Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024  

Khó khăn bủa vây người dân miền núi Thanh Hoá

Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024 | 20:12

Đề án sắp xếp ổn định khu dân cư tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021- 2025 ra đời và được triển khai từ năm 2021, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại của thiên tai, ứng phó khí hậu, thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc ở địa phương, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp.

Tuy nhiên, việc triển khai dự án đến nay vẫn còn chậm, cuộc sống của người dân nơi ấy bị bủa vây, khốn khổ; mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương bị kìm kẹp.

Bài 1: Khó khăn bủa vây 

Hàng chục năm qua, 16 hộ dân khu Muống, thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh phải sống trong sự cô lập, bởi con suối Sạo uốn lượn bao quanh. Cuộc sống người dân nơi đây gần như tách biệt với xã hội bên ngoài.

Dự án vẫn lặng im 

Những ngày cuối tháng 10, sau trận bão lịch sử, tôi ngược những con đường quanh co uốn lượn của vùng cao Thanh Hóa trở về vùng đất xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, nơi 16 hộ dân đang phải sinh sống trong vùng cô lập bởi con suối Sạo bắt nguồn từ núi Pù Rinh (hay còn gọi là núi Chí Linh, thuộc xã Giao An).

Từ trung tâm xã Giao Thiện để đến được khu Muống rất khó khăn, ngồi trên chiếc xe đi 2km cùng cán bộ hoạt động địa bàn và trưởng thôn, thì hành trình đi bộ 5km của chúng tôi tới bản bắt đầu.

Hành trình đi bộ vào khu Muống, thôn Chiềng lằn, xã Giao Thiện của phóng viên cùng cán bộ xã và trưởng thôn.

Hành trình đi bộ vào khu Muống, thôn Chiềng lằn, xã Giao Thiện của phóng viên cùng cán bộ xã và Trưởng thôn.

Cung đường đi khá là vất vả, có những đoạn đường lầy lội do vết tích những con mưa còn để lại. Chúng tôi phải lội qua 6 đoạn suối mỗi đoạn từ 15- 30m, băng qua quả đồi keo heo hút rồi đi men qua những bờ ruộng nhỏ mới tới nơi. Đập vào mắt tôi là những căn nhà sàn đã sập xệ, cheo leo bên góc đồi.

Bà Lê Thị Loan, 58 tuổi, đang còng lưng cõng lúa đi men bờ ruộng để vào trung tâm xã xay lúa, thấy chúng tôi bà vui mừng, bởi nơi đây không có một khách lạ ghé thăm.

Chia sẻ về cuộc sống khốn khó ở Muống bà Loan nói, sinh ra và lớn lên nhiều đời ở vùng đồi - suối bao phủ, cuộc sống bủa vây bà con nơi đây khó trăm bề, không có điện lưới bà con phải dùng tuabin phát điện, ánh sáng lờ mờ chỉ đủ thắp ánh đèn. Gia đình bà ngoài sống nhờ vào 2 sào ruộng, 1ha rừng thì chẳng biết làm thêm gì để mưu sinh, giáp hạt năm nào cũng phải cắp bế (là chiếc gùi của đồng bào dân tộc) mua nợ, rồi nợ lại chồng nợ. Con cái lớn lên lập gia đình cũng khó.

Bà Lê Thị Thoan khu Muống đang gồng mình cõng 40 kg lúa trên lưng đến trung tâm xã để xay sát thành gạo.

Bà Lê Thị Thoan khu Muống đang gồng mình cõng 40 kg lúa trên lưng đến trung tâm xã để xay sát thành gạo.

Theo bà Loan, mấy năm về trước người dân rất mừng khi nghe cán bộ thôn phổ biến Nhà nước lo cho người dân nơi ở mới, an toàn, gần trung tâm xã các cháu đi học thuận lợi, cuộc sống của bà con cũng tốt hơn phần nào. Nhưng sự chờ đợi của bà con lại chìm vào im lặng.

“Cái khó của bà con Muống là hiện nay người dân vẫn không được cấp quyền sử dụng đất, do ở trong đất của Công ty Lâm nghiệp quản lý, dù gia đình đã ở nhiều đời. Việc vay vốn để sửa chữa nhà cửa hay đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế cũng không được”, bà Loan cho biết thêm.

Bà Lê Thị Thanh, 54 tuổi, đang bước từng bước chân mệt mỏi của chuyến đi bộ dài đưa 2 cháu nội đi học về trong chiều tối cho biết, ở đây người dân đều khổ vậy đấy, luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Hai người con trai bà vì khó khăn, đói kém dẫn đến trộm cắp mà phải vào tù để lại những đứa con thơ cho bà chăm sóc. Để cho cháu đi học, kiếm con chữ thay đổi cuộc sống thật gian nan.

“Mỗi ngày, 5 giờ sáng, 3 bà cháu tôi đã khăn gói, đội đèn đi bộ gần 7km đường đồi, lội suối để đến trường học, gần 20 giờ, 3 bà cháu tôi mới trở về đến nhà. Đưa cháu đến trường, tôi cũng phải ở lại nhà người thân chờ chiều đón cháu, cùng nhau về nhà”, những giọt nước mắt lăn trên gò má bà Thanh chia sẻ.

Dù hoàng hôn đã tắt sau phía ngọn núi, nhưng bà Thanh cùng 2 cháu nội trong độ tuổi lớp mầm vẫn còn đang hành trình trên con đường chưa về tới được nhà.

Dù hoàng hôn đã tắt sau phía ngọn núi, nhưng bà Thanh cùng 2 cháu nội trong độ tuổi lớp mầm vẫn còn đang hành trình trên con đường chưa về tới được nhà.

Với tâm tư của người dân khu Muống ai cũng mong chờ Nhà nước quan tâm, xây dựng khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, việc giao thương đi lại của bà con được thuận tiện.

Ông Lê Văn Hiệu, trưởng thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện cho biết, cuộc sống của 16 hộ dân khu Muống cực kỳ khó khăn, vất vả, bị cô lập gần như tách biệt với thôn. Mọi công tác tuyên truyền chính sách của nhà nước tới bà con gần khó thực hiện.

Ngoài ra, học sinh tuổi đến trường của Muống gặp khó, nhiều khi mưa to, nước lũ các cháu không thể đến trường được, mà thường xuyên nhất vào mùa mưa. Có khi học sinh của vùng phải toàn đi ở nhờ mới có thể đến lớp.

“Nếu như người dân khu Muống không có khu tái định cư mới, Nhà nước cần xem xét cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân, để người dân có căn cứ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế và sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống”, ông Hiệu nhấn mạnh.

Cần sự hỗ trợ

Theo bà Đinh Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Giao Thiện, nếu như không có dự án tái định cư mới, thì người dân khu Muống chỉ chìm trong đói khổ, không thể thoát ra được. Những mầm non tương lai của đất nước sẽ thất học dần. Hiện tại, địa phương đã chuẩn bị sẵn quỹ đất cho các hộ dân, chờ phê duyệt nguồn vốn cấp về để thực hiện khu tái định cư.

Không có điện lưới, bà con nơi đây phải dùng tuabin để phát điện thắp sáng căn nhà nhỏ.

Không có điện lưới, bà con nơi đây phải dùng tuabin để phát điện thắp sáng căn nhà nhỏ.

Trao đổi với ông Phạm Hùng Sâm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lang Chánh cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 3 dự án tái định cư, thuộc nhiều chương trình hỗ trợ. Dự án tái định cư khu Muống, thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện được phê duyệt năm 2022, theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025). Tuy nhiên, dự án đến nay đã phải dừng triển khai, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước phải chuyển sang mục đích khác.

Ông Sâm lý giải, do là huyện miền núi, người dân xây dựng nhà sàn, diện tích mỗi hộ dân được cấp nhỏ, người dân không thể làm nhà được. Theo khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật nguồn vốn để triển khai tái định cư khu Muống khoảng trên 6 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ dự án tái định cư được Nhà nước cấp cho 4,8 tỷ đồng, còn thiếu gần 2 tỷ đồng. Lang Chánh là huyện nghèo nên nguồn ngân sách xã hội hóa để hỗ trợ thực hiện dự án lại không có.

Việc đi lại của bà con trong Muống cực kỳ khó khăn vất vả.

Việc đi lại của bà con trong Muống cực kỳ khó khăn vất vả.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lang Chánh cho biết, là huyện chủ yếu về đất lâm nghiệp, đất thổ cư ít, phải linh hoạt trong công tác bố trí đối với các hộ dân thuộc diện tái định cư theo Quyết định 4845.

“Hiện, Phòng NN&PTNT đang tham mưu cho lãnh đạo huyện, không triển khai dự án dân cư liền kề, mà sẽ lồng ghép các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp với nguồn vốn của Chỉ thị số 22 của Tỉnh ủy, để hỗ trợ bố trí nhà ở cho các hộ trong khu Muống. Nếu không thể lồng ghép các chương trình hỗ trợ thì vẫn phải di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới, bổ sung quy hoạch sau để đảm bảo người dân được an toàn”, ông Tùng thông tin.

 

Căn nhà của bà con trong vùng đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không thể vay vốn sữa chữa

Căn nhà của bà con trong vùng đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không thể vay vốn sửa chữa

Cũng theo ông Tùng, đây là vấn đề cấp thiết, nên phương án đầu tiên của huyện sẽ vận động các hộ có gia đình thuộc diện tái định cư hỗ trợ đất để làm nhà. Huyện đã thực hiện quy hoạch lại đất, sẽ bố trí các hộ vào diện tích đất ở để thực hiện việc chuyển đổi đất sau này cho các hộ dân. Đồng thời, chỉ đạo xã bố trí đất ở cho các hộ thuộc khu Muống, đưa các hộ vào danh sách được hỗ trợ.

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, ngày 30/8/2024, Ban Dân tộc tỉnh nhận được công văn số 1749 của UBND huyện Lang Chánh về điều chỉnh dự toán ngân Nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư ngân sách Nhà nước hằng năm theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15, nguồn vốn hỗ trợ tái định cư khu Muống được chuyển sang 2 dự án nước tập trung, do nguồn vốn hỗ trợ thấp không thể thực hiện dự án.

Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã gửi công văn về các huyện trên địa bàn, nếu các huyện muốn tiếp tực thực hiện dự án tái định cư thì gửi công văn đề xuất nguồn ngân sách về Ban Dân tộc, để đơn vị làm báo cáo gửi về UBND tỉnh trình Chính phủ, xin nguồn ngân sách thực hiện dự án tái định cư đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn tiếp theo.

 

Bài 2: Nước mắt người dân

 

Thanh Duyên

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top