Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  

Cà Mau ứng dụng thành công kỹ thuật nuôi cua 2 da

Thứ bảy, ngày 31 tháng 8 năm 2024 | 9:0

Qua 9 tháng triển khai thực hiện, Dự án “Ứng dụng kỹ thuật lọc tuần hoàn nuôi cua biển 2 da trong hộp nhựa” tại hộ bà Nguyễn Thị Quyên, ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, đã mang lại kết quả hết sức khả quan. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT kết hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cái Nước (Cà Mau) tổ chức hội thảo tổng kết và nhân rộng mô hình.

Dự án “Ứng dụng kỹ thuật lọc tuần hoàn nuôi cua biển 2 da trong hộp nhựa” thực hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Quyên có tổng vốn đầu tư hơn 420 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 180 triệu đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ năm 2023, phần còn lại gia đình đối ứng. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2023-7/2024.

Với quy mô 200 hộp nhựa và hệ thống lọc tuần hoàn trong bể bê tông, qua 9 tháng cho thu hoạch 8 vụ, trung bình sản lượng mỗi vụ hơn 50 kg cua biển 2 da thương phẩm, lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng, cá biệt có một số vụ cho lợi nhuận lên đến gần 10 triệu đồng.

Ðể giúp người nuôi hiểu rõ hơn quy trình nuôi cua biển 2 da, tại buổi tổng kết dự án, ngành chức năng còn tổ chức cho bà con tham quan thực tế và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Quyên chia sẻ: “Ðầu tiên là phải giữ cho môi trường nước ổn định. Sau đó lựa chọn những cá thể cua khoẻ mạnh, tốt nhất là cua yếm vuông được thu hoạch ở địa phương, hoặc cua thương phẩm tại hộ gia đình để nuôi lên 2 da; bởi cua được nuôi ở địa phương thích nghi với môi trường và độ mặn, giảm được rủi ro do yếu tố môi trường tác động. Ðặc biệt, để cua nuôi nhanh chóng lên 2 da, rút ngắn thời gian thu hoạch thì phải thường xuyên thay đổi nguồn thức ăn cho cua. Ví dụ hôm nay cho cua ăn cá phi thì hôm sau cho cua ăn ốc bươu vàng hoặc con 2 mảnh, như thế sẽ giúp cua nuôi phát triển nhanh hơn”.

Bà Nguyễn Thị Quyên chia sẻ quy trình nuôi cua biển 2 da.

Sau khi tham quan thực tế mô hình nuôi cua biển 2 da trong hộp nhựa, ông Trương Kiều Miên, ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, cho rằng, điểm độc đáo của mô hình là không đòi hỏi diện tích lớn, nên phù hợp với hầu hết điều kiện thực tế của bà con nông dân và dễ dàng áp dụng. Mặt khác, khi nguồn nước được qua hệ thống lọc tuần hoàn loại bỏ được mầm bệnh sẽ hạn chế rủi ro thiệt hại cho cua nuôi so với môi trường tự nhiên, góp phần gia tăng giá trị mặt hàng cua biển thương phẩm cho bà con nông dân.

Theo ông Phạm Sơn, ấp Mỹ Hoà, xã Trần Thới, hầu hết diện tích nuôi tôm đang được nông dân thả xen với cua, chủ yếu bán cua yếm vuông và cua y, giá không cao. “Sau khi tham quan mô hình, tôi sẽ áp dụng tại hộ gia đình. Bởi thời gian nuôi cua 2 da không dài, chỉ trên dưới 1 tháng là có thể xuất bán; thêm nữa, cua yếm vuông hiện tại có giá khoảng 150 ngàn đồng/kg, nhưng cua 2 da được thương lái mua với giá hơn 300 ngàn đồng/kg và số lượng không hạn chế”, ông ông Sơn cho biết.

Trước đó, Dự án “Ứng dụng kỹ thuật lọc tuần hoàn nuôi cua biển 2 da trong hộp nhựa” tại hộ bà Nguyễn Thị Quyên được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đến tham quan, đánh giá cao và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, phổ biến, nhân rộng ở địa phương.

Có thể thấy, Dự án “Ứng dụng kỹ thuật lọc tuần hoàn nuôi cua biển 2 da trong hộp nhựa” giúp bà con nông dân có thêm sự lựa chọn hình thức nuôi cua biển phù hợp, nhằm đa dạng loại hình cua thương phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân./.

 

Việt Tiến/Báo Cà Mau

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top