Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 1 năm 2025  

Kinh tế vườn, mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững ở Bắc Giang

Thứ ba, ngày 10 tháng 12 năm 2024 | 9:0

Để thực hiện thành công Chương trình xoá đói giảm nghèo trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế vườn và liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi; tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững.

Làm VAC thoát nghèo

Năm 2024, tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế vườn, kinh tế trang trại – VAC được triển khai và nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Gia đình chị Ngô Thị Cậy ở thôn Tiên Lý, xã Yên Định (Sơn Động) thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Năm 2019, nhờ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như Hội Làm vườn, Trung tâm Khuyến nông, gia đình chị đầu tư cải tạo vườn trồng hơn 100 cây ổi Đài Loan.

Mô hình trồng ổi của gia đình chị Ngô Thị Cậy cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cây ổi nhanh chóng bén rễ, sinh trưởng tốt, sau hai năm đã cho thu hoạch quả. Chị Cậy nói: “Ổi là cây ngắn ngày, cho thu hoạch quanh năm, vốn đầu tư ít, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, không tốn  nhiều công chăm sóc, dễ tiêu thụ. Thời điểm này, hơn 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ổi của gia đình đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 4-5 tấn quả. Bán tại vườn với giá 17-20 nghìn đồng/kg, thu lãi 50-70 triệu đồng/năm. Đến năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Từng là hộ nghèo, nhờ nỗ lực của bản thân, bà Hoàng Thị Thanh ở thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn (Sơn Động) đã tìm đến những hộ có kinh nghiệm sản xuất vải thiều để học hỏi kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Được Hội Làm vườn, Hội Nông dân xã tập huấn kiến thức làm nông nghiệp, bà Thanh đã cải tạo gần 1 mẫu (1 mẫu = 10 sào Bắc Bộ = 3.600m2) vườn đồi trồng 50 cây vải thiều.

Từ những kiến thức có được, gia đình bà thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, nhất là chọn thời điểm tỉa cành, bón phân để cây ra hoa, đậu quả đúng thời vụ, cho năng suất cao. Nhờ đó, ngay từ vụ đầu thu hoạch, gia đình bà đã có lãi. Đến nay, diện tích canh tác vải thiều của gia đình được mở rộng gấp 6 lần với 300 cây vải.

Không những trồng vải thiều, bà Thanh còn nuôi 100 đàn ong mật dưới tán vải; đầu tư nuôi 1.000 con ngan thịt, xuất bán 3 lứa mỗi năm ra thị trường. Nhờ đa dạng cây trồng, vật nuôi, mỗi năm gia đình bà Thanh thu lãi 250-300 triệu đồng. 

Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng có chỗ đứng trên thị trường.

Liên kết tiêu thụ nông sản

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo mối liên kết bền chặt giữa nông dân và doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm.

Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn (Hiệp Hòa), thông qua mô hình liên kết, các thành viên trong HTX được cơ quan chuyên môn thường xuyên tập huấn tư vấn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ và liên kết sản xuất phát triển sản phẩm… Đến nay, HTX Thái Sơn có diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng hơn 60 ha, với sự tham gia của 646 hộ dân; sản lượng lúa nếp toàn xã đạt khoảng 250 tấn/năm, doanh thu 4,6 tỷ đồng/ha. Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, được tiêu thụ ở thị trường các tỉnh, thành phố như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Năm 2023, HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế  đưa dây chuyền tự động, cấp đông tế bào của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP) vào chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị. Trung bình mỗi tháng, chuỗi liên kết của HTX cung ứng cho thị trường 25-30 tấn gà lông, hơn 20 tấn gà thịt, giò gà, chả gà, xúc xích gà…, đều có gắn tem truy xuất nguồn gốc; tổng doanh thu đạt 7 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, còn phải kế đến một số mô hình như chăn nuôi lợn và chế biến của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (xã Danh Thắng) có quy mô 10 ha, doanh thu 42 tỷ đồng/năm; nuôi cá của HTX nuôi trồng thủy sản thôn Trung Sơn (xã Thái Sơn) có quy mô 10 ha, sản lượng 5 - 6 tấn/ha, doanh thu đạt 1,7 tỷ đồng/ha…

Nhiều mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng cây rau cần và chăn thả cá giống ở xã Hoàng Lương, quy mô 185 ha, với 1.600 hộ nông dân tham gia, sản lượng 130 - 150 tấn/ha, doanh thu 800 triệu đồng/ha; mô hình trồng rau sạch Châu Minh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, quy mô 4.000 m², doanh thu 300 triệu đồng/năm…

Phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi Yên Thế để xoá đói giảm nghèo. 

Giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho nông dân

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Làm vườn Bắc Giang, cho biết: Năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang và Hội Làm vườn Việt Nam, phong trào phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) , trang trại ở Bắc Giang đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hội viên, nông dân nỗ lực cải tạo vườn tạp, ao hoang, xây dựng  mô hình VAC và đưa các giống cây trồng - vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần tạo nên vùng hàng hóa có tính liên kết bền vững giữa các vùng.

Hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng phong trào thi đua làm kinh tế VACR, trang trại giỏi, cải tạo vườn tạp, ao hồ, thành hệ thống VACR thâm canh, chuyên canh, trang trại môi trường sinh thái, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, giá trị kinh tế lớn vào sản xuất kinh doanh. Tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, HTX, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung. Kinh tế vườn – VAC thực sự trở thành mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững ở Bắc Giang.

 Theo ông Mai Sơn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Hội Làm vườn đã tạo dựng một phong trào thi đua rộng khắp, phát triển nhiều mô hình kinh tế VAC, trang trại, HTX tiêu biểu, giúp hội viên, nông dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều địa phương trong tỉnh trở thành điểm sáng với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao như: Lục Ngạn, Yên Thế, Lục Nam... Những kết quả đạt được không chỉ góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân, mà còn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Sơn đề nghị, thời gian tới, Hội Làm vườn cần đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, vận động hội viên, nông dân tham gia HTX, gắn với phát triển du lịch sinh thái tại các vùng nông thôn. Hỗ trợ hội viên tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường; xây dựng sản phẩm OCOP; phát triển thương hiệu, bao bì, nhãn mác cho sản phẩm nông nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế. Phát động các phong trào thi đua làm VACR, kinh tế trang trại giỏi, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Nhân rộng các mô hình kinh tế VAC tiêu biểu, điển hình tiên tiến để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp…

Được biết, thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực vươn lên của người dân, nhiều năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của Bắc Giang giảm trên 1% mỗi năm; huyện nghèo Sơn Động giảm 5 - 6%; xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của vùng.

Bắc Giang đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,9%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm trên 4%; xã đặc biệt khó khăn giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, Bắc Giang đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác giảm nghèo; Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

 

Ngọc Thủy

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top