Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 5 tháng 11 năm 2024  

Doanh nghiệp tăng tốc và linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu nông sản

Thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 2024 | 19:51

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây sang Trung Quốc, đang trở thành động lực giúp Việt Nam đạt được những kết quả ấn tượng về xuất khẩu, đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chế biến nông sản là việc cần phải tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, tại thời điểm này, chúng ta có thể thấy thị trường xuất khẩu chính của rau củ quả Việt Nam là Trung Quốc. Trong thời gian từ năm ngoái đến nay, thị trường Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong việc mở cửa cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Ví dụ như sầu riêng và nhiều loại rau, quả khác đã được xuất khẩu mạnh mẽ.

Việt Nam có thế mạnh đặc biệt với trái sầu riêng, và khi thị trường được mở cửa, sản lượng xuất khẩu đã gia tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Dự báo từ nay đến cuối năm, mặt hàng này vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nông sản là mặt hàng khó bảo quản và có tính mùa vụ cao. Do vậy, những biến động từ thị trường có thể tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cần theo dõi sát sao các yêu cầu của thị trường, cũng như những biến động có thể ảnh hưởng đến việc giao nhận hàng hóa và thông quan để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Dự báo trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua sẽ tăng trở lại. Điều này giúp chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, mặc dù có triển vọng, nhưng cần được lưu ý về tính mùa vụ và sự biến động giá cả. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam qua Trung Quốc bằng đường sắt

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản, trái cây Việt Nam. Với nhu cầu ngày càng tăng, xuất khẩu nông sản bằng đường sắt liên vận sang thị trường tỷ dân này đang là một hướng đi tiềm năng và đầy triển vọng.

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nước ta có hơn 1.450 km đường biên giới gồm đường thủy, đường bộ với Trung Quốc nên có lợi thế về chi phí logistics thấp - yếu tố cạnh tranh rất lớn so với các nước khác.

Đoàn tàu đầu tiên chở dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc. 

Trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu đưa hàng sang Trung quốc bằng vận tải đường bộ. Chỉ mới đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển sang phương thức vận tải mới là đường sắt. Mới đây, tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần (Bình Dương) - ga hàng hóa lớn nhất khu vực phía Nam, lô hàng dừa tươi đầu tiên gần 68 tấn có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang với trị giá hàng hóa khoảng 220.000 Nhân dân tệ đã khởi hành đi Quảng Châu (Trung Quốc). Chỉ trong 7 ngày, lô hàng dừa tươi này được vận chuyển đến nơi.

Nhiều chuyên gia đánh giá, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt là phương thức vận chuyển hiệu quả cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua thị trường Trung Quốc. Ưu điểm của phương thức vận chuyển này chính là khả năng phân phối nông sản đến các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc và mở rộng sang các thị trường khác như Mông Cổ, Kazakhstan, Nga.

Quan trọng hơn, vận chuyển nông sản bằng đường sắt có chi phí hợp lý hơn, về thời gian có tính ổn định cao, giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.

Những yếu tố thuận lợi, lợi thế của đường sắt sẽ mở ra cơ hội lớn để hàng nông sản Việt nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 6/2/2024 về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Trong đó, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với phía Trung Quốc để tối ưu hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp quá trình giao nhận hàng hóa bằng đường sắt trở nên thuận lợi hơn.

Song song đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các đối tác logistics uy tín, nâng cao năng lực quản lý kho bãi và lưu trữ hàng hóa để đảm bảo chất lượng nông sản khi xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng kiến nghị xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics hiện đại tại các điểm giao nhận lớn như ga Sóng Thần nhằm góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Doanh nghiệp tăng tốc chế biến xuất khẩu

Tại Đồng bằng sông Cửu Long lúc này, các doanh nghiệp đang tăng tốc chế biến xuất khẩu nhằm tận dụng tốt các kỳ lễ hội sắp tới với sức mua tăng mạnh.

Nhờ tiếp cận nguồn vốn kịp thời, tăng cường thu mua đẩy mạnh chế biến nên hoạt động sản xuất của các nhà máy nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra khá sôi động. Việc đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm lẫn kênh tiêu thụ đang mở ra nhiều cơ hội cho vựa nông sản bứt phá vào dịp cuối năm.

Sầu riêng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trong ngành hàng rau quả.

Để sớm đạt mức tăng trưởng 10% về kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp này huy động hơn 800 công nhân đẩy mạnh chế biến. Cùng với đó, đơn vị còn đa dạng sản phẩm và thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Thư - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Mỹ cho biết: “Tích cực tham gia các hội chợ triển lãm chuyên ngành thủy sản ở nước ngoài cũng như phát triển nhiều mặt hàng giá trị gia tăng từ cá tra. Hiện nay, mặt hàng giá trị gia tăng từ cá tra của công ty cũng đã xuất khẩu đi nhiều thị trường như Pháp, Singapore và một số nước Trung Đông”.

Còn tại doanh nghiệp này cũng vừa đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho dây chuyền chế biến mới nhằm tăng công suất, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu vào các tháng cuối năm.

Ông Thái Minh Lương, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Cổ phần Tân Huê Viên chia sẻ: “Thị trường cần chất lượng. Bánh chất lượng, hàng để lâu hạn sử dụng, công ty chúng tôi sẽ khép kín nguyên dây chuyền đó”.

Nhằm giúp các doanh nghiệp có nguồn lực thu mua, chế biến và tăng tốc xuất khẩu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các tổ chức tín dụng đang tích cực bơm mạnh nguồn vốn cho các nhà máy nông sản.

Ông Võ Minh Dũng - Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Long An nhận định: “Chúng tôi dự kiến khoảng 800 tỷ đồng. Trong năm nay, chúng tôi cũng tăng trưởng khoảng 1.100 - 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 12%”.

Tăng cường thu mua, đẩy mạnh chế biến, nhờ tiếp cận nguồn vốn kịp thời nên hoạt động sản xuất của các nhà máy nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá sôi động. Điều này tiếp tục khẳng định hiệu quả trong công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ về việc bơm mạnh nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Với khí thế thi đua sản xuất của các doanh nghiệp nông sản miền Tây kết hợp với thị trường khá sôi động vào cuối năm, nhiều khả năng xuất khẩu của ngành hàng này sẽ chạm mốc 62 tỷ USD trong năm nay theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

Thanh Tâm (t/h theo doanhnghieptiepthi.vn, vtv.vn, haiquanonline.com.vn...)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top