Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024  

Tiền gửi của dân cư tăng kỷ lục, quyền lợi của người gửi tiền luôn được ưu tiên đảm bảo

Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024 | 10:19

Số liệu thống kê vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố cho thấy, tổng tài sản có toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 21 triệu tỷ đồng, vốn điều lệ đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng, tăng kỷ lục từ trước tới nay...

Các số liệu này cũng nối tiếp bức tranh tiền gửi vào hệ thống liên tục tăng cao trong 2 năm qua, cho thấy các kênh đầu tư thụ động được người dân đánh giá vẫn còn rủi ro; do đó họ tìm đến kênh gửi tiết kiệm vì quyền lợi của họ luôn được bảo đảm, trong đó có bảo đảm bởi chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Tổng tiền gửi của dân cư đạt kỷ lục

Theo số liệu được công bố, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 16,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,52% so với cuối năm 2023.

Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 6,76 triệu tỷ đồng, giảm 1,07%. Trong khi đó, tổng tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng, tăng 4,68% so với cuối năm 2023, đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Các thống kê cho thấy, so với đầu năm nay, lãi suất huy động các kỳ hạn tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,5-1%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài tăng vượt ngưỡng 6,0%/năm tại nhiều ngân hàng.

Cũng theo thống kê từ NHNN, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của toàn hệ thống tính đến hết tháng 6/2024 đạt 78,25%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 82,62%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 80,78%; nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài đạt 42,23%; tổ chức tín dụng là hợp tác xã đạt 50,82%.

Tính đến hết tháng 6/2024, vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt hơn 1,069 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2023, trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 228.229 tỷ đồng, tăng 4,75%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng vốn điều lệ đạt 587.850 tỷ đồng, tăng 8,35%...

Về tổng tài sản có, tính đến hết tháng 6/2024, tổng tài sản có của toàn hệ thống đạt hơn 21 triệu tỷ đồng, trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có tổng tài sản có đạt 8.749.389 tỷ đồng, tăng 5,08%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản có đạt 9.436.324 tỷ đồng, tăng 5,0%...

Dù lãi suất huy động có thời điểm giảm mạnh và duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, nhưng tiền gửi của dân cư trong hơn 2 năm qua vẫn tăng trưởng ổn định. Theo các chuyên gia, thực tế này đang phản ánh sự thận trọng của người dân trước những kênh đầu tư bất ổn.

Bên cạnh đó, từ tháng 4/2024, lãi suất huy động bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ, góp phần thu hút dòng vốn của người dân vào kênh tiền gửi ngân hàng. Điều này cho thấy người dân vẫn ưa chuộng gửi tiền ngân hàng như một phương tiện bảo toàn vốn trước các biến động thị trường và các rủi ro khó lường.

Hãy là người gửi tiền thông thái

Gửi tiết kiệm đang là một kênh đầu tư hiệu quả, để tối ưu lợi nhuận, người gửi tiền cần thận trọng để có thể giữ an toàn nguồn vốn.

Điều 2, Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/1/2018 quy định: TCTD nhận tiền gửi tiết kiệm là TCTD được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các TCTD, bao gồm: Ngân hàng thương mại; Ngân hàng hợp tác xã; Tổ chức tài chính vi mô; Quỹ tín dụng nhân dân; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, các TCTD huy động tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Người gửi tiền sẽ được bảo hiểm đối với khoản tiền gửi của mình trong trường hợp TCTD bị phá sản hoặc mất khả năng chi trả, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được ưu tiên đảm bảo.

Ở Việt Nam hiện nay có duy nhất một tổ chức bảo hiểm tiền gửi là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách BHTG, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Vậy, người gửi tiền có thể nhận biết TCTD đã tham gia BHTG bằng cách nào?

Điều 15, Luật BHTG quy định: “Tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi”.

Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là bản sao do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp từ sổ gốc. Chứng nhận tham gia BHTG là văn bản thể hiện việc một tổ chức tín dụng đã tham gia BHTG.

TCTD đã tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại: Tại trụ sở chính của tổ chức tham gia BHTG; trụ sở chi nhánh của tổ chức tham gia BHTG; tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân. Do đó, người gửi tiền có thể nhận biết TCTD đã tham gia BHTG qua việc quan sát điểm giao dịch của TCTD có niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG hay không. Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG có đầy đủ thông tin của Chứng nhận tham gia BHTG, gồm: Tên tổ chức BHTG; tên tổ chức tham gia BHTG; nội dung khác theo quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Người gửi tiền là cá nhân khi gửi tiền vào tổ chức tham gia BHTG không phải đóng phí BHTG. Các TCTD có huy động tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG và chịu trách nhiệm nộp phí BHTG đầy đủ và đúng thời hạn.

Khi đi gửi tiết kiệm, người dân lưu ý:

Không ký sẵn chứng từ khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền không được ký vào các tờ giấy trắng, đọc kỹ thông tin trên chứng từ trước khi ký để tránh, ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra.

Không gửi tiền trước, nhận sổ sau vì chẳng may nhân viên đó nghỉ việc hoặc bỏ trốn và mang theo số tiền của khách hàng, khi ấy không có gì chứng minh đó là tiền của mình, người gửi sẽ rất thiệt thòi.

Sau khi nhận sổ tiết kiệm, khách hàng cần lưu ý kiểm tra kỹ các thông tin trên sổ, bởi khách hàng có thể gặp rủi ro khi nhân viên ngân hàng vô tình nhập nhầm số tiền bạn gửi hoặc cố ý chiếm đoạt tiền nếu khách hàng không phát hiện ra do không kiểm tra sổ tiết kiệm hoặc là sổ tiết kiệm đó không có đầy đủ thông tin.

Duy trì một chữ ký trong suốt quá trình giao dịch với ngân hàng. Không nên ký mỗi giấy tờ một kiểu dẫn đến khó khăn khi rút, nhận tiền; đôi khi sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chứng minh sổ tiết kiệm đó là của mình.

Bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận, khi mất sổ tiết kiệm, phải thông báo ngay cho ngân hàng. Không cho bất kỳ ai mượn sổ tiết kiệm vì họ có thể giả chữ ký, căn cước công dân và cấu kết với nhân viên ngân hàng để rút tiền từ tài khoản của khách hàng.

Hiện nay, ngoài mở sổ tiết kiệm trực tiếp tại ngân hàng, người dân có thể gửi tiết kiệm online. Hình thức này được nhiều người lựa chọn vì thủ tục nhanh chóng, lãi suất hấp dẫn. Người dân có thể thực hiện giao dịch gửi tiền, tất toán, tái tục, kiểm tra thông tin tiền gửi, lãi suất tiền gửi nhanh chóng tại app ngân hàng trên điện thoại. Tuy nhiên, khi giao dịch trực tuyến, khách hàng cũng cần hết sức cẩn trọng, tuyệt đối không để lộ thông tin, tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào sổ tiết kiệm online, tránh kẻ gian lợi dụng.

 

 

BT

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top