Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024  

Kinh phí và phân bổ nguồn lực thế nào giữa các địa phương để phát triển văn hóa?

Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024 | 17:39

Các đại biểu đều ủng hộ Chương trình mục mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, tuy nhiên cũng lo lắng về kinh phí cũng như việc phân bổ nguồn lực để thực hiện chương trình.

 

Thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 hôm nay (1/11), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương cho rằng cần cân nhắc kỹ hơn về những con số cụ thể về số lượng di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia tương được được tu bổ, tôn tạo.

kinh phi va phan bo nguon luc the nao giua cac dia phuong de phat trien van hoa hinh anh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương (Ảnh: Quốc hội)

Tránh việc “đánh đồng” để phân bổ nguồn lực dàn trải

Các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với đặc điểm là vật liệu xây dựng là gỗ, vôi vữa, trải qua nhiều năm với sự tác động của khí hậu, thời gian, chiến tranh và cả của con người nên đa số đã xuống cấp cần tu bổ và tôn tạo.

Tuy nhiên, không phải tất cả các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ. Hơn thế nữa, trong nhiều năm qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương cũng đã rất chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích nên nhiều di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt đã được tu bổ, tôn tạo.

Nếu đặt mục tiêu đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo thì dễ dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ, lợi bất cập hại ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành làm mới di tích như đã từng xảy ra ở một số địa phương.

“Việc phân bổ nguồn lực như vậy rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm. Cho nên tôi đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia đã xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo và các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo. Như vậy có thể sẽ hợp lý hơn”, nữ đại biểu nêu ý kiến.

kinh phi va phan bo nguon luc the nao giua cac dia phuong de phat trien van hoa hinh anh 2

Đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang (Ảnh: Quốc hội)

Cùng góp ý về vấn đề nguồn lực thực hiện chương trình, đại biểu Trình Lam Sinh, đoàn An Giang cho rằng, tỷ lệ vốn từ ngân sách địa phương thực hiện chương trình là gần 25%, tức là khoảng trên 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025-2030.

Hiện nay theo các báo cáo kinh tế và ngân sách cho thấy còn nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nguồn thu chưa đủ cân đối, còn nhận hỗ trợ ngân sách trung ương từ 50% trở lên nên rất khó khăn cho việc đối ứng với tỷ lệ mà chương trình đã dự toán.

“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thêm về tỷ lệ vốn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình. Bởi vì, hiện nay nhiều địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn nên khó đáp ứng được việc đối ứng với chương trình. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và nếu được thì chúng ta sẽ xây dựng về nguyên tắc, về cơ chế phân bổ cũng như khả năng đối ứng linh hoạt hơn để nhằm hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn về ngân sách”, đại biểu đoàn An Giang kiến nghị.

kinh phi va phan bo nguon luc the nao giua cac dia phuong de phat trien van hoa hinh anh 3

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cũng bày tỏ lo ngại về khả năng cân đối ngân sách của địa phương khi thực hiện chương trình.

“Tôi lưu ý về chuyện đối tác ngân sách của địa phương là 24,6%, tính ra là khoảng hơn 30.000 tỷ. Khả năng cân đối của địa phương rất khó khăn, đặc biệt là các tỉnh hiện nay còn trợ cấp từ ngân sách của trung ương. Trung ương trợ cấp ngân sách về xong lấy tiền này đưa vào đối ứng cũng vậy, tại sao trung ương không làm luôn mà để giao cho địa phương, gây khó khăn thêm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng ngân sách của trung ương nên góp cao hơn, ngân sách đối ứng của địa phương thấp hơn để số tiền ngân sách đối ứng này sử dụng vào chương trình mục tiêu khác chứ không phải chỉ có văn hóa.

Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số

Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh cho rằng, việc đầu tư các dự án bảo tồn di sản văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể là rất quan trọng. Từ đó, chương trình cần có thêm các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy phát triển các thiết chế văn hóa đồng bộ, nâng cao hiệu quả truyền thông và giáo dục văn hóa, đặc biệt hướng đến đối tượng người lao động và người dân tộc thiểu số.

kinh phi va phan bo nguon luc the nao giua cac dia phuong de phat trien van hoa hinh anh 4

Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh (Ảnh: Quốc hội)

Theo đại biểu, hiện nay nguồn nhân lực chuyên sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn đội ngũ làm công tác văn hóa ở địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa đến 20% nhân lực văn hóa tại các khu vực dân tộc thiểu số có trình độ đại học hoặc cao hơn khiến cho khả năng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Các cơ sở giáo dục đào tạo về văn hóa ít liên kết với cộng đồng dân tộc thiểu số dẫn đến chương trình đào tạo còn xa rời thực tế, thiếu tính ứng dụng. Sự gắn kết giữa lý thuyết và thực hành chưa được quan tâm đúng mức gây ra lỗ hổng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có khả năng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Đại biểu đoàn Trà Vinh dẫn chứng những khóa học về bảo tồn di sản cộng đồng người Khmer ở Tây miền Tây Nam Bộ lại thiếu nội dung về nghệ thuật múa âm nhạc và phong tục tập quán đặc thù của đồng bào Khmer.

Điều này làm giảm hiệu quả của các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và thiếu hụt nhân sự có kiến thức chuyên sâu về văn hóa dân tộc.

“Trong một số trường hợp, những người được đào tạo về văn hóa dân tộc thiểu số lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp do không có nhiều tổ chức, cơ quan văn hóa hoạt động thường xuyên tại địa phương. Điều này khiến họ không phát huy được kiến thức chuyên môn, giảm động lực đóng góp cho văn hóa cộng đồng”, đại biểu Thạch Phước Bình cho hay.

Không cào bằng ngân sách thực hiện chương trình

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, con số 95% di tích đặc biệt, di tích cấp quốc gia được xem xét trên con số đã được đầu tư các giai đoạn trước đây cùng với chương trình này để đến kết thúc vào năm 2030.

kinh phi va phan bo nguon luc the nao giua cac dia phuong de phat trien van hoa hinh anh 5

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình trước Quốc hội ngày 1/11 (Ảnh: Quốc hội)

“Những người làm chương trình viết và hiểu như vậy, nhưng nếu đọc qua, lấy 133 di tích quốc gia đặc biệt hiện nay quốc gia đang có nhân lên 95% sẽ ra tổng số gần 100 di tích phải được nâng cấp, điều đó không phải. Để tránh sự nhầm lẫn, chúng tôi sẽ viết là “những di tích xuống cấp” để chúng ta phấn đấu làm, không phải đưa chỉ tiêu 95% theo cách tính tịnh tiến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Về nguồn vốn ngân sách địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ không cào bằng tất cả các địa phương.

“Không phải địa phương nào cũng 24%, mà đây là con số tính chung cho toàn quốc. Ví dụ như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng là những cơ sở cân đối được ngân sách bỏ ra rất nhiều để làm các nội dung này. Khi phân bổ Chính phủ sẽ tính toán theo tiêu chí, không phải là tất cả đều 24%”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.

“Còn có các Ủy ban của Quốc hội giám sát việc thực hiện chương trình này và theo thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát để thực hiện. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo sự công bằng và trên cơ sở tiêu chí nhận diện để có sự phân bổ”, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Vân Anh/VOV

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top