Bài 1: Đa dạng trong thống nhất
Phong trào thi đua sản xuất giỏi đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào lớn, tác động tích cực đến phát triển sản xuất hàng hóa lớn, an toàn, bền vững.
Phong trào sản xuất giỏi lan toả mạnh mẽ
Mỗi năm cả nước có trên 3,6 triệu hộ nông dân (trong đó rất nhiều người là hội viên HLV) đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi; phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi trong nông dân - nông thôn đã trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội thời gian qua ở khắp các địa phương, vùng miền, trong đó có vùng MNPB.
Kinh tế nông thôn giới thiệu một vài mô hình sản xuất tiêu biểu về sản xuất tuần hoàn, liên kết sản xuất trong HTX.
Mạnh dạn thay đổi phương pháp chăn nuôi, ông Hoàng Đình Quê ở thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng - Bắc Giang) đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi 2.500 con lợn, năm nuôi 2 lứa, có giám sát thông qua hệ thống camera. Đầu tư hệ thống máy làm mát, cho ăn tự động giúp ông ngồi đâu cũng “cho được lợn ăn”. Ngoài ra, ông còn 4 lứa vịt, mỗi lứa 14.000 con. Ông sử dụng hệ thống quản lý bằng công nghệ IoT (Internet vạn vật) kiểm soát lượng nước, nhiệt độ..., mô hình được đầu tư máy móc, chăn nuôi theo quy trình công nghệ an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, áp dụng công nghệ cao, tự động hóa nhiều khâu. Nước thải chăn nuôi được xử lý qua hầm Biôga rồi chảy qua ao bèo, dùng tưới cho vườn cây ăn quả. Nhận thấy lượng chất thải từ chăn nuôi lớn, ông xây dựng khu vực nuôi trùn quế. Trùn quế có thể làm thức ăn nuôi gà, vịt, chất thải của quá trình nuôi giun là phân bón dinh dưỡng cho cây trồng… Phân trùn dùng trong gia đình không hết, ông đóng bao bán cho người trồng rau, làm vườn. Ông Quê được vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc, là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Bắc Giang năm 2022, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
HTX gà đồi Tân Tiến (Phú Bình - Thái Nguyên) có 22 thành viên liên kết chăn nuôi theo chuỗi, chuyên nuôi gà ta. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường 150 - 170 tấn gà thịt, đem lại thu nhập cho mỗi xã viên 200 - 300 triệu đồng. Ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX gà đồi Tân Tiến, cho biết, ngay từ khi thiết kế chuồng trại, phải lắp đặt hệ thống nước làm mát, quạt gió…, đảm bảo chuồng trại thông thoáng vào mùa hè, ấm về mùa đông. Tất cả thành viên HTX đều tuân thủ nghiêm ngặt chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, chỉ sử dụng chế phẩm được chiết xuất từ thảo dược, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý mùi hôi và một số mầm bệnh.
Những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp nói chung, kinh tế vườn – VAC nói riêng của Sơn La đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo nên điểm sáng Sơn La về phát triển cây ăn quả (hiện Sơn La có gần 100.000 ha cây ăn quả các loại). Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, Hội Ngành nghề nông nghiệp – nông thôn (bao gồm HLV, HSVC, Hội Nuôi ong, Hội NNHC) và sự cần cù sáng tạo của hội viên, nông dân, nhiều giống cây ăn quả mới phát triển mạnh ở Sơn La, như: na sầu (na có quả to như sầu riêng), hồng các loại, nhãn trái vụ… kết hợp nuôi ong, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện.
Anh Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch (bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn), chia sẻ: Qua sách báo, internet, thấy bên Đài Loan (Trung Quốc) trồng na sầu hiệu quả, nên tôi nhờ một đơn vị mua giống về thử. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, lại chăm sóc đúng quy trình, sau gần 2 năm, na sầu riêng sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Giống na này từ khi bắt đầu ra hoa cho đến lúc thu hoạch khoảng 6 tháng, thu muộn hơn na Thái và na dai 2 tháng. Tuy nhiên, năng suất lại cao hơn. Năng suất khi cây trưởng thành đạt 40 - 45 tấn/ha, trong khi na dai chỉ đạt 13 - 14 tấn/ha, na Thái 25 - 27 tấn/ha. Giá bán cũng gấp 3-4 lần so với na Thái và na dai.
Nông dân xóm Cây Thị, xã La Hiên (Võ Nhai Thái Nguyên) thu hái chè.
Mong muốn của hội viên và HLV các cấp
Hầu hết các tỉnh MNPB có địa hình khá phức tạp, núi cao, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt, dân cư sống thưa thớt ở trong các thung lũng, hệ thống giao thông chưa hoàn thiện; vào mùa mưa lũ, các con sông, suối trên địa bàn dâng nước làm ngập lụt ruộng, vườn và đường giao thông. Vì thế phát triển sản xuất nông nghiệp ở đây gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch HLV Cao Bằng Nguyễn Sinh Cung cho biết, mặc dù Cao Bằng có khả năng phát triển nông nghiệp, trong đó có nhiều loại cây trồng đặc hữu mang giá trị kinh tế cao nhưng việc tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa khó khăn do đất đai manh mún, trình độ dân trí còn thấp, việc tiếp cận và áp dụng TBKT khó khăn, giao thông không thuận lợi và không có nhà máy chế biến sâu sau thu hoạch, do đó, nhiều hàng hóa nông sản của Cao Bằng không thể tiêu thụ được.
Ông Cung mong muốn HLVVN tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, tham quan, đồng thời xây dựng và nhân rộng một số mô hình khuyến nông, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng KHKT, công nghiệp tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, nhằm thích ứng với sự biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng để bà con từng bước thay đổi tư duy sản xuất.
Theo ông Võ Văn An, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp – nông thôn Sơn La, việc chế biến nông sản ở địa phương gặp nhiều khó khăn, lý do có nhiều, cả do nông dân mình tùy tiện chăm sóc nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, việc sản xuất – thu hái không đồng bộ nên lúc ít sản phẩm, lúc lại quá nhiều; công nghề bảo quản chế biến không đồng bộ… Đó là chưa nói đến khó khăn do giao thông chưa thuận tiện, việc tiếp cận KHKT có nơi còn khó khăn. Ông An mong muốn HLVVN phối hợp chặt chẽ cùng ngành nông nghiệp để gỡ khó cho các địa phương vùng MNPB nói chung và Sơn La nói riêng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, để KTV-VAC vùng MNPB đóng góp tích cực hơn, nhà vườn mong muốn Nhà nước sớm hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông, quy hoạch vùng sản xuất gắn với chế biến đối với từng loại nông sản, cụ thể: hỗ trợ vốn tín dụng; khơi thông đầu ra cho nông sản. HLV cùng ngành nông nghiệp hỗ trợ TBKT, kết nối thị trường…
Tăng cường liên kết để phát triển
Nghị quyết Liên tịch giữa Bộ NNPTNT-HLVVN với mục tiêu tăng cường phối hợp trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác giữa Bộ NNPTNT và HLV VN nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới; hợp tác liên kết phát triển chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình làm vườn và VAC tiên tiến có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nhằm góp phần phát triển nghề làm vườn, cũng như phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
PGS.TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch HLVVN, đánh giá, việc triển khai Nghị quyết liên tịch giữa Bộ NNPTNT và HLVVN sẽ mở ra cơ hội mới cho HLV các cấp và hội viên trong phát triển KTV-VAC và tổ chức Hội. HLV VN thành lập Văn phòng đại diện vùng MNPB với đội ngũ cán bộ tại Văn phòng là những nhà khoa học sẽ giúp các địa phương trong vùng tiếp cận nhanh với TBKT. Ông mong VPĐDHLV vùng MNPB hoạt động thiết thực, sáng tạo, hiệu quả để góp phần khẳng định vị thế KTV - nghề làm vườn của khu vực.
Đồng thời, Chủ tịch HLVVN cũng đề nghị các đơn vị của Bộ NN-PTNT tùy theo chức năng, nhiệm vụ có sự phối hợp với HLV các cấp trong các hoạt động, như tổ chức hội thảo, tham quan các mô hình mẫu, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động Hội có đóng góp tích cực hơn vào khai thác tiềm năng đất đai, đặc thù khí hậu, lợi thế giáp thị trường 1,4 tỷ dân - Trung Quốc và sự phát triển bền vững của kinh tế nông thôn và ngành nông nghiệp.