Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  

Nghệ An điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới để phù hợp với thực tiễn

Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024 | 10:35

Công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM) những năm qua được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng xã huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao còn gặp rất một số bất cập, khó khăn khiến địa phương khó đạt mục tiêu theo đăng ký.

Nhằm giúp địa phương “gỡ khó” trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Nghệ An vừa có quyết định điều chỉnh một số tiêu chí NTM.

Nhiều tiêu chí khó thực hiện

Điều thấy rõ nhất trong quá trình xây dựng NTM ở các huyện vùng cao Nghệ An là, những tiêu chí như thu nhập, lao động, việc làm, nhà ở dân cư, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa… đang trở thành tiêu chí khó đáp ứng so với yêu cầu thực tế. Bởi, những tiêu chí này (nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa) cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn lực địa phương hạn chế; còn các tiêu chí “mềm” khác như thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất… cũng gặp khó do nhận thức, suy nghĩ, xuất phát điểm của các hộ dân thấp, hạn chế dẫn tới không quan tâm, thiếu đầu tư.

Dẫn chứng từ huyện Tương Dương. Nếu so với 4 huyện vùng cao còn lại, thì Tương Dương đã có 4 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đang trên lộ trình xây dựng NTM nâng cao… nhưng lại có đến 7 tiêu chí khó thực hiện như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm. 

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh chia sẻ: Chỉ tính trong 3 năm từ 2021-2023, nhu cầu xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí NTM là rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư quá nhỏ bé, chỉ hơn 33,4 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, thì không khác gì “muối bỏ biển”. Huyện nghèo, các xã đều nghèo, thì việc huy động xã hội hóa, huy động đóng góp trong Nhân dân gần như không đáng kể.

Đường vào hai bản Búng và Cò Phạt thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông hãy còn rất gian nan.

Huyện Con Cuông hiện có 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Về cấp thôn, bản có 31 đơn vị đạt chuẩn và con số đó đã tăng theo từng năm: Nếu năm 2022 chỉ mới 3 thôn, bản đạt tiêu chuẩn, thì đến năm 2023 là 26 thôn, bản và hiện nay năm 2024 đến tháng 10 đã tăng thêm 5 thôn, bản. Việc xây dựng các thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới là trong lộ trình tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn của các huyện.

Theo ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông, thì ở địa phương vùng cao, có khá nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí chuẩn nông thôn mới cấp thôn, bản, cấp xã khó thực hiện; như về tiêu chí thu nhập, lao động, việc làm. Trong đó, tiêu chí số 12.3 quy định về tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực, thì nay trên địa bàn huyện Con Cuông chưa xã nào đạt được.

Vấn đề này, theo quy định tại Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 của UBND tỉnh về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về tỷ lệ lao động, thì tỷ lệ lao động trong các ngành kinh tế chủ lực thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp phải đạt dưới 30%; trong các ngành kinh tế chủ lực thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng phải đạt trên 40%, và trong các ngành kinh tế chủ lực thuộc lĩnh vực dịch vụ phải đạt trên 30%. Quy định về cơ cấu lao động này áp dụng cho các địa phương vùng cao hầu như không thể thực hiện khi xu hướng người dân đi làm ăn xa ngày càng nhiều.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đầu tư trong giao thông, nhưng lại vướng nhiều tiêu chí chưa đạt khác khiến cho huyện Quế Phong chưa có xã đạt NTM.

Hơn nữa, các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng ở vùng miền núi còn kém phát triển, chỉ tập trung chủ yếu ở vùng thị trấn và một số trung tâm xã. Một số xã, hầu như không có hoặc rất ít cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ nên tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành này của địa phương chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Tìm hiểu thực tế này ở các huyện vùng cao khác như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp…, chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của các cấp ủy, chính quyền về việc khó khăn trong đáp ứng các quy định về tỷ lệ lao động theo tiêu chí số 12.3 ở Quyết định 1563. Những khó khăn vướng mắc đó, đã được các địa phương phản ánh, báo cáo các cấp có thẩm quyền và đề nghị điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn triển khai ở cơ sở.

Khó ở những địa phương đặc thù

Đặc thù là xã bãi ngang, đất chật người đông, về xã Diễn Bích (Diễn Châu), hiện nay, không khó để nhận thấy sự chật hẹp tại các tuyến đường giao thông nội xóm, liên xóm, có những tuyến xe máy tránh nhau còn khó, chưa kể đến ô tô. Do đó, vào những giờ tan tầm như học sinh đi học về hay giờ tàu cá về cảng vẫn có sự ùn tắc cục bộ. Đối với tiêu chí về giao thông, khi yêu cầu đường xã, xóm được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh… đảm bảo đi lại thuận tiện, an toàn rất khó thực hiện, chưa kể chi phí đầu tư cho giao thông không hề thấp.

Không chỉ xã Diễn Bích mà các xã vùng bãi ngang khác trên địa bàn tỉnh như Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Hải thuộc huyện Diễn Châu; Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên, Nghi Quang thuộc huyện Nghi Lộc cũng gặp khó ở tiêu chí này. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho biết: “Địa phương về đích NTM năm 2020, hiện nay đang tập trung xây dựng NTM nâng cao và tiêu chí giao thông cũng được xem là khó khăn nhất do điều kiện tự nhiên cũng như nguồn lực đầu tư cho giao thông còn hạn chế. Hiện xã đặt mục tiêu sẽ về đích NTM nâng cao cuối năm 2024, nếu không thực hiện được sẽ phải chuyển sang năm 2025”.

Các xã bãi ngang, ven biển gặp khó khi thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM nâng cao.

Hoặc tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, toàn xã có 662 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù là một xã vùng màu nên Nghi Phong không có hệ thống tưới chủ động, do đó tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động là 0%. Các xã vùng màu khác tại huyện Nghi Lộc như Nghi Thạch, Nghi Thịnh, Nghi Long... cũng gặp khó ở tiêu chí này.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh cho biết: Thực tế sau khi về đích NTM, một số địa phương trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí NTM nâng cao. Do đó, các xã cần chủ động nguồn lực, kết hợp với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện để cân đối đầu tư, có định hướng thực hiện tiêu chí. Đối với các tiêu chí khó, quan điểm của Hội đồng thẩm định là sẽ xem xét cụ thể tại từng địa phương, có thể tạo điều kiện tuy nhiên xã đó phải có cam kết hoàn thành trong tương lai gần, trình bày lộ trình, thời gian cụ thể hoàn thành tiêu chí mới được hội đồng thẩm định xem xét chấp thuận.

Những bất cập từ tiêu chí về sản phẩm OCOP

Giai đoạn 2021 - 2025, một trong những tiêu chí quan trọng để xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao là phải có sản phẩm được xếp hạng trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Việc phát triển Chương trình OCOP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là động lực mạnh để kích thích phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực từng địa phương, từ đó tạo cơ sở vững chắc để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM. Đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã; đồng thời đưa NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Song quá trình triển khai chương trình OCOP ở nhiều địa phương cũng đang bộc lộ những khó khăn, thách thức. 

Tìm hiểu thực tế, tại nhiều địa phương, việc xây dựng sản phẩm OCOP gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như xã Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu), theo lộ trình đến năm đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng đến nay, xã vẫn đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng. Ông Nguyễn Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Dù là một xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với một số sản phẩm đặc trưng như: rau màu, cà, ngô, lạc nhưng hiện tại, xã vẫn chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. Qua khảo sát, đánh giá, nguyên nhân là do các sản phẩm trên người dân chỉ sản xuất theo mùa vụ với sản lượng ít, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, lâu dài. 

Sản phẩm OCOP Nghệ An

Bên cạnh đó, quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; sự hiểu biết của một số cán bộ cơ sở và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung còn phụ thuộc vào tư vấn; một số sản phẩm chủ lực gặp khó khăn về vốn và công nghệ chế biến, bảo quản.

Cũng do áp lực về tiêu chí cứng trong NTM nâng cao nên hiện nhiều địa phương “chạy đua” để có được sản phẩm OCOP dù sản phẩm đó không có ưu thế, không mang tính đặc trưng, đặc thù. Do đó, không ít sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sự suy giảm về mặt chất lượng, số lượng. Thực tế, có rất nhiều sản phẩm OCOP ở các địa phương na ná nhau: Mật ong, tinh bột nghệ, giò bê, ngũ cốc… Do chạy theo thành tích, phấn đấu được chứng nhận OCOP để được công nhận NTM nâng cao mà chưa chú trọng đến hiệu quả kinh tế mang lại, đến mục đích, ý nghĩa của chương trình nên nhiều sản phẩm sau khi “xếp hạng” là “xếp xó”, hoặc do hạn chế của cơ sở sản xuất, sự thiếu quan tâm, sâu sát của các địa phương khiến cho nhiều sản phẩm không tiếp tục phát triển, hoặc không có thị trường dẫn đến dừng sản xuất phải đưa ra khỏi chương trình.

Điều chỉnh tiêu chí theo thực tiễn

Ghi nhận những phản ánh nói trên, thông qua các phiên họp, UBND tỉnh đã có Quyết định 2022/QĐ-UBND ngày 8/8/2024 (Quyết định số 2022) về việc sửa đổi và quy định một số nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Trong các điều chỉnh tại Quyết định số 2022, về tiêu chí 12.3 quy định về tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn, UBND tỉnh đã quyết định bãi bỏ nội dung quy định tại Quyết định số 1563/QĐ-UBND ngày 7/6/2022. Việc bãi bỏ quy định 12.3, theo các địa phương vùng cao sẽ giúp “gỡ khó” rất lớn trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới cho các thôn, xóm, bản đáp ứng yêu cầu hoàn thiện các tiêu chí cấp xã.

Bên cạnh đó, Quyết định số 2022 cũng sửa đổi nội dung tiêu chí 13.4 về ứng dụng công nghệ số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã. Cụ thể: Có tối thiểu 1 sản phẩm nông sản chủ lực của xã được các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại sản phẩm.

Quyết định số 2022 điều chỉnh nội dung của Tiêu chí số 5 về văn hóa, giáo dục và y tế trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Lý (Kỳ Sơn) trao đổi học tập. Ảnh: Báo Nghệ An

Như vậy, quy định điều chỉnh mới này có “nâng cấp” so với quy định cũ. Nếu quy định cũ chỉ yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết lập hệ thống điện tử truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, thì quy định mới điều chỉnh thêm yêu cầu lưu trữ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở tất cả các công đoạn từ nguồn gốc đến sản xuất và thương mại sản phẩm.

Ngoài ra, Quyết định số 2022 cũng sửa đổi một số tiêu chí khác đối với cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm một số nội dung thuộc các tiêu chí số 8, 12, 13, 17 và 18.

Ví dụ như tiêu chí về môi trường: Tiêu chí 17.10 quy định tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng. Ở các xã thuộc các địa phương: thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu phải đạt tối thiểu 10%. Các xã thuộc các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa phải đạt tối thiểu 6%. Các xã thuộc các huyện: Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Con Cuông phải đạt tối thiểu 3%. Các địa phương còn lại chưa áp dụng.

Về Tiêu chí 18 chất lượng môi trường sống, ở mục 18.2 quy định cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn bình quân đầu người/ngày/đêm phải đạt bằng hoặc trên 50 lít. Ở mục 18.3 quy định tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững phải đạt bằng hoặc trên 25%.

Đối với huyện nông thôn mới, Quyết định số 2022 điều chỉnh 2 tiêu chí số 5 và số 6. Cụ thể, Tiêu chí số 5 về văn hóa, giáo dục và y tế điều chỉnh mục 5.5: Trung tâm GDNN - GDTX đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1 (thực hiện khi có văn bản mới của Bộ GD&ĐT ban hành), hoặc đạt cấp độ 1 về kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đối với chức năng, nhiệm vụ được giao của Trung tâm GDNN - GDTX (thực hiện đến khi có văn bản mới thay thế).

Một góc NTM huyện Nghi Lộc.

Tiêu chí số 6 về kinh tế, điều chỉnh mục 6.4: Có trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hoặc đơn vị chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Yêu cầu cần đạt là có đơn vị chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp hoạt động hiệu quả (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện) khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 896/QĐ-BNN- VPĐP ngày 01/04/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các yêu cầu sau: Chuyển giao được ít nhất 10 mô hình, kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp/năm đánh giá xét công nhận. Đào tạo, tập huấn được ít nhất 50 nông dân, thành viên HTX/năm đánh giá xét công nhận. Tư vấn về chính sách, liên kết sản xuất, kết nối thị trường được ít nhất 20 hợp đồng liên kết sản xuất/năm đánh giá xét công nhận.

Đối với huyện nông thôn mới nâng cao, Quyết định số 2022 điều chỉnh 1 nội dung của Tiêu chí số 5 về văn hóa, giáo dục và y tế. Cụ thể, điều chỉnh mục 5.5: Trung tâm GDNN - GDTX đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 (thực hiện khi có văn bản mới của Bộ GD&ĐT ban hành); hoặc đạt cấp độ 2 về kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Thông tư số 42/2012/TT-BGDĐT ngày 23/11/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đối với chức năng, nhiệm vụ được giao của Trung tâm GDNN - GDTX (thực hiện đến khi có văn bản mới thay thế).

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)

Xem thêm

4 5[6]
Top