Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Cây cau Quảng Nam và bài học từ thị trường

Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024 | 15:15

Trước biến động của giá cau trong nước thời gian qua, nhà vườn ở Quảng Nam cần thận trọng khi mở rộng diện tích, chuyển đổi sang trồng loại cây này...

Bất thường về giá 

Khoảng tháng 9 - 10/2024, cau non bước vào giai đoạn thu hoạch và được thương lái thu mua với giá dao động 80 - 94 nghìn đồng/kg, tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Giá cau khô các lò bán ra cũng vọt lên  500.000-570.000 đồng/kg.

Nhiều nhà vườn trồng cau trúng đậm trong mùa vụ vừa qua bởi giá cau cao ngất ngưởng.  Nhiều người còn ví “cau đắt như vàng”, bởi bán 1 tấn cau tươi có thể mua được 1 lượng vàng.

 Thương lái cho biết, thị trường tiêu thụ quả cau non chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ. Hai quốc gia này hiện có nhu cầu về nguyên liệu cau non rất lớn.

Chị Võ Thị Hiệp (thôn 1, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước) cho biết, gia đình trồng hơn 1.000 cây cau trong khu vườn rộng 1,4ha. Sau nhiều năm trồng và chăm sóc, hàng trăm cây cau bắt đầu cho thu hoạch, mỗi buồng có trọng lượng 8 - 10kg, trung bình mỗi cây cho thu hoạch  3 - 4 buồng. Với giá bán cau non cho thương lái gần 100.000 đồng/kg, chị Hiệp nhẩm tính, vụ này thu được hơn 200 triệu đồng.

Gia đình chị Hiệp tự ươm giống cây cau khoảng 8.000 đến 10.000 cây giống/năm.

“Cau đến thời kỳ thu hoạch, tôi tự dùng cây sào để hái và vặt trái cân bán cho thương lái ở địa phương, còn họ mua về cung cấp cho ai, bán đi đâu thì tôi không rõ. Giá cau non tăng đem lại thu nhập tốt cho gia đình nên tôi rất phấn khởi”,chị Hiệp chia sẻ.

Giá cau non tăng cao cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân ở một số địa phương như Tiên Phước, Duy Xuyên, Núi Thành, Bắc Trà My, Điện Bàn... tự phát chuyển đổi từ cây trồng khác sang cây cau với số lượng lớn.

Ông Đinh Mười (thôn Xuân Diệm, xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn) cho hay, tháng 11/2023, ông mua 500 cây cau non loại quả dài của nhà vườn ở Tiên Phước về trồng xen với bưởi trên 1ha  vườn nhà. Thời điểm đó, ông mua  với giá 5.000 đồng/cây giống. Hiện nay, vườn cau của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt.

“Đất trong vườn kém dinh dưỡng, trồng hoa màu không hiệu quả nên tôi trồng xen cau với cây trồng khác để tạo cảnh quan. Trồng cau ít công chăm sóc, mùa nắng thì tưới nước, bón phân. Cây cau thích hợp trồng nhất là vào mùa mưa”, ông Mười nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng (đóng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) thông tin: “Với diện tích hơn 3.000m2, mỗi năm HTX ươm khoảng 100 - 150 nghìn cây cau giống để cung cấp cho người dân toàn huyện và các tỉnh thành khác. Thời gian sinh trưởng của cau giống từ lúc ươm đến khi trồng khoảng 6 tháng.

“Năm 2023, giá cau giống chỉ dao động 5.000 – 10.000 đồng/cây, bán khá chậm vì thị trường tiêu thụ cau non chững lại, người dân ít trồng. Còn năm nay, tôi ươm 300.000 cây cau non bán với giá 10.000– 15.000 đồng/cây mà vẫn cháy hàng, không đủ nguồn cung ra thị trường”, ông Thành nói.

Cau non thời điểm gần đây có giá khoảng 100.000 đồng/kg.

Thận trọng khi mở rộng diện tích

Theo tìm hiểu, cau non được thương lái thu mua về cân bán lại cho các chủ vựa để hấp sấy và xuất sang thị trường Trung Quốc. Nước này chủ yếu dùng sản xuất kẹo cau. Năm 2024, giá cau tăng mạnh so với các năm trước khiến người dân ồ ạt trồng cau. Điều này có thể dẫn tới cau non cung nhiều hơn cầu.

Thực tế điều này đã xảy ra cách đây 3 năm, khi thị trường Trung Quốc ngừng mua cau non khiến giá chạm đáy, chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng/kg, thậm chí không có thương lái thu mua, nhiều nhà vườn chặt phá cau hoặc để quả khô trên cây.

Hơn nữa, cau không phải là cây trồng chính, nông sản chủ lực của địa phương. Do vậy, người dân cần cân nhắc, tính toán kỹ trước khi trồng loại cây này, bởi đây cũng là loại cây có thời gian phát triển 3 - 5 năm mới có thể cho thu hoạch.

Thông tin từ ngành chức năng, đầu ra trái cau chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường Trung Quốc, nên người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà nên trồng xen canh với các loại cây khác để tránh rủi ro và cho kinh tế cộng hưởng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 926ha cau, trong đó diện tích trồng mới 92,6ha, diện tích cho thu hoạch 707ha. Nguồn tiêu thụ cau non phụ thuộc vào các nước Trung Quốc, Ấn Độ nên giá cau tăng, giảm thất thường.

Để tránh việc được mùa mất giá, được giá mất mùa, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang tính toán giải pháp phù hợp. Đây mới là năm đầu tăng giá nên cần theo dõi, sau đó đưa ra khuyến cáo người trồng cau trên địa bàn tỉnh.

 

Anh vũ

Xem thêm

4 5[6]
Top