Những cây xanh đó không chỉ mang lại bóng mát mà nhiều cây còn là nhân chứng của thời gian, lịch sử, gắn với những năm tháng hào hùng của “Thăng Long - Ngàn năm văn hiến” và gắn với nhiều kỷ niệm thân thiết của người Hà thành qua nhiều thế hệ. Niềm mong mỏi của người dân Thủ đô: Cố gắng khôi phục những cây di sản để lưu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ, hào hùng.
Cây xanh, niềm tự hào của người dân Thủ đô
Nhắc đến Hà Nội là nhắc đến một không gian văn hoá, lịch sử, truyền thống và con người thanh lịch của đất Tràng An. Ngoài ra, khi nhắc đến Hà Nội không thể không nhắc đến cây xanh, bởi cây xanh không chỉ là một phần lịch sử, văn hoá của “Thăng Long – Ngàn năm văn hiến” mà còn là niềm tự hào của người Thủ đô.
Những hàng cây xanh được trồng ở thành phố gắn với tuổi thơ, tuổi trẻ, cuộc đời của nhiều người Hà Nội. Để rồi khi trưởng thành, đi khắp muôn nơi, những hàng cây xanh đó in đậm trong tâm trí mỗi người.
Bão số 3 gây đổ hơn 25.000 cây xanh ở Thủ đô Hà Nội.
Cây xanh được trồng nhiều nơi, trên hầu hết các con phố; những cây xanh đã in sâu vào trong tiềm thức của các thế hệ người Hà Nội. Nhiều người sinh ra, lớn lên, làm việc ở Thủ đô, chắc không thể không biết những “cụ cây” hàng trăm năm tuổi, như “cụ Đa” ở đền Bà Kiệu hay “lão Si” ở góc Nhà thờ Lớn. Các “cụ” không chỉ là những người bạn, gắn bó thân thiết với người dân, mà còn là “biểu tượng văn hoá” khi đứng cạnh những công trình, kiến trúc văn hoá của Hà Nội.
Vào mỗi dịp tháng Ba, những cây gạo bên Hồ Gươm lại nở hoa đỏ rực, như những đốm lửa tô thắm thêm nét đẹp của Hồ Gươm - Tháp bút. Để mỗi lần đến thăm Hà Nội, không ai không thể một lần đứng ở dưới những gốc cây gạo này, ngắm cảnh Hồ Gươm.
Hay mỗi khi Hà Nội vào mùa cây thay lá, Thủ đô như được khoác trên mình những bộ áo đầy màu sắc sặc sỡ, tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp và phong phú, đây chính là niềm cảm hứng cho các nhà văn, nhạc sỹ, nhà thơ, hoạ sỹ sáng tác.
Gốc cây bên các con phố nhỏ là nơi hò hẹn của các cặp trai gái, cũng là nơi chàng trai tạm biệt người yêu để lên đường ra mặt trận. Trao nhau một nụ hôn, gửi cho nhau chiếc khăn mùi xoa thêu hình đôi chim câu trắng và câu nói hẹn ngày trở lại. Những gốc cây đó là nhân chứng cho tình yêu bất tử, cho người ở lại để sống mạnh mẽ hơn. Bởi thế mà khi nhìn những cây xanh bật gốc, nằm la liệt, nhiều người không khỏi tiếc nuối, xót xa, vì những cây xanh đó chứa đựng bao kỷ niệm khó quên.
Giữ lại những kỷ niệm
Ngay sau khi số 3 (Yagi) đi qua, Hà Nội chịu nhiều thiệt hại nặng nề với khoảng 25.000 cây xanh bị đổ ngã, trong số này có cả những “cụ” cây bị bật gốc. Thiệt hại và mất mát này đối với người dân Thủ đô là không thể đong đếm được.
Nhìn những cây xanh bật gốc, nằm chỏng chơ chắn ngang đường, để lộ một bầu đất được quấn quanh bởi một lớp nylon làm cho dư luận xôn xao. Nhiều người cho rằng, trồng cây như thế làm sao mà rễ cây ăn sâu được? Giải thích hiện tượng này, có chuyên gia cho rằng: Đó là bầu đất chứa chất hữu cơ tổng hợp, mục đích là để cho cây có đủ chất màu để sống và dần dần thích nghi với môi trường mới, khi cây phát triển, rễ cây sẽ đâm xuyên qua lớp nylon đó.
Cây bị nghiêng bên hồ Gươm.
Vì quá thương xót cho cây xanh, có người phàn nàn: “Cây trồng nông thế bảo sao gió không làm đổ cây, bật cả gốc lên”. Trên phố Phan Đình Phùng, tuyến phố được xem là thơ mộng nhất Thủ đô, cũng có hàng chục cây cổ thụ bật gốc; hay “cụ đa” ở đền Bà Kiệu, “cụ” cây “5 trong 1” si, đa, sanh, nhội, bồ đề mọc, trồng quấn lấy nhau thành một trước số nhà 48 Hàng Cót; cây si trên trăm tuổi ở ngã tư Hàng Bún - Phạm Hồng Thái; cây đa trên trăm tuổi tại 152 Nguyễn Đình Hoàn; cây hoa sữa trăm tuổi ở vườn hoa Hàng Đậu; cây xà cừ gần trăm tuổi trên phố Hàng Vải…Các “cụ” ấy đã bám rễ sâu hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nhưng vẫn bị gió “bế” “bẻ”, “quật” đặt lên trên mặt đất đấy thôi.
Lãnh đạo Hà Nội khi chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão đều nhấn mạnh phải cứu cây, nhất là những cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây quý hiếm, cũng đã phần nào cho thấy cây xanh có tầm quan trọng như thế nào đối với Thủ đô.
Cây được dựng lại sau bão.
Người viết bài này thiết nghĩ, việc hàng loạt cây xanh bị đổ vừa qua là điều không hề mong muốn, để có được một cây xanh tỏa bóng mát, mất rất nhiều thời gian, có khi chục năm, thậm chí cả trăm năm. Bởi thế, với những cây gãy đổ do bão Yagi, cần phải có giải pháp kịp thời, việc cần làm ngay lúc này là trồng lại những cây cổ thụ, cần bảo tồn cây quý hiếm như chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Đối với những cây xanh không thể trồng lại, cần thay thế, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, lựa chọn những giống cây bản địa, thích hợp với thổ nhưỡng và địa hình nội đô, sao cho vừa có bóng mát, vừa chịu đựng được gió bão.
Thiên tai không phải đã hết, để không còn cảnh hàng loạt cây xanh đổ rạp, rất cần phải có chiến lược trồng cây xanh một cách căn cơ, ngoài ra còn phải gửi gắm vào cho những hàng cây tình cảm, có như vậy thì thế hệ sau của chúng ta mới được hưởng một bầu không khí trong lành và mát mẻ, cùng với hàng cây xanh trường tồn cũng năm tháng.
Lấy ý kiến của PGS. TS. Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, chuyên gia về thực vật và kỹ thuật cây trồng hàng đầu tại Việt Nam làm câu kết: Nên hạn chế sử dụng các loại cây to để trồng ở đô thị, mà ưu tiên các cây có kích thước vừa phải, đường kính 5 - 10cm, cao 2-3 hoặc 4 - 5 m và hố trồng nên đào sâu hơn hiện nay 30-40cm.
“Cây to thường đẹp nhưng nguy hiểm khi nói về sự chống chịu giông bão. Bởi rễ cây phải mất một thời gian dài để mọc đủ rộng, đủ sâu, mới giúp cây chống chịu được với gió bão”, TS. Đông chia sẻ.
Điều mong mỏi không chỉ của người viết, mà còn là mong muốn của người dân Thủ đô, mong sao giữ được cây xanh, “không để mất đi những kỷ niệm” của người dân Hà Nội.