Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024  

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Tăng giá trị và bảo vệ môi trường

Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024 | 10:41

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030”. Kế hoạch này được triển khai sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp tăng giá trị và môi trường sẽ được bảo vệ.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tạo lợi ích kép

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là việc áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một dạng nông nghiệp sinh thái.

Chăm sóc dưa lưới - mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn tại xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Hiện nay, có rất nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được áp dụng và triển khai, đối với nông nghiệp Thủ đô, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, trong đó giá trị của các sản phẩm nông nghiệp sản xuất từ kinh tế tuần hoàn cho giá trị kinh tế rất cao, có thể nói kinh tế tuần hoàn đã mang lại cho người nông dân những “lợi ích kép”.

Mô hình cấy lúa tuần hoàn gắn với khai thác, nuôi cua, cá... đạt giá trị cao, thậm chí cao hơn cả thu hoạch từ lúa đang được nông dân ở xã Hợp Tiến (Mỹ Đức) triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí cao hơn rất nhiều lần từ trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) cho biết, mô hình cấy lúa tuần hoàn gắn với khai thác, nuôi cua, cá... đạt giá trị cao, thậm chí cao hơn cả thu hoạch từ lúa đang được nhiều hộ nông dân ở đây áp dụng. Thực tế cho thấy, nếu hộ dân gieo cấy vài sào ruộng thì một vụ sẽ thu được ít nhất từ 10-20kg cua, 5-10kg cá rô đồng, 10kg chạch đồng. Với mức giá bán ra như hiện nay là hơn 100.000 đồng/kg, nguồn nuôi trồng này đã mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân.

Bà Đặng Thị Tươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội cho biết nông nghiệp tuần hoàn trên thực tế đã tồn tại gần 20 năm qua tại địa phương với hàng nghìn mô hình từ quy mô nông hộ đến trang trại trong hệ thống canh tác: Vườn-ao- chuồng (VAC), xen canh, gối vụ...Trong số đó, chất thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt; phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Canh tác bằng kinh tế tuần hoàn vừa đảm bảo dinh dưỡng đồng thời cũng thích ứng được với biến đổi khí hậu đang ngày một bất thường như hiện nay.

Tiến sĩ Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp.

Theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam “Kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững, của kinh tế xanh. Chính vì vậy, chúng ta không nên tách bạch nhiều quá. Kinh tế tuần hoàn là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn. Các mô hình này không bị trói buộc bởi một khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc cho mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là rào cản khiến cho tính lan tỏa hạn chế…”.

Xây dựng thị trường nông sản tuần hoàn

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh tế tuần hoàn nông nghiệp nói riêng đang là xu thế phát triển mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả cao, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi - trồng trọt - thủy sản. Mặc dù kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện đã lâu, nhưng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Hà Nội dù xuất hiện đã lâu song đến nay mới hoạt động ở mức nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bài bản để có thể nhân rộng...

Xây dựng thị trường nông sản tuần hoàn

Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa các tác nhân trong mô hình kinh tế tuần hoàn còn yếu. Trong khi đó, việc nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến, đầu tư cho khoa học, công nghệ, nhân lực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn chưa được quan tâm đúng mức…

Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 358/KH-UBND về triển khai thực hiện “Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030”. Hà Nội đặt mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn). Đến năm 2030, thành phố phấn đấu có ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao nhằm phục vụ kinh tế tuần hoàn, đồng thời xây dựng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn. Về lâu dài, Hà Nội hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường…

Để kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở đang kết nối các doanh nghiệp triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi phục vụ trồng trọt, tạo vòng tuần hoàn khép kín tại huyện Ba Vì. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tổ chức đánh giá, nghiên cứu khả năng nhân rộng tới nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.

Sở cũng sẽ tập trung giới thiệu, chuyển giao sản phẩm khoa học - công nghệ để doanh nghiệp và người dân ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, chu trình khép kín tại tất cả lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp...); xác định thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp…

Theo PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hiệu quả, thành phố cần đưa ra chính sách phát triển và nhân rộng các mô hình nông trại sản xuất tuần hoàn ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng như hỗ trợ về giá và tăng cường tiếp thị quảng cáo trong tiêu thụ các sản phẩm xanh. Hà Nội nên chọn lọc và cân nhắc những dự án thiếu tính thân thiện với môi trường; đồng thời, khuyến khích những dự án đầu tư xanh.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top