Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024  

Chăn nuôi bò thịt theo hướng giảm phát thải

Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024 | 14:7

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, phát triển chăn nuôi bò thịt phải tính đến kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa ra phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Chúng ta phải bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương. Phát thải khí nhà kính trong ngành Chăn nuôi giảm 18%, trong đó phát thải khí mê tan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn năm 2025 và 15,2 triệu tấn năm 2030.

Chăn nuôi bò thịt còn nhiều dư địa

Mỗi năm sản lượng bò chăn nuôi trong nước đạt khoảng 500.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân, phần còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài. Dù đã nhập khẩu thì mức tiêu thụ thịt bò bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đang rất thấp so với các quốc gia khác. Chiến lược phát triển chăn nuôi đặt mục tiêu nâng tỷ trọng thịt bò đạt 9 - 10% trong tổng sản lượng (trên 8 triệu tấn) thịt các loại, hiện nay chỉ mới đạt 5 - 6%. Do đó, dư địa thị trường để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt còn rất lớn, bao gồm các khâu từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, giết mổ, chế biến.

HTX Toàn Phát nuôi hàng trăm con bò nhưng vẫn không gây mùi hôi từ chất thải nhờ đệm lót sinh học.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, chăn nuôi bò là nghề truyền thống của người nông dân Việt Nam, không những cung cấp thịt, sức kéo, phân bón mà còn cung cấp nguyên liệu cho một số ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Bò thịt cũng được nuôi rộng rãi ở các vùng địa lý khác nhau, từ trung du miền núi đến đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm quy mô đàn bò thịt của Việt Nam giảm 0,2%/năm, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5,9 triệu con.

Những năm gần đây, thói quen tiêu dùng thịt của người dân đã có xu hướng thay đổi, tăng tỷ trọng thịt bò tăng trung bình 3,3%/năm. Tuy nhiên, sản lượng thịt bò nuôi trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 45.300 tấn thịt và phụ phẩm thịt từ bò, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, 3 thị trường cung ứng thịt và phụ phẩm thịt từ bò lớn nhất cho Việt Nam kể từ đầu năm lần lượt là Australia (66%), Canada (17%) và Mỹ (8%).

Cũng theo ông Đăng, xu hướng chăn nuôi bò thịt trên thế giới đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ dựa trên công nghệ và yêu cầu của thị trường như: sử dụng công nghệ quản lý và giám sát đàn bò, thức ăn chăn nuôi có công thức tối ưu giảm phát thải, chăn nuôi bò hữu cơ và nuôi cỏ tự nhiên, tăng cường lai tạo các giống bò thịt có năng suất cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo quản lý đàn bò, phát triển hệ thống xử lý chất thải và năng lượng tái tạo trong chăn nuôi. Các xu hướng này nhằm hướng tới mục tiêu tăng năng suất, chất lượng thịt, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động chăn nuôi.

Hiện nay, trên 90% số lượng bò thịt ở nước ta được nuôi theo phương thức nhỏ, phân tán trong các nông hộ, tập quán chăn nuôi cũ. Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi bò chủ yếu vẫn là tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp và chăn thả tự nhiên; trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh chưa được ứng dụng rộng rãi. Vì chăn nuôi nhỏ lẻ, chất lượng con giống thấp, công nghệ chăn nuôi lạc hậu, chi phí đầu vào cao.

Bên cạnh đó, mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt còn hạn chế. Hầu hết, bò thịt được bán cho thương lái khi đến tuổi giết thịt. Các chuỗi giá trị trong chăn nuôi bò có quá nhiều khâu trung gian làm giảm khả năng cạnh tranh của từng tác nhân nói riêng và toàn chuỗi giá trị nói chung; các sản phẩm chăn nuôi bò luôn bị thương lái ép giá. Do vậy, giá cả sản phẩm này bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào tình hình thị trường, dịch bệnh.

Ông Đặng Thái Nhị, Tổng giám đốc Công ty Sao Đỏ chia sẻ, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào phát triển trang trại nuôi 3.000 bò thịt tại Đắk Lắk nhưng năm nào thuận lợi thì hòa vốn, còn lại lỗ. Nhu cầu thịt bò rất lớn, các thương lái đến tận trang trại mua nhưng không thể bán được giá cao bởi cạnh tranh với thịt bò nhập khẩu (cả chính ngạch và nhập lậu). Hiện nay, các vùng nuôi bò không có quy hoạch đất trồng cỏ, công ty phải mua cây bắp non và dự trữ thức ăn quanh năm vì vậy cần nguồn vốn lớn. Thêm vào đó, để có chất lượng thịt bò tốt, doanh nghiệp cũng phải đầu tư mua giống bò ngoại về lai tạo, thực hiện quy trình chăn nuôi tốt dẫn đến giá thành sản xuất cao. Trong khi đó, thịt bò nhập khẩu có giá thấp hơn nhiều.

Hầm chứa phế phẩm chăn nuôi được dùng để tưới cỏ tại một hộ chăn nuôi bò sữa ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, đối với một đất nước đi theo nền công nghiệp hóa, tự động hóa thì không thể nào tách rời sự phát triển của chăn nuôi bò thịt. Hiện cũng đã có nhiều chính sách để phát triển chăn nuôi bò thịt. Việt Nam hiện có nhiều giống bò bản địa và lai chất lượng, phù hợp để phát triển đàn và chất lượng đàn bò. Việt Nam có thể học hỏi cách làm của Hàn Quốc về giống, thức ăn dinh dưỡng để nâng cao chất lượng, sản lượng cho đàn bò thịt nói riêng. Ngành Chăn nuôi cần rà soát lại các chương trình, công thức lai, đặc biệt là thụ tinh nhân tạo. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc để chọn các vùng lai tạo bò thịt. Các hợp tác này phải đặt mục tiêu về kinh tế và chất lượng thịt.

Chăn nuôi theo hướng bền vững

Hiện nay, quy mô nhỏ lẻ, phân tán của bò thịt nói chiếm tỷ lệ cao, với trên 90%. Thức ăn cho bò vẫn là chăn thả rông và tận dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp. Kiểu chăn nuôi này dễ chịu rủi ro cao về dịch bệnh, hiệu quả thấp và làm gia tăng lượng phát thải ra ngoài môi trường. Chăn nuôi bò thịt đóng góp trên 50% tổng lượng phát thải toàn ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, ước tính mỗi năm ngành chăn nuôi tại Việt Nam thải ra 61 triệu tấn phân, trên 304 triệu m³ nước thải và thải ra gần 15 triệu tấn CO2. Vì vậy, trong thời gian tới, cần khuyến khích chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, phát triển chăn nuôi bò thịt phải tính đến kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, đưa ra phát thải ròng về 0 vào năm 2025. Chúng ta phải bảo đảm tổng lượng phát thải khí mê-tan không vượt quá 96,4 triệu tấn CO2 tương đương. Phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi giảm 18%, trong đó phát thải khí mê tan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn năm 2025 và 15,2 triệu tấn năm 2030. Đây là nhiệm vụ không dễ thực hiện.

Về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành Chăn nuôi đang tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi trong chăn nuôi bò thịt. Chúng tôi đang khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các loại công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo. Các mô hình chăn nuôi bò thịt theo kinh tế tuần hoàn cũng được nhân rộng. Các trang trại chăn nuôi cũng phải được ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát môi trường chăn nuôi bò cũng như theo dõi các chỉ số sinh lý, sinh hóa của vật nuôi nhằm tối ưu hóa môi trường chăn nuôi.

Gần đây, phương thức chăn nuôi bò thịt đã chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh áp dụng công nghệ cao. Nhờ đó, năng suất của đàn bò thịt cũng như chất lượng thịt, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò ngày càng tăng cao. Công nghệ áp dụng trong hệ thống chuồng trại cũng rất đa dạng. Trong đó, đàn bò thịt tại các trang trại chăn nuôi được nuôi nhốt có kiểm soát đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường chăn nuôi. Hình thức chăn nuôi này đang được các doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi bò thịt áp dụng.

Sản phẩm phân bón hữu cơ của Cty CP T&T 159 sản xuất từ phân bò đã được phép lưu hành trên thị trường.

Trao đổi về giải pháp, TS. Nguyễn Thế Hinh cho rằng Chính phủ cần cho phép phát điện biogas để nối mạng điện lưới, nhằm khuyến khích các chủ trang trại đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn để tận dụng hết khí gas sinh ra nhằm đem lại lợi nhuận cho chủ trang trại, giảm thiểu tình trạng xả khí CH4 trực tiếp ra môi trường.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ thu gom, vận chuyển chất thải chăn nuôi. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, nông hộ thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ để bán và sử dụng.

Ở Củ Chi - nơi có đàn bò sữa lớn nhất TP.Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương đang thực hiện chương trình phát triển bền vững đàn bò, trong đó chú trọng giảm tổng đàn bò song vẫn nâng cao năng suất chăn nuôi, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Theo đó, UBND huyện đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hồ Chí Minh xác định khu vực bố trí cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến xã; điều tra, xây dựng lộ trình ổn định cũng như di dời đối với các cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến khu vực chăn nuôi tập trung.

Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng trong chăn nuôi, điển hình là xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, qua đó tận dụng nguồn khí sinh học thay thế chất đốt, hoặc có thể sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện phục vụ sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại. Sử dụng phân tử phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học...

Phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng ủ phân hữu cơ (compost) cũng được ngành chăn nuôi Củ Chi khuyến khích. Theo đó, nguyên liệu ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cho cây trồng. Phân sau khi ủ háo khí trở lên tơi xốp và không có mùi hôi thối; các loại vi sinh vật có gây bệnh bị tiêu diệt bởi nhiệt độ đồng ủ. Ngoài ra chất thải trong chăn nuôi còn được xử lý bằng công nghệ ép tách phân. Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp.

Tổng hợp từ nguồn: danviet.vn; nongnghiep.vn; nhachannuoi.vn

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top