Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  

Thay đổi phương thức canh tác, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp

Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 | 15:47

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng về tư duy của ngành lúa gạo đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Vì vậy, nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp… để phát triển bền vững.

Nhìn lại 1 năm thực hiện Đề án ở An Giang

Mới đây, UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang cho biết, năm 2024, Sở đã triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50 ha với tổng diện tích 900 ha tại 9 huyện thị thành và 04 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT với diện tích 52 ha tại 04 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn.

Năm 2024, An Giang có khoảng 20.609 ha sản xuất theo quy trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Tại huyện Phú Tân, Châu Phú đã triển khai 165 ha theo quy trình 01 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong vụ thu đông vừa qua. Song song với các mô hình, cũng đã triển khai 93 lớp tập huấn tuyên truyền về thực hiện các tiêu chí 1 triệu ha và 12 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo đúng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Kết quả tổng kết các mô hình cho thấy, đã giảm lượng giống trung bình 67 kg lúa giống/ha; Năng suất ruộng trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha; Chi phí sản xuất giảm trung bình 4.000.000 - 5.000.000 đồng/ha; Lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng 3.600.000-5.300.000 đồng/ha. Các mô hình điểm được thực hiện theo quy trình sản xuất 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao để làm cơ sở cho người sản xuất có cơ hội tham quan, học tập và làm theo, làm cơ sở để nhân rộng cho kế hoạch trong thời gian tới. Bước đầu, với những kết quả khả quan của mô hình điểm có tác động giúp nông dân thay đổi dần tập quán và tư duy trong việc sản xuất theo hướng bền vững và tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật sản xuất một cách chặt chẽ.

Đến nay, ngoài 1.117 ha diện tích mô hình được áp dụng triệt để theo các yêu cầu kỹ thuật của quy trình 01 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, toàn tỉnh còn ghi nhận diện tích cơ bản đạt theo quy trình là 7.419 ha/20.690 ha (đây là phần diện tích được phát triển từ dự án Vnsat đến cuối năm 2023 là 22.310 ha, các diện tích này đã đáp ứng các yêu cầu của quy trình 1 phải 5 giảm, trong số đó có 36 % diện tích đáp ứng chỉ tiêu thu gom rơm. Như vậy, tổng hợp chung diện tích áp dụng theo quy trình 01 triệu hecta năm 2024 đạt được 8.536 ha/20.609 ha, đạt 41,4% diện tích kế hoạch của năm 2024.

Mô hình Đề án một triệu héc-ta lúa đã mang lại hiệu quả cao.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua Agribank An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối tượng khách hàng, hỗ trợ tối đa, cùng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Tích cực triển khai nhiều sản phẩm tín dụng với nhiều ưu đãi về lãi suất và thời hạn cho vay linh hoạt phù hợp với từng nhu cầu sản xuất kinh doanh của khách hàng. Đến nay, dư nợ tín dụng đạt 18.553 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 80% dư nợ, đứng đầu toàn tỉnh về dư nợ cho vay.

Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, kế hoạch của tỉnh, năm 2024 sẽ có 20.609 héc-ta sản xuất theo quy trình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, kết quả đến nay đã triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50 héc-ta, với tổng diện tích 900 héc-ta tại 9 huyện/thị/thành và 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với diện tích 52 héc-ta tại 4 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn.

Tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp

Để nông dân tiếp cận mô hình, mạnh dạn thực hiện theo Đề án tại địa phương, vụ đông xuân 2024 – 2025, tỉnh An Giang sẽ triển khai 47 mô hình với diện tích là 526 héc-ta. Giải pháp thực hiện ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế tập thể nhằm huy động sức mạnh tổng hợp đẩy nhanh phát triển các tổ chức đại diện nông dân gắn với thực hiện liên kết sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Các đại biểu, nông dân tham quan thực tế mô hình “1 phải, 5 giảm” gắn với công nghệ sinh thái để nhân rộng diện tích thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện An Phú.

Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực kỹ năng, kiến thức về thị trường, chuyển đổi số, tư vấn hướng dẫn kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử,... cập nhật kiến thức chuyên môn phục vụ thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triêu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Xây dựng các mô hình áp dụng triệt để quy trình sản xuất lúa theo Đề án do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành; tập trung đầu tư trang bị cho các hợp tác xã/tổ hợp tác đảm bảo áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất làm tiền đề thúc đẩy, nhân rộng mô hình theo kế hoạch đề ra.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh chế biến xuất khẩu gạo cần vay vốn vay dài hạn cho đầu tư kho, silo chứa lúa gạo. Nhưng thời gian qua, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay dài hạn. Ðể đầu tư, doanh nghiệp buộc phải lấy vốn ngắn hạn chuyển sang. Ðiều này rất bất hợp lý, thiếu bền vững, nên doanh nghiệp rất cần ngân hàng cùng ngồi lại để tính toán, xem xét cho vay vốn theo nhu cầu của doanh nghiệp mới có thể nâng giá trị của toàn chuỗi lúa gạo.

Gạo Việt Nam có nhiều triển vọng xuất khẩu ra thế giới, nhưng đang phát triển không bền vững. Vì vậy, nếu triển khai hiệu quả Ðề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Ðồng bằng Sông Cửu Long theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ giải quyết được rất nhiều thách thức cho ngành lúa gạo. Ðiều kiện tiên quyết để thực hiện là ngoài liên kết các nhà thì cần vốn đầu tư chuỗi liên kết trong Ðề án 1 triệu ha lúa này. Hợp tác xã và doanh nghiệp cần vay vốn để thanh toán các vật tư đầu vào cho nông dân (lúa giống, phân thuốc…), đồng thời xây dựng kho chứa, các silo. Thiếu tiền ai thì được chứ không thể thiếu tiền nông dân, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Hoàng Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới, Agribank An Giang tiếp tục điều hành kế hoạch kinh doanh, hoạt động tín dụng và huy động vốn trên cơ sở triển khai có hiệu quả cơ chế quản lý vốn tập trung một cách toàn diện. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm trong mục tiêu hướng tới phát triển bền vững; tiếp tục đồng hành với địa phương thúc đẩy tăng trưởng tín dụng lĩnh vực thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Tập trung thẩm định cho vay chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - lưu trữ - tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm lúa gạo chất lượng cao.

Nông dân huyện An Phú (An Giang) tích cực tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” là cuộc cách mạng về tư duy của ngành lúa gạo đối với ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng trước những thách thức về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, đất đai ngày bị chai cứng do sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, nông dân cần thay đổi phương thức canh tác, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thương hiệu lúa gạo an toàn, phát thải thấp… để phát triển bền vững.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, phát triển nông nghiệp bền vững không thể chỉ chú trọng vào năng suất và sản lượng mà cần hướng đến giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo. Đồng thời đảm bảo môi trường và sức khỏe nông dân. Đề nghị các cấp chính quyền, doanh nghiệp và HTX phải đồng hành cùng nông dân; nâng cao năng lực của người nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông, phổ biến kỹ thuật canh tác chính xác và hiệu quả; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp chính xác. Các mô hình sản xuất lúa giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phát thải; nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và giá trị hạt lúa cần được nhân rộng. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí mà còn bảo vệ môi trường, cải thiện sức khỏe đất và đa dạng sinh học.

Quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo phải dựa trên hệ sinh thái liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. Chính quyền và các cấp ủy cần sát cánh, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn kịp thời, từ đó tạo niềm tin và sự gắn bó của người nông dân với chuỗi sản xuất. Các tài liệu kỹ thuật khuyến nông cần được trình bày dễ hiểu, trực quan để bà con áp dụng hiệu quả.

Tổng hợp từ nguồn: mard.gov.vn; Thitruongtaichinhtiente.

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top