Cơ hội lớn
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại và có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và hàng năm vẫn phải nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Đây được coi là lợi thế của Việt Nam để mở rộng xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Nhật Bản.
Vụ trưởng Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn, nhu cầu cao gấp 10 lần thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với các sản phẩm nông - thủy sản, thực phẩm chế biến, trong khi lao động làm nông nghiệp ở Nhật đang giảm đi. Vì vậy, cơ hội để nông sản Việt thâm nhập vào thị trường Nhật Bản là rất lớn, đặc biệt là những loại nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật, có chất lượng cao và uy tín.
Theo ông Tuấn, từ năm 2014 đến nay, quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đã có những chuyển biến mang tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn thể hiện thông qua các cuộc đối thoại cấp cao.
Tiêu biểu là Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản lần thứ nhất (năm 2014) xác nhận thành lập tầm nhìn trung và dài hạn về thành lập chuỗi giá trị lương thực tại Việt Nam; Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản lần thứ hai (2015) tổ chức tại Tokyo đã chấp thuận và ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản giai đoạn 1 (2015-2019)”... Đối thoại cấp cao hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 (2020) tiếp tục ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2 (2020-2024) và hiện tại đang lên kế hoạch hành động cụ thể để xây dựng và triển khai Tầm nhìn hợp tác nông nghiệp giai đoạn tiếp theo 2025-2028.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại siêu thị Aeon Mall Long Biên (Hà Nội).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được đẩy mạnh trong năm thập kỷ qua. Trên cơ sở có nhiều điểm tương đồng (xuất phát điểm từ nền văn minh lúa nước, phần lớn dân số làm nông nghiệp, ruộng đất manh mún,…) cũng như nhận thấy có nhiều tiềm năng và lợi thế riêng, hai bên đã và đang không ngừng thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp.
Từ năm 2015, Bộ Nông nghiệp hai nước đã xây dựng Tầm nhìn Trung - Dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Trên cơ sở đó, hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước ngày càng thực sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Kim ngạch thương mại song phương về nông, lâm, thủy sản (NLTS) luôn tăng trưởng ổn định, cân bằng. Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu NLTS quan trọng của Việt Nam, chiếm khoảng 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS hằng năm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 năm qua đạt trung bình 6,35%/năm.
Đại diện các đơn vị ký Biên bản ghi nhớ về xúc tiến thương mại giữa Công ty TNHH Next Farm và Công ty CP Ameii Việt Nam. Ảnh: Thanh Tâm
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản cho thấy cơ cấu hàng hóa của hai nước phần nhiều mang tính bổ sung và không cạnh tranh. Hiện tại Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh các mặt hàng Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu cao như các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm chế biến.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là nền kinh tế lớn, nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn hạn chế nên vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới. Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến như: tôm, cá, thịt, rau quả tươi và chế biến, ngũ cốc, cà phê... Do đứt gãy nguồn cung ứng từ Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Nhật Bản đang có xu hướng tìm nguồn cung cấp thay thế và đa dạng hơn từ các nước khác. Khu vực được nhắm tới là các nước Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, những tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về nông nghiệp của Nhật Bản rất khắt khe, sự biến động của kinh tế thế giới, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trong nước đang tác động rất lớn tới thương mại nông sản toàn cầu; hay xung đột quân sự, cấm vận thương mại, nguy cơ dịch bệnh bùng phát… tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang là các thách thức đặt ra cho hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Điều này đòi hỏi hai nước phải có những nỗ lực hơn nữa trong việc đàm phán, xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi phù hợp, điều chỉnh quy trình sản xuất, công nghệ để tháo gỡ những khó khăn, thách thức này.
Tập trung những “mắt xích” quan trọng
Là doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii, cho biết, thị trường Nhật Bản thực sự còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, uy tín và là nơi góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân Việt Nam, chuyển từ cách làm ăn manh mún không theo tiêu chuẩn sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao.
“Nhật Bản là thị trường có nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe, khi chúng ta vượt qua được các rào cản đó thì mặc nhiên các thị trường khác sẽ công nhận sản phẩm của chúng ta, mở ra cơ hội bán hàng cho các thị trường khác.
Ngay sau khi ký kết hợp tác với Công ty TNHH Next Farm, chúng tôi sẽ xúc tiến các công việc để đưa nông sản Việt Nam lên kệ siêu thị ở Nhật Bản. Để làm được việc này, chúng tôi đang cùng bà con nông dân, HTX kiểm soát chặt chẽ các khâu trong sản xuất, đáp ứng các tiêu chí về dư lượng thuốc BVTV, mẫu mã và chất lượng”, ông Tiến nói.
Hiện Công ty CP Ameii xuất khẩu hơn 10 mặt hàng sang thị trường Nhật, trong đó chủ yếu là vải thiều, dừa tươi, sầu riêng, cà rốt…
Theo đại diện Công ty TNHH Next Farm, ở Nhật Bản, chuối được bán từng quả và có giá 1.000 Yên/quả. Ảnh: Thanh Tâm.
Đại diện Next Farm phía Nhật Bản cho biết, để các siêu thị Nhật thực sự mua hàng hợp đồng dài hạn thì phía cung cấp cần tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đơn cử như đối với sản phẩm chuối Việt Nam, cần rửa chuối đúng cách (tránh sâu bọ), phơi khô đúng cách (tránh nấm mốc), quấn đóng gói đúng cách (không bị rách)… Đây là những điều đương nhiên và phải làm cẩn thận để đảm bảo được chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, cần bảo vệ nguồn cung và số lượng ổn định. Đơn cử đối với sản phẩm chuối, bắt đầu xuất sang Nhật Bản từ tháng 1/2023 với 1 container 40ft mỗi tuần (tương đương 20 tấn x 52 tuần = 1040 tấn), tăng lên 4 container mỗi tuần từ tháng 7/2024 ( tương ứng 80 tấn x 52 tuần = 4160 tấn). Và khả năng sẽ tăng lên 6 container mỗi tuần từ tháng 1/2025, dự kiến vượt lên khoảng 8.000 tấn.
“Nếu thiếu dù chỉ một container, kế hoạch bán hàng của các siêu thị Nhật Bản sẽ ngay lập tức tìm nhà cung cấp mới thay thế đảm bảo số lượng và chất lượng ổn định”, đại diện Next Farm cho hay.
Đại diện Next Farm cũng cho biết, chúng tôi làm một trang trại chuối ở Nhật Bản và bán chuối với giá 1.000 Yên mỗi quả (một trong số ít ở Nhật Bản), chính vì thế giá trị sản xuất nông nghiệp/diện tích canh tác ở Nhật cao gấp 10 lần ở Việt Nam với khoảng 10.000USD/ha, trong khi giá trị này ở Việt Nam là khoảng 1.700 USD/ha. Trong khi đó, Việt Nam có diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 30 triệu hecta lớn hơn so với diện tích đất canh tác nông nghiệp của Nhật rất nhiều (Nhật có khoảng 4,3 triệu hecta đất canh tác nông nghiệp). Vì thế Việt Nam có tiềm năng mở rộng giá trị sản xuất nông nghiệp lên gấp 5 gấp 10 lần Nhật Bản nếu tận dụng hiệu quả tài nguyên nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự tâm đắc với cách thức sản xuất nông sản của nông dân nước Nhật và mong muốn nông sản Việt sẽ đạt được những tiêu chuẩn chất lượng cao, dưới sự giúp đỡ của chuyên gia nước bạn để ngày càng vươn xa.
Về các giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản bền vững, ông Nguyễn Khắc Tiến khẳng định, không riêng gì Ameii mà bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nào cũng phải ghi nhớ bài học cốt lõi, đó là mình muốn tham gia sân chơi lớn, muốn sản phẩm của mình đến được nhiều thị trường thì bắt buộc phải tuân thủ “luật chơi” của người ta, phải thực sự sẵn sàng trước khi bước vào “sân chơi” đó.
“Tất cả phải đi cùng nhau, nông dân, doanh nghiệp và các mắt xích trong chuỗi tùy vai trò của mình phải phát huy sự gắn kết hơn nữa. Đặc biệt các cơ quan báo chí cũng cần hỗ trợ truyền thông để đưa thương hiệu nông sản Việt Nam bay cao, bay xa hơn nữa”, ông Tiến nói.