Đưa vốn đến tận hộ gia đình
Lạng Sơn có hơn 17.800 lượt hội viên nông dân đang vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 1.183 tỷ đồng. Trong đó, một số chương trình tín dụng có dư nợ lớn như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lạng Sơn - Phan Anh Thắng cho biết: Những năm qua, Chi nhánh luôn xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là trợ lực quan trọng hỗ trợ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Để nguồn vốn đến tay hội viên nông dân kịp thời, đơn vị tích cực phối hợp Hội Nông dân tỉnh trong việc tuyên truyền sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt là các chương trình, chính sách mới để người dân nắm được.
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn.
Cùng với đó, Chi nhánh chỉ đạo sát sao Phòng Giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp với Hội Nông dân chỉ đạo các hội cơ sở làm tốt công tác bình xét cho vay; tại các điểm giao dịch xã, hằng tháng cán bộ ngân hàng đều trực tiếp thực hiện giao dịch như cho vay, thu lãi, thu nợ, phổ biến chính sách mới, hướng dẫn các hộ vay sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, phù hợp hoàn cảnh gia đình. Nhờ thực hiện công khai, bảo đảm tính dân chủ nên nguồn vốn của ngân hàng nhanh chóng đến tay hội viên nông dân, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, thường xuyên rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn của Hội Nông dân tỉnh thấp, chỉ chiếm 0,04%/tổng dư nợ cho vay.
Cùng đó, Chi nhánh còn chủ động phối hợp Hội Nông dân các cấp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội phụ trách hoạt động ủy thác và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Thay đổi nhận thức, hành động
Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị ở Lạng Sơn đã giúp hoạt động tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn đạt trên 4.900 tỷ đồng, với 87.600 lượt hộ vay.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, cho biết: Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách. Qua đó, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị 40 đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của NHCSXH. Thông qua đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai rộng khắp, tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Tìm hiểu thực tế về hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi tại xã An Sơn (Văn Quan), chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình anh Hoàng Văn Hóa (thôn Bình Đãng A). Đang nhanh tay sửa máy nông nghiệp cho khách, anh Hóa chia sẻ: Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, bản thân đã trải qua nhiều nghề nhưng thu nhập không ổn định. Năm 2018, được cán bộ Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình đã vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để mở cửa hàng kinh doanh sửa chữa máy nông nghiệp và chăm sóc rừng hồi. Năm 2022, tôi trả xong nợ ngân hàng và tiếp tục làm hồ sơ vay 100 triệu đồng để đầu tư trồng keo, na và mở rộng diện tích rừng hồi. Thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình được nâng cao.
Không chỉ gia đình anh Hóa, sau 10 năm triển khai Chỉ thị 40, nhiều hộ dân đã tiếp cận các nguồn vốn tín dụng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Cụ thể, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, doanh số cho vay đạt 14.009,3 tỷ đồng, với 511.142 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được vay vốn để phát triển sản xuất. Nguồn vốn đã giúp 71.820 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 23.995 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 2.910 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng được 145.995 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 9.551 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách...
Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn 6,02% (năm 2013 là 18%); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng (tăng 35 triệu đồng so với năm 2013); toàn tỉnh có 98/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 24 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu…
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã tạo nên sức mạnh tổng hợp xuyên suốt đến tận cơ sở. Qua đó, giúp cho việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có nhiều chuyển biến tích cực không chỉ về quy mô, nguồn lực mà chất lượng tín dụng chính sách ngày càng nâng lên, mà hơn thế là sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường.
Ông Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Ban đại diện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; điều tra, xác định đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách, không để trường hợp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn mà không được vay vốn. Cùng đó, gắn tín dụng chính sách xã hội với phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Có thể khẳng định, trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội không chỉ tiếp sức người dân vươn lên phát triển kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Với kết quả đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng, thời gian tới, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả rõ nét hơn nữa, góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày một giàu đẹp, văn minh.