Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024 | 13:36

Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” được tổ chức nhằm thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2030…

Sáng nay 23/11, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”.

Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương với hơn 20 bài tham luận về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cũng như khu vực miền Trung và cả nước.

Tại Hội thảo đã diễn ra Ký kết hợp tác quảng bá truyền thông văn hóa du lịch giữa  Báo Văn hóa phối hợp Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2025-2030

Tại Hội thảo đã diễn ra Ký kết hợp tác quảng bá truyền thông văn hóa du lịch giữa Báo Văn hóa phối hợp Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2025-2030.

Hội thảo đã nghe các bài tham luận được trình bày về nội dung Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch trong đồng bào DTTS; Phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS ở Quảng Ngãi và Thực trạng và giải pháp triển khai Dự án 6 tại tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời, tại Hội thảo có 02 phiên thảo luận với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về chủ đề Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và tiềm năng du lịch và chủ đề về các mô hình, điển hành, cách thức, và giải pháp làm hay để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Tiềm năng

Hiện, cả nước có hơn 40.000 di tích được đưa vào Danh mục kiểm kê. Trong đó, có 130 di tích quốc gia đặc biệt, 3.621 di tích quốc gia, trên 11.000 di tích cấp tỉnh, 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận; 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, 571 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Các sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó… ở Sa Pa (Lào Cai)... sản phẩm du lịch phản ánh sự thích ứng với môi trường, như những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai)… Các di tích, di sản này đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch vô cùng hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, số lượng các di tích, di sản được đầu tư, phát triển nổi bật chỉ đếm trên đầu ngón tay.

TS. Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, có một thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS, miền núi còn gặp nhiều khó khăn do trình độ học vấn hạn chế, không có nghề truyền thống, chủ yếu làm nương rẫy hoặc lên rừng hái thuốc, hái măng… Quá trình phát triển kinh tế, một số DTTS đã có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn nhưng về cơ bản, vẫn còn rất vất vả. Bên cạnh đó, trước tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng như quá trình khai thác phát triển du lịch, văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa vùng DTTS nói riêng đang ít nhiều bị mai một.

Quảng Ngãi là nơi hội tụ, cộng cư của đồng bào các DTTS Hrê, Co, Ca Dong, tập trung ở 61 xã, thuộc 5 huyện miền núi (Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long) và 3 huyện đồng bằng (Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn). Toàn tỉnh hiện có trên 187 nghìn người là đồng bào DTTS, chiếm 13% dân số toàn tỉnh. Mỗi một đồng bào các DTTS đều mang bản sắc văn hóa riêng, từ phong tục tập quán, trang phục truyền thống,... đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu; đồng thời cũng là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch.

Múa Cadáu của người Co (Trà Bồng) tại Lễ hội Điện Trường Bà.

Múa Cadáu của người Co (Trà Bồng) tại Lễ hội Điện Trường Bà.

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số hiện trạng về nhiều nét văn hóa đặc sắc đã bị mai một và không còn được bảo tồn. Tại Quảng Ngãi, nhà sàn cổ truyền của dân tộc Co đã biến mất hơn 30 năm qua trên toàn địa hạt dân tộc Co; việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc Hrê, Co, K’dong đang có sự suy giảm dần theo thời gian; cồng chiêng các dân tộc giảm về số lượng; số người biết sử dụng ngày càng ít hơn,...

TS. Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch để quảng bá các giá trị văn hóa, mang lại những lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương rất quan trọng, cần được triển khai trên cả nước.

Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ phát biểu tại Hội thảo

Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ cho biết: Hội thảo này là cơ hội để ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi xem xét, thảo luận và lắng nghe các đề xuất, kiến nghị giải pháp bảo tồn và phát triển mang tính toàn diện và thực tiễn, nhằm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cũng như giải pháp phát triển du lịch trong thời gian đến.

Đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Theo TS. Nguyễn Trùng Khánh, thời gian qua, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đã được khai thác để xây dựng thành những sản phẩm du lịch đặc sắc như nghệ thuật múa rối nước, ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên,… Một số chương trình nghệ thuật quy mô lớn như “Tinh hoa Bắc Bộ” được kênh truyền hình CNN xếp vào danh sách “nhất định phải xem” khi tới Hà Nội, các chương trình “Tinh hoa Việt Nam”, “Ký ức Hội An”, “Vũ điệu trên mây” in đậm dấu ấn Tây Bắc…

Những sản phẩm du lịch văn hóa này đã góp phần vào thành công chung của ngành du lịch Việt Nam. Đặc biệt, nhiều năm liền, tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (WTA), Việt Nam đã được vinh danh Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.

Một số mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã hình thành và hoạt động khá hiệu quả, như du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), du lịch cộng đồng của người Lự ở bản Thẳm (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)...

TS. Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, phân tích về nét đặc sắc đời sống văn hóa của các vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và cách mà người dân bản địa đang bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Bà Hoa cho biết, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê, đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đang được chính người H’rê bảo tồn, phục hồi, phát huy ở một số buôn làng, trong đó, tiêu biểu tại làng Teng (huyện Ba Tơ). Thông qua việc hỗ trợ dạy và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều thiếu nữ người H’rê ở làng Teng đã sáng tạo những bộ trang phục thổ cẩm được thiết kế cách tân nhưng vẫn toát lên nét tinh hoa đặc sắc văn hóa truyền thống.

Đáng chú ý, một trong số đó là Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Làng Gò Cỏ là một ngôi làng cổ của dân tộc Chăm, làng quê này từng có lớp cư dân cổ - chủ nhân nền văn hóa Sa Huỳnh (niên đại cách đây 2.500 - 3.000 năm). Đây là ngôi làng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Chăm được gìn giữ, bảo tồn.

Ngày 30/10/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

Trong đó, đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

 

Hải Yến

Xem thêm

4 5[6]
Top