổi chim...

Trong đó, các ché rượu cần để phục vụ lễ cúng tuyệt đối không được mua bên ngoài mà phải do chính người dân trong buôn dùng gạo và men ủ, nấu rượu.

Trong lễ cúng, ngoài kho lúa, người Ê Đê còn làm kho đựng các vật dụng sản xuất, săn bắn và các động vật rừng săn bắn đã được phơi khô.

Ngoài ra, xung quanh khu vực tổ chức lễ cúng no đủ còn được treo 10 cái chuông gió để báo hiệu cho người dân trong buôn về dự lễ, đồng thời xua đuổi những điều không may mắn. Bên cạnh đó, còn có những chiếc khiên, dao để xua đuổi tà ma.

Thông qua nghi lễ cúng no đủ, người Ê Đê không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, mùa màng bội thu, mà còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

 

Dương Hùng

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top