Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024  

Liên tiếp tái phạm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương

Thứ tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024 | 20:42

Mặc dù đã bị các cơ quan chức năng địa phương nhắc nhở và xử phạt nhiều lần vì ảnh hưởng đến môi trường, nhưng, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục tái phạm với quy mô "phình" to hơn trước.

Chây ì trong việc chấp hành

Cơ sở Bảy Gắng do ông Huỳnh Ngọc Phong (sinh năm 1983, trú tại thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, Gia Lai) làm chủ, chuyên kinh doanh mua bán và chế biến nông sản. Khoảng 7 - 8 năm trước, ông Phong đầu tư thêm hệ thống máy xay xát, máy sấy nông sản để chế biến ngô và cà phê. Theo phản ánh của người dân, hoạt động của cơ sở đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa thu hoạch ngô và cà phê, từ tháng 8 đến cuối năm.

Theo người dân, khói bụi, tiếng ồn từ hoạt động của cơ sở này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân. Dù người dân đã liên tục gửi đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền trong suốt 5 năm qua, nhưng sự việc vẫn chưa được xử lý triệt để.

Ông Lê Trần Quang Vinh, một hộ dân sống gần Cơ sở Bảy Gắng bức xúc cho biết: Khoảng 2 - 3 năm gần đây, cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa thu hoạch nông sản, máy móc hoạt động gần như hết công suất cả ngày lẫn đêm. Thời điểm xay xát và sấy nông sản mạnh nhất thường rơi vào khung giờ từ 18 - 23 giờ hằng ngày. Tiếng ồn, khói đen từ lò đốt sấy bằng củi kết hợp với bụi mịn từ xay xát nông sản thải ra môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Chia sẻ thêm về tình trạng này, anh Lê Hùng Quyền, thôn Hòa Tín, xã Ia Phang cho biết, người dân lo ngại vì gia tăng khói bụi và tiếng ồn, nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp rất cao. Bà con mong chính quyền có biện pháp quyết liệt hơn, yêu cầu di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư để bảo vệ sức khỏe người dân.

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, người dân đã nhiều lần phản ánh trực tiếp đến ông Huỳnh Ngọc Phong và trong các buổi họp thôn. Tuy nhiên, tình trạng khói bụi và tiếng ồn không những không được khắc phục mà còn trở nên nghiêm trọng hơn. Bà con đã kiến nghị đến chủ cơ sở và cấp thôn, nhưng dường như những kiến nghị đó không được xem xét nghiêm túc. Người dân đã làm đơn kêu cứu tập thể gửi lên chính quyền xã, huyện và tỉnh nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được giải quyết triệt để. Cán bộ xuống kiểm tra, xử phạt xong mọi chuyện lại trở về như cũ, ông Lê Trần Quang Vinh, một hộ dân sống gần Cơ sở Bảy Gắng thông tin.

Cơ sở kinh doanh mua bán và chế biến nông sản Bảy Gắng tại thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang (Chư Pưh, Gia Lai). Ảnh: TTXVN phát

Theo thống kê, xã Ia Phang hiện có 5 hộ kinh doanh, chế biến nông sản hoạt động chủ yếu vào mùa thu hoạch ngô và cà phê; trong đó, Cơ sở Bảy Gắng có công suất và quy mô lớn nhất với diện tích 1.000 m2 gồm 5 lò sấy, mỗi lò có diện tích 100 m2. Cơ sở này đã bị ngành chức năng kiểm tra, xử phạt và yêu cầu khắc phục nhiều lần.

Ông Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch UBND xã Ia Phang, cho biết, UBND xã đã nắm bắt tình trạng ô nhiễm từ Cơ sở Bảy Gắng và đã cho cán bộ đi kiểm tra, xác minh cũng như lập biên bản xử lý vi phạm nhiều lần đối với cơ sở, theo đúng chức năng và quyền hạn của địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền để xử lý dứt điểm đúng quy trình, thủ tục.

Theo Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh, trong đợt kiểm tra gần nhất vào cuối năm 2023, đơn vị đã cùng UBND xã Ia Phang đến kiểm tra theo phản ánh của người dân và phát hiện Cơ sở Bảy Gắng vi phạm một số nội dung về bảo vệ môi trường và đã xử phạt cơ sở 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, Cơ sở Bảy Gắng kinh doanh hộ gia đình, không thuộc diện cơ sở kinh doanh bắt buộc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các ngành nghề bắt buộc. Vì vậy, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn chủ cơ sở làm các thủ tục đăng ký môi trường theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Pưh cho biết, nội dung đơn thư kiến nghị của người dân liên quan đến Cơ sở Bảy Gắng gây ô nhiễm môi trường qua các năm đều được Phòng tiếp nhận, xử lý theo đúng quy trình. Riêng đơn kiến nghị năm 2024, đơn vị vừa mới nhận được vào trưa 11/10/2024 nên sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã và ngành chức năng kiểm tra, xử lý ngay vi phạm nếu có và yêu cầu cơ sở thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm.

Long An: Trang trại nuôi vịt xả thải gây ô nhiễm vẫn dây dưa tái phạm

Trang trại chăn nuôi vịt của bà Phạm Thị Kim Phụng nằm trên thửa đất số 71, tờ bản đồ số 20, diện tích 3.395,2 m2 loại đất trồng lúa nước tại ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Trang trại này được xây dựng vào năm 2022, với diện tích hơn 2.061 m2 có kết cấu móng, cột đà bê tông cốt thép, tường xây gạch cao 1m, bạt nhựa, mái tôn, nền xi măng.

Trang trại này nhiều năm qua xả thải gây ô nhiễm môi trường, ngành chức năng đã nhiều lần yêu cầu di dời, thậm chí đã xử phạt hành chính nhưng chủ nhân vẫn không chấp hành.

Giữa tháng 9/2022, UBND huyện thành lập đoàn liên ngành kiểm tra. Thời điểm đó, trang trại nuôi khoảng 20.000 con vịt. Trong quá trình hoạt động, trang trại phát sinh mùi hôi, nước thải có màu đen được xả trực tiếp ra ao nằm phía sau và gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân quanh khu vực. Đoàn kiểm tra ghi nhận trang trại đã vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chăn nuôi, đất đai và bảo vệ môi trường.

Ngày 3/10/2022, UBND huyện ban hành các quyết định xử phạt đối với bà Phạm Thị Kim Phụng về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, chăn nuôi và môi trường với tổng số tiền phạt là 85.000.000 đồng và buộc khôi phục lại trình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Dù vậy, sau rất nhiều lần chính quyền địa phương, ngành chức năng ở huyện nhắc nhở, ra tối hậu thư dừng ngay việc tái đàn nuôi vịt nhưng trang trại này vẫn tiếp tục tái đàn với số lượng hàng nghìn con, tiếp tục xả thải gây ô nhiễm.

Giữa tháng 6/2024, UBND huyện Tân Trụ đã chỉ đạo UBND xã Tân Bình phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) làm việc và yêu cầu bà Phạm Thị Kim Phụng không tiếp tục tái đàn và di dời trang trại ra khỏi khu vực trong vòng 15 ngày (từ ngày 1/6/2024 đến ngày 3/7/2024). Thế nhưng, bà Phạm Thị Kim Phụng có đơn đề nghị UBND huyện tạo điều kiện để di dời đàn vịt hậu bị trong thời gian nhất định.

Ngày 8/7/2024, UBND huyện Tân Trụ có văn bản trả lời đơn kiến nghị và yêu cầu bà Phạm Thị Kim Phụng chấm dứt tình trạng tái đàn đối với trang trại và thực hiện nghiêm các biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau đó, bà Phạm Thị Kim Phụng tiếp tục tái đàn với số lượng khoảng 3.500 con vịt đẻ, xả thải gây ô nhiễm.

Giữa tháng 8/2024, theo chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã Tân Bình tiếp tục làm việc và yêu cầu bà Phạm Thị Kim Phụng di dời trang trại ra khỏi khu vực trong vòng 5 ngày (từ ngày 15/8/2024 đến ngày 19/8/2024). Song bà Phạm Thị Kim Phụng vẫn không di dời mà tiếp tục tái đàn với số lượng khoảng 3.500 con vịt đẻ.

Cần có chế tài đủ mạnh 

Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường trong ngành nông nghiệp nói riêng do hậu quả của việc phát triển chăn nuôi không có quy hoạch là câu chuyện đã quá cũ, tuy nhiên vẫn là vấn đề “nóng” hiện nay. Cụ thể, tại hai trường hợp kể trên với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phần đông đều có tâm lý “nhắm mắt làm liều” do xuất phát của chăn nuôi đi lên từ nhỏ lẻ. Với doanh nghiệp, do chi phí đầu tư xử lý chất thải trong chăn nuôi tốn kém, doanh nghiệp sẵn sàng chịu nộp phạt cho hành vi vi phạm của mình. 

Theo các chuyên gia, để xử lý dứt điểm vấn nạn ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiêp việc trước tiên cần làm là cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi bằng nhiều hình thức nhất là đối với chăn nuôi tập trung, cơ sở đã nằm trong vùng quy hoạch tạo sự chuyển biến rõ nét về việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm xử lý môi trường, an toàn dịch bệnh khi tham gia quá trình chăn nuôi hoặc xây dựng cơ sở sản xuất giết mổ, sơ chế, chế biến; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao, ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường tái chế, sản xuất các chất thải để phục vụ lại cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt; nhân rộng các mô hình, điển hình đã làm tốt, hiệu quả về tái chế chất thải chăn nuôi thời gian qua, đi tắt, đón đầu các công nghệ mới tiên tiến; tiếp tục rà soát, quan tâm hơn các chế độ, chính sách về môi trường để bảo đảm tính khả thi, phù hợp tổ chức triển khai đồng bộ hiệu quả, đơn cử như có thêm chính sách hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải như hỗ trợ tín dụng cho hộ và cơ sở chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, công trình xử lý chất thải bằng nguồn vốn từ quỹ bảo vệ môi trường.

Đồng thời, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhất là việc xả thải các chất thải từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật ra môi trường.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xử lý môi trường trong chăn nuôi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết: Hiện đơn vị này đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi bò trên nền đệm lót sinh học.

Đây là công nghệ mới giúp giảm ô nhiễm môi trường do các chất thải được phân giải, từ đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống không ô nhiễm; góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Được biết, đối với vụ việc tại Long An,  UBND huyện Tân Trụ đã tiếp tục chỉ đạo Phòng NNPTNT phối hợp với Phòng TNMT và UBND xã Tân Bình làm việc và yêu cầu bà Phạm Thị Kim Phụng di dời trang trại nuôi vịt và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại các quyết định xử lý vi phạm hành chính. Ông Nguyễn Văn Tứ - chồng bà Phụng, đại diện trang trại - tiếp tục có ý kiến xin UBND huyện gia hạn trong vòng 6 tháng sẽ tự tháo dỡ, di dời.

Theo ông Trịnh Phước Trung - Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động tại trang trại chăn nuôi của bà Phạm Thị Kim Phụng gây khiếu kiện trong nhân dân và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, UBND huyện Tân Trụ chỉ đạo UBND xã Tân Bình phối hợp các cơ quan chuyên môn huyện tiếp tục vận động bà Phạm Thị Kim Phụng di dời trang trại đến nơi được phép chăn nuôi theo đúng quy định. Mặt khác, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu địa phương chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn không để bà Phụng tiếp tục tái đàn.

Trường hợp bà Phụng không tự nguyện thi hành, các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã Tân Bình tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Nhandan, Laodong, baotintuc...)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top