Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  

Thanh Hoá: Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa

Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024 | 12:40

Nhằm triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”, Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức chương trình triễn lãm tranh, ảnh, tư liệu phòng, chống rác thải nhựa tại Thanh Hóa.

Sáng 23/11, tại trường Đại học Hồng Đức (thành phố Thanh Hoá), Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hoá, Cục thông tin cơ sở phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức tổ chức khai mạc triển lãm tranh, ảnh, tư liệu phòng, chống rác thải nhựa cho một tương lai xanh.

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Văn Tạo, Cục Trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, triển lãm ảnh, tư liệu tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa là một hoạt động truyền thông thiết thực triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05/02/2021.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục Trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông (áo trắng bên tay phải) cùng các đại biểu tham quan triển lãm.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục Trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông (áo trắng bên tay phải) cùng các đại biểu tham quan triển lãm.

Thông qua các ảnh, tư liệu tại cuộc triển lãm cung cấp cho người xem những thông tin về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm gần gũi, thân thiện với môi trường; thu gom, tái chế các sản phẩm nhựa, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh.

Sau khi kết thúc cuộc Triển lãm, Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao toàn bộ tư liệu để Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao toàn bộ tư liệu để Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan

Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao toàn bộ tư liệu để Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Bà Hoàng Thị Mai - PGS.TS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức chia sẻ, triển lãm ảnh, tư liệu phòng, chống rác thải nhựa không chỉ là một buổi trưng bày nghệ thuật mà còn là một cột mốc trong hành trình thay đổi nhận thức của con người từ quan sát đến quyết tâm hành động. Những hình ảnh trực quan tại triển lãm cho chúng ta nhận thức rõ những hậu quả khôn lường của ô nhiễm rác thải nhựa; thúc giục chúng ta cần phải hành động ngay lập tức và quyết liệt để giảm thiểu rác thải nhựa.

"Triển lãm cũng mang đến các tư liệu quý giá về quá trình giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa - ba bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm nhựa. Thông qua các bức ảnh và tài liệu này, các thầy cô và các em học sinh, sinh viên sẽ thấy những hình ảnh sáng tạo về cách các quốc gia trên thế giới đang đương đầu với vấn đề nhựa bằng cách áp dụng công nghệ tái chế hiện đại, phát triển các loại vật liệu thân thiện với môi trường và những sáng kiến từ cộng đồng nhằm giảm thiểu việc sử dụng nhựa một cách sáng tạo", bà Mai cho biết thêm.

Những hình ảnh về rác thả, tác hại và giải pháp được tuyên truyền đến đông đảo sinh viên trường Đại học Hồng Đức.

Những hình ảnh về rác thả, tác hại và giải pháp được tuyên truyền đến đông đảo sinh viên trường Đại học Hồng Đức.

Qua đây, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức kêu gọi mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ trong đời sống hàng ngày, hãy hạn chế sử dụng những sản phẩm nhựa một lần, hãy tái sử dụng, và đặc biệt là tái chế bất kỳ sản phẩm nào có thể tái chế. Hãy suy nghĩ trước khi thải ra một sản phẩm nhựa và hãy lan toả tinh thần đo đến những người xung quanh. Mỗi người đều có ý thức và thực hiện tốt điều đó, môi trường của chúng ta sẽ xanh, sạch đẹp và an toàn.

Theo thống kê, hàng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì mỗi năm, Việt Nam thải ra môi  trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới).

Hình ảnh rác thải tạo ô nhiễm môi trường, gây biến đổi khí hậu đã được trưng bày trong triển lãm.

Hình ảnh rác thải tạo ô nhiễm môi trường, gây biến đổi khí hậu đã được trưng bày trong triển lãm.

Với thực trạng đó, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới suy thoái và ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng, nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do rác thải nhựa, túi ni lông nói riêng tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân và sự phát triển của các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch và thủy sản.

Từ rác thải thực tiễn đã được sinh viên trường Đại học Hồng Đức phác họa mô hình để tuyên truyền.

Từ rác thải thực tiễn đã được sinh viên trường Đại học Hồng Đức phác họa mô hình tuyên truyền.

Trong thực tế, ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông ở nước ta hiện đang ở mức nghiêm trọng, đang tăng dần theo từng năm, và là một trong những “gánh nặng” cho môi trường; thậm chí có thể dẫn đến thảm họa môi trường, tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và tăng trưởng của các ngành kinh tế liên quan.

Hạn chế, giảm thiểu và tái chế chất thải từ nhựa, túi ni lông trở thành yêu cầu cấp bách và phải hành động ngay từ bây giờ, bắt đầu từ việc giảm dần tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, đẩy mạnh thu gom, tái chế các sản phẩm nhựa, hướng tới áp dụng rộng rãi kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh ở nước ta. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa là một trong những hoạt động cấp thiết cho vấn đề nhức nhối này.

 

Thanh Duyên

Xem thêm

4 5[6]
Top