Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  

Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024 | 14:34

Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

Cơn bão số 3 đã đi qua hơn 10 ngày, nó đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản, chứng kiến người dân Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc sẵn sàng vì đồng bào sẻ chia mà thấy ấm lòng.

Thiệt hại nặng sau bão

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, do vậy khi đi vào đất liền nước ta đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội. Thống kê sơ bộ, đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ…Tổng thiệt hại ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng.

Các nhu yếu phẩm được người dân thôn Ngọc Chẩm, xã Thăng Long, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) quyên góp đang được đóng gói để chuẩn bị lên đường.

Trong các địa phương bị thiệt hại, Lào Cai là tỉnh bị thiệt hại nặng về người. Tính đến 17 giờ ngày 18/9/2024, bão số 3 và hoàn lưu bão đã làm 236 người chết, mất tích, bị thương (128 người chết, 22 người mất tích, 86 người bị thương); ước thiệt hại trên 5.900 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 11.289 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi, di dời khẩn cấp, hư hỏng công trình phụ; trong đó, 1.234 nhà thiệt hại hoàn toàn >70%. Diện tích ruộng lúa bị sạt lở, mất đất không có khả năng khôi phục để sản xuất gần 48 ha và bị sạt hoàn toàn, phải cải tạo để gieo cấy trở lại gần 499 ha. Ngoài ra, diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây ăn quả, cây trồng, dược liệu, hoa… thiệt hại khoảng 6.160 ha; 45.000 giống cây chuối, 400.000 giống cây quế và 353 ha thủy sản, 800 m3 cá nước ngọt bị thiệt hại; 3.050 tấn cá thương phẩm và 123.200 con cá giống bị chết, lũ cuốn trôi. Chăn nuôi thiệt hại 43.295 con gia súc, gia cầm; hư hỏng 1.009 chuồng trại.

Người thôn Lập Đinh xã Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc chuẩn bị nguyên liệu gói bánh đi ủng hộ vùng mưa bão.

Hay ở Quảng Ninh, bão Yagi (bão số 3) đã làm 25 người chết, hơn 1.000 người bị thương, ước tính thiệt hại quy đổi ra tiền hơn 23.700 tỷ đồng. Thành phố Hải Phòng ước tính thiệt hại sau bão gần 11.000 tỷ đồng.

Trong hoạn nạn, lòng người thật ấm

Ngay sau khi biết nhiều thôn, bản, xã ở một số tỉnh miền Bắc bị mưa, sạt lở đất dẫn tới bị ngập, cô lập, tắc đường, thiếu lương thực, nước uống, đang cần hỗ trợ. Tình yêu thương đồng bào, sự sẻ chia, “một miếng khi đói bằng một gói khi ăn”, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không ai bảo ai, đã tự nguyện quyên góp bằng vật chất lẫn tinh thần gửi tới bà con trong vùng lũ.

Hàng nghìn chiếc bánh chưng, hàng vạn chai nước lọc, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm từ mọi miền tổ quốc đã quyên góp “cấp tốc” gửi nhanh nhất đến bà con đang gặp khó khăn. Để tiện cho việc vận chuyển, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tự nguyện vận chuyển miễn phí các nhu yếu phẩm, với mong muốn chuyển nhanh nhất hàng hóa đến với bà con.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, (TP. Hòa Bình, Hòa Bình) phát động và nhận 15 triệu của 2 em Nguyễn Gia An và Nguyễn Minh Tuấn ủng hộ.

Với nhiều người 1 tỷ đồng là tài sản rất lớn, có thể dành cả đời cũng không có được. Nhưng, ông Lê Ngọc Thạch - giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng ủng hộ cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ. Ông Thạch cho biết, sổ tiết kiệm này ông để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Thấy đồng bào miền Bắc đang khổ sở vì bão lũ, không kiềm lòng được nên quyết định cầm sổ tiết kiệm của mình ủng hộ hết.

Hay ông Hoàng Kinh Thương (trú phường Phú Hội, TP. Huế), đạp xe đạp đến tận nơi ủng hộ, nhờ "chuyển chút nắng ấm xứ Huế" (số tiền 10 triệu đồng) đến với đồng bào miền Bắc đang căng mình chống chọi với thiên tai, mưa lũ. Ông Thương cho biết, đây là số tiền hưu trí do tôi tích cóp được. Nay gửi về phía Bắc mong góp chút sức mọn giúp bà con vượt qua khó khăn.

Đến những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, các em đã ý thức và nhận thức được tình yêu thương quê hương, yêu đồng bào “tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, sức nhỏ, làm việc nhỏ, các em đã có những việc làm đầy tình người lúc khó khăn, hoạn nạn.

Sau khi xem trên các phương tiện truyền thông về vụ sạt lở đất thương tâm xảy ra tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã vùi lấp nhà dân khiến 2 vợ chồng thiệt mạng, con trai 6 tuổi của vợ chồng xấu số bị thương đã được người dân và lực lượng chức năng kịp thời cứu sống. Hai anh em ruột Nguyễn Gia An - Lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - Lớp 1A1 Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, Phường Quỳnh Lâm, TP, Hòa Bình, (Hòa Bình), được sự ủng hộ của bố mẹ, gia đình em đã quyết định đập lợn đất tiết kiệm nuôi mấy năm qua lấy số tiền 15 triệu đồng quyên góp ủng hộ gia đình em nhỏ gặp nạn.

Phát huy vai trò của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã chung tay ủng hộ, với mong muốn “nhường cớm sẻ áo” đến bà con đang bị thiệt hại do lũ. Theo công bố, đến 17h ngày 19/9, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận tổng số tiền 1.495 tỉ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã kịp thời hỗ trợ đến các địa phương hai đợt với tổng số tiền là 1.035 tỉ đồng.

Mỗi người nhiệm vụ vận chuyển đồ lên xe để lên đường ra vùng lũ.

Sự sẻ chia, nhường cơm, sẻ áo không chỉ đối với những người không bị thiệt hại do mưa bão, mà chính những người bị ảnh hưởng được cho là nặng nề nhất cũng chia sẻ cho những gia đình khó khăn hơn. Bản thân vợ và 3 con đều đã tử vong trong vụ sạt lở, lũ cuốn, nhưng anh Hoàng Văn Nhầm, ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên nhưng anh vẫn đóng góp 10 triệu chia sẻ với đồng bào bị lũ lụt.

Anh Nhầm chia sẻ, sau cơn bão không chỉ gia đình tôi tang thương, quê tôi mất mát mà còn nhiều nơi bị thiệt hại. Tôi được nhiều người thương, gửi tiền hỗ trợ. Tôi muốn dành số tiền mình được nhà hảo tâm hỗ trợ gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để giúp đỡ cho bà con ở các nơi bị thiệt hại. Tôi muốn góp phần chia sẻ mất mát của mọi người. Ai cũng có nỗi đau, mình cần phải cố gắng.

Việt Nam là nước có truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, tinh thần đó lại trỗi dậy, đùm bọc, che chở nhau. Từ một tế bào nhỏ là các cháu học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, đến các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cùng chung tay, nhường cơm, sẻ áo, kịp thời gửi tới đồng bào mình những tình cảm thiêng liêng nhất, đáng quý nhất.

 

Hoàng Văn

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top