Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  

Công nghiệp hóa ngành Chăn nuôi nhìn từ cơ sở giết mổ

Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024 | 10:11

Theo Quyết định số 1742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quy hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045, đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Tỉ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025, khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh hoàn thiện các nhóm chính sách về phát triển chăn nuôi; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi..., thì cần phải nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi...

Tuy vậy, việc giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát chặt chẽ; quy hoạch chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp và hệ thống chính sách còn bất cập.

Bài 1: Nhiều bất cập, hạn chế

Cả nước hiện có hơn 450 cơ sở giết mổ động vật tập trung tại 37 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ (trên 24.000 cơ sở) không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Thực tế thấy, trong khi các lò mổ tự phát vẫn hoạt động tấp nập thì nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp lại trong cảnh đìu hiu, hoạt động với công suất thấp, thậm chí có cơ sở ngừng hoạt động...

Thiếu sự kiểm soát

Ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thuỷ sản và Thú y Hà Nội, cho biết, Hà Nội có trên 700 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, có 89 cơ sở có giết mổ trâu bò; trên 210 cơ sở có giết mổ lợn, 410 cơ sở có giết mổ gia cầm; 1 cơ sở vừa giết mổ lợn và gia cầm; 6 cơ sở giết mổ động vật khác. Trong đó, có 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nằm trong quy hoạch. 

Chi cục đang quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ đối với trên 130 cơ sở giết mổ động vật trên cạn đã được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, chiếm 18,38% số cơ sở giết mổ của thành phố; về sản lượng, kiểm soát được 400 tấn, chiếm 44,44%-50% nhu cầu. Trong đó, số cơ sở được cấp mã số kiểm soát giết mổ là 72; số còn lại kiểm tra bằng vệ sinh thú y.

Đối với công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, năm 2023, tổng số động vật được kiểm soát giết mổ là gần 15 ngàn con, tăng 34,63%; 4 tháng đầu năm 2024, tổng số động vật được kiểm soát giết mổ là 5.497.030 con, tăng 30,13% so với cùng kỳ năm 2023.

Phát triển một số cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại.

Mặc dù vậy, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập do số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm khá lớn. Bên cạnh doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi quy mô lớn thì vẫn còn số lượng lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân bố ở hầu hết 18 huyện, thị xã, vì vậy, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ vẫn còn nhiều. Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn nhưng đến nay mới có 10/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch của thành phố được đầu tư, đang hoạt động sản xuất; số còn lại đã tạm dừng và chưa được đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, nhìn một cách tổng quát, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tại Hà Nội cũng như trên cả nước còn thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chuyên môn. Việc quản lý hoạt động giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ tại các địa phương. 

Nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát này nằm ở khắp các ngõ xóm, hoạt động giết mổ thất thường, không ổn định, hôm làm, hôm không theo nhu cầu của người chăn nuôi hoặc theo nhu cầu của người kinh doanh. 

Thực trạng việc giết mổ gia súc, gia cầm tại gia đình thường về đêm hoặc sáng sớm, không cần trang thiết bị lớn, dụng cụ đơn giản, có thể giết mổ ngay tại cửa chuồng, sân bể, khoảng đất rộng quanh khu vực chuồng nuôi, vậy nên ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn chuộng mua thịt tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vì giá rẻ, tiện lợi, chưa quan tâm đầy đủ đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều người tiêu dùng vẫn thích sử dụng thịt nóng (ngay sau giết mổ), dễ dãi với thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm soát của lực lượng chuyên môn. 

Trong hoạt động giết mổ gia cầm, thói quen của người tiêu dùng vẫn sử dụng gà trong hoạt động cúng lễ ngày rằm, ngày lễ, ngày giỗ nên việc mua bán, giết mổ gia cầm tại chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm vẫn thường xuyên diễn ra, rất khó kiểm soát. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung đã có nhưng chưa phù hợp, khi triển khai rất khó, thiếu hiệu quả. 

Một số nơi có chính sách nhưng thủ tục rườm rà, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động giết mổ tập trung, khó khăn trong tiếp cận vốn vay...

“Khoảng trống” kiểm tra, kiểm soát

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện cả nước có hơn 450 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 7 cơ sở dừng hoạt động với nhiều lý do và 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.

Trong đó có gần 7.000 cơ sở giết mổ động vật có giấy chứng nhận kinh doanh, chiếm 27%. Tuy nhiên, số còn lại (hơn 18.000 cơ sở giết mổ động vật) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, chiếm đến 73%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Cơ sở giết mổ gia súc đủ điều kiện vệ sinh thú y tại Hà Nội. Ảnh: VGP/TT.

Năm 2023, Cục Thú y thực hiện lấy mẫu giám sát tại 10 cơ sở giết mổ và 6 cơ sở kinh doanh thịt heo, thịt gà tại 3 tỉnh/thành phố phía Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang. Thực hiện lấy 210 mẫu, bao gồm: 60 mẫu lau thân thịt lợn, 40 mẫu da cổ gà, 20 mẫu nước, 90 mẫu thịt heo, gà. Tổng số 560 lượt mẫu phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư kháng sinh, hóa chất, kim loại nặng.

Nhìn chung, thịt gia súc, gia cầm giết mổ tiêu thụ nội địa có tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật khá cao tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và cơ sở kinh doanh thịt chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, tại các tỉnh miền núi, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm đa số, dẫn đến số hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư còn nhiều. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phân bổ rộng trên địa bàn các huyện, trong khi dân cư ít và phân tán, giao thông đi lại khó khăn.

Việc giết mổ phân tán nên việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn do không đủ nguồn lực. Thực tế hiện nay chỉ có 4.328 cơ sở (17%) có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định, còn lại 83% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có nhân viên thú y để thực hiện kiểm soát giết mổ.

Hiện có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát giết mổ bất kỳ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, bao gồm: Điện Biên, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi và Trà Vinh.

Đặc biệt, 7 tỉnh Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có cơ sở giết mổ tập trung và cũng không có thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ. Như vậy, các tỉnh này không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật theo quy định.

Những tồn tại và khó khăn hiện nay là do ngành thú y ở các địa phương  dù có đủ năng lực về chuyên môn, nhưng thiếu nguồn lực (số lượng biên chế ít), lại không được giao nhiệm vụ kiểm soát giết mổ và không thể ủy quyền thực hiện kiểm soát giết mổ cho cấp huyện (do Trạm Chăn nuôi và Thú y đã sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, không thuộc quản lý trực tiếp của Chi cục).

“Chính khoảng trống về kiểm soát giết mổ này đang gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi và theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố không thực hiện được công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ cho động vật và các sản phẩm động vật xuất ra khỏi địa bàn cấp tỉnh”, ông Long nói.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Long An, toàn tỉnh có 45 cơ sở cơ sở giết mổ được xây dựng, duy trì hoạt động và có sự kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y từ nhiều năm qua. Trung bình mỗi đêm giết mổ khoảng 220 con trâu, bò, 5.300 con lợn và 67.500 gia cầm; trong đó, có trên 90% gia súc và 95% gia cầm được kiểm soát giết mổ.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát giết mổ ở địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập nhất là về nguồn nhân lực.

Long An hiện thiếu hơn 30 biên chế chuyên ngành thú y để thực hiện kiểm soát giết mổ. Đặc thù công việc kiểm soát giết mổ của cán bộ thú y là làm đêm hoàn toàn, không có ngày nghỉ trong cả năm, áp lực công việc rất lớn trong khi đó chế độ làm việc và đãi ngộ, bù đắp sức khỏe hiện nay chưa thỏa đáng.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đòi hỏi công chức ngạch kiểm dịch viên động vật hoặc kỹ thuật viên kiểm dịch động vật thực hiện.

Trong khi thực tế hiện nay, tất cả các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện chỉ được giao biên chế viên chức (chức danh nghề nghiệp là Chẩn đoán viên bệnh động vật) nên chưa đảm bảo về “tư cách thực thi công vụ,” đặc biệt là việc ủy quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch chưa đúng theo quy định.

Khó cạnh tranh

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục Chăn nuôi Thú y Hải Dương, cho biết, chi phí giết mổ nhỏ lẻ gần như bằng 0 do gia súc, gia cầm nhập về giết mổ không phải nuôi nhốt trước khi mổ; không phải chịu chi phí kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y và chi phí bao bì nhãn mác để chứa, đựng sản phẩm sau khi giết mổ.

 Chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng trong công tác quản lý giết mổ; sơ chế thực phẩm và công tác xử lý sai phạm.

Hệ thống thú y bị đứt gãy; nhân viên thú y xã, phường kiêm nhiệm hoặc có địa phương nhân viên làm công tác thú y không có chuyên môn.

Việc đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ gặp rất nhiều khó khăn. Do các hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, vì vậy, cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để thực hiện xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 10 năm 2024 ước đạt 46,3 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 10 tháng đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 103,8 triệu USD, giảm 7,2%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 133,4 triệu USD, tăng 8,6%. Các sản phẩm chăn nuôi còn đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân trong nước.

Thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ngành chăn nuôi đang bắt đầu triển khai 3 đề án lớn, hướng đến mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã chỉ đạo 3 giải pháp trụ cột để phát triển ngành chăn nuôi: chống nhập lậu; rà soát việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt; tăng cường xuất khẩu.

Chia sẻ về khó khăn thực tế, Giám đốc Nhà máy giết mổ lợn CP tại Phú Nghĩa (Chương Mỹ - Hà Nội) Kiều Đình Thép cho biết, mặc dù nhà máy giết mổ lợn của công ty tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa được trang bị những dây chuyền máy móc hiện đại, xây dựng trên diện tích đất 6ha, công suất giết mổ 2.000 con lợn/ngày. Tuy nhiên, nhà máy mới chỉ giết mổ vài trăm con lợn/ngày, quá thấp so với công suất thiết kế.

Nguyên nhân là do hiện nay, giết mổ nhỏ lẻ còn rất nhiều, nên các nhà máy giết mổ hiện đại rất khó cạnh tranh về chi phí giết mổ (nếu chi phí giết mổ tại nhà máy lên đến 4.500 đồng/kg thịt lợn, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chỉ mất khoảng 700 đồng/kg thịt lợn). Do đó, đầu ra sản phẩm thịt của nhà máy chủ yếu cung cấp cho các siêu thị và các cửa hàng tiện ích.

Qua khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, thành, hiện không ít cơ sở giết mổ tập trung bị “chết yểu” chỉ sau thời gian ngắn hoạt động. Bởi, khi chuyển sang giết mổ tập trung, chi phí giết mổ cao và phải chịu sự quản lý của cơ quan Thú y trong quy trình giết mổ. Từ đó, không cạnh tranh được với các hộ giết mổ nhỏ lẻ có chi phí thấp hoặc không phải trả chi phí nào cho quá trình giết mổ.

Do nguồn kinh phí xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung rất lớn, đặc biệt đối với hạng mục xử lý chất thải, nước thải bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường hiện nay.

Cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, hoạt động đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung còn nhiều bất cập, khó kêu gọi các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này.

Địa bàn các xã cách xa nhau, nên khi đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tập trung sẽ mất thêm chi phí vận chuyển, chi phí bảo quản cho sản phẩm sau giết mổ để đưa đi tiêu thụ.

Bài 2: Những mô hình chế biến sản phẩm chăn nuôi hiện đại

 

 

Vân Nhi

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top