Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024  

Hà Nội: Quyết liệt giải pháp "hồi sinh" các dòng sông

Thứ tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024 | 16:22

Sau nhiều năm Hà Nội lên kế hoạch hồi sinh các sông bị ô nhiễm tuy nhiên hiện nay các con sông này phần lớn vẫn ô nhiễm nặng. Theo các chuyên gia môi trường, sông ngòi, Hà Nội cần có các biện pháp quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để công cuộc hồi sinh các dòng sông chết hiệu quả hơn thời gian tới.

Nguyên nhân từ đâu?

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi ngày khu vực Hà Nội có khoảng 350.000-400.000m3 nước thải sinh hoạt và hơn 1.000m3 rác thải, trong đó chỉ có 10% được xử lý, số còn lại đều đổ thẳng vào các ao hồ, sông ngòi.

Một nguyên nhân khác theo PGS, TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, vai trò thoát nước của hệ thống 4 sông nội đô luôn rất quan trọng, nhưng thực trạng ô nhiễm đã và đang ở mức báo động. Quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đô thị hóa, sức ép dân số cơ học trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng tăng, dẫn đến các vấn đề và thách thức trong việc quản lý hệ thống sông nội đô.

Khi các dòng sông ô nhiễm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, mỹ quan đô thị, tiêu thoát nước của thành phố. Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Thái, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Các dòng sông chính của một đô thị bị ô nhiễm nặng như ở Hà Nội gây ra nhiều tác động tiêu cực phải kể tới như:

Đầu tiên là mỹ quan đô thị, đặc biệt là mỹ quan dọc 2 bên sông dẫn đến lưu lượng người di chuyển và sinh sống xung quanh những khu vực mà các dòng sông này chảy qua hạn chế; Màu nước đen kịt quanh năm làm chất lượng mảng xanh đô thị giảm đáng kể.

iện nay, hàng trăm cống xả đang xả thải trực tiếp ra dòng sông Tô Lịch và các dòng sông chảy giữa lòng Hà Nội gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Triệu Huyền

Quá trình bốc mùi của dòng sông “chết” làm ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến bầu không khí và sức khoẻ của người dân dọc 2 bên bờ sông. Điều này có thể thấy rõ những ngày thời tiết nắng nóng hoặc có gió. TS Lê Xuân Thái nói thêm: “Do sông bị ô nhiễm nên nước sông thường có màu đen, BOD, COD, ... đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Hạn chế (gần như bằng 0) khả năng hoà tan oxy (DO) dẫn đến khả năng điều hoà không khí xung quanh hay hấp thụ khí CO2 là không có khả năng”.

Các dòng sông bị ô nhiễm từ rác thải đô thị, đặc biệt là rác thải nhựa gây nên dẫn đến hạn chế rất nhiều tốc độ dòng chảy của sông, làm các vật chất ô nhiễm tích tụ tại một điểm như 1 chất xúc tác cho quá trình phân hủy kị khí (yếm khí) tăng lên dẫn đến gia tăng tốc độ và cường độ ô nhiễm các dòng sông này.

Phú Xuyên giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ

Sông Nhuệ là một con sông nhỏ, lấy nước từ sông Hồng qua cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) và kết thúc tại cống Phủ Lý khi hợp lưu vào sông Đáy gần thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Những năm gần đây, sông Nhuệ đang bị bồi lắng và ô nhiễm rất nặng do nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý được xả thải trực tiếp vào các lưu vực của con sông này.

Trước vấn đề ô nhiễm sông Nhuệ, cử tri thành phố Hà Nội đã liên tục có ý kiến đề nghị thành phố quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, đầu tư hạ tầng hai bên bờ sông và có biện pháp thu gom nước thải sinh hoạt, không để xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ như hiện nay. Nhằm ngăn chặn, hạn chế việc xả nước thải ra sông Nhuệ, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận và các đơn vị, sở, ngành liên quan tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn đến các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng chỉ đạo giao các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với UBND quận, huyện liên quan triển khai thực hiện các Dự án: Cải tạo chất lượng nước các ao, hồ nội thành tại các tiểu vùng đô thị thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Nạo vét sông Nhuệ, chỉnh trang sông Nhuệ đoạn Hà Đông – Liên Mạc; Xây dựng trạm bơm Liên Mạc (giai đoạn 1 trong cụm công trình gồm: Cống, trạm bơm Liên Mạc); Dự án xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ - Giai đoạn I; Dự án Xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông; Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ; Dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ.

Để chung tay bảo vệ môi trường sông Nhuệ, những ngày giữa tháng 12/2024, UBND huyện Phú Xuyên phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng cán bộ và nhân dân ra quân tổng vệ sinh môi trường ven tuyến sông Nhuệ đi qua địa bàn 10 xã nhằm bảo vệ môi trường…

Mục đích của đợt ra quân nhằm thực hiện phát quang, thu dọn làm sạch hai bên bờ sông Nhuệ với chiều dài 31km, diện tích làm sạch 150.000m2, khối lượng thu dọn khoảng 60 tấn rác thải.

Đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường dịp cuối năm năm 2024 nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia của đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân các xã, thị trấn, hội viên các tổ chức hội, đoàn thể, đoàn viên, thanh niên, học sinh và người dân trên địa bàn. Đây là một trong những hoạt động thường niên của cán bộ và nhân dân trên toàn địa bàn huyện Phú Xuyên đã được tổ chức trong nhiều năm qua và duy trì thường xuyên vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần.

Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Phong trào toàn dân chung tay giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trên địa bàn các khu dân cư được UBND huyện và các xã, thị trấn phát động tạo sức lan tỏa trong toàn huyện. Hoạt động này đã giúp thay đổi ý thức, nhận thức của cán bộ và Nhân dân với mục đích triển khai, thực hiện tổng vệ sinh hàng ngày, làm sạch đẹp đường làng, ngõ xóm, khu dân cư và các địa điểm công cộng.

Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân đổ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại gia đình. MTTQ và đoàn thể, các đơn vị ở thôn, khu dân cư huy động tối đa lực lượng tổ chức ra quân thực hiện việc quét dọn, thu gom, xử lý rác thải ở khu vực công cộng.

Đồng thời, làm sạch các tuyến đường giao thông ở các thôn, xóm, khu dân cư với tinh thần địa bàn thôn nào huy động lực lượng thôn xóm ấy, lấy đoàn thanh niên, phụ nữ là nòng cốt trong quá trình triển khai thực hiện.

Những ngày đầu ra quân, các lực lượng tham gia chương trình cùng nhân viên Công ty Môi trường đô thị quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải ven tuyến sông Nhuệ qua địa bàn 10 xã: Hồng Minh, Phượng Dực, Văn Hoàng, Tri Trung, Hoàng Long, Chuyên Mỹ, Tân Dân, Vân Từ, Phú Yên, Châu Can.

UBND huyện huy động hàng chục máy xúc với 700 người tham gia cùng nhiều xe thu gom rác thải, công đựng rác thải và từng bước thu gom rác thải, phát quang bụi dậm, làm sạch môi trường hai bên bờ sông Nhuệ qua địa bàn huyện với sự vào cuộc đông đảo của người dân địa phương. Việc làm này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Ngăn chặn nguồn nước thải

UBND Thành phố Hà Nội cho biết, công tác cải thiện chất lượng nước sông, đặc biệt là các quận nội đô của Thủ đô đã được thành phố quan tâm và chỉ đạo các sở, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố nghiên cứu các giải pháp trước mắt và lâu dài để thực hiện tại Thông báo số 218/TB-VP ngày 20-5-2022 về tình hình triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, thực trạng xả thải ra các con sông và giải pháp thu gom xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét...

Một số dự án đã, đang được thực hiện để góp phần cải thiện ô nhiễm như dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường giai đoạn 1 và giai đoạn 2, bao gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực nội thành, cải tạo kè và công trình hạ tầng kỹ thuật dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; cải tạo nạo vét hồ nội thành; các nhà máy xử lý nước thải đầu tư, đưa vào vận hành: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000m3/ngày-đêm); dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày-đêm).

Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải theo quy hoạch và giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”.

Việc hồi sinh các dòng sông ô nhiễm ở Hà Nội nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến, đề xuất của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý. GS, TS Trần Đức Hạ - Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam cho biết, đặc điểm thoát nước của TP Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, cho nên đối tượng xả thải dọc 4 sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải. Do vậy cần phải tạo dòng chảy cho các dòng sông này bằng cách bổ sung nước sạch, đưa chúng về đúng chức năng thoát nước mưa. Bổ cập nguồn nước sạch từ sông Hồng để bảo đảm dòng chảy tự nhiên, làm cân bằng hệ sinh thái đồng thời cấp nước nông nghiệp vào mùa khô cho khu vực phía đông Hà Nội.

PGS TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho biết, để hồi sinh các dòng sông chết, không có cách nào khác là phải chặn nguồn nước thải. Nói đúng hơn là phải kiểm soát, xử lý nguồn thải trước khi đổ vào sông. Lượng nước thải khắp nơi hằng ngày vẫn đổ vào các con sông trong nội đô thì tình trạng ô nhiễm sẽ không những được cải thiện mà ngày một ô nhiễm trầm trọng hơn.

Nguyên tắc xử lý ô nhiễm các dòng sông chết là bắt buộc nước phải qua xử lý mới được đưa ra sông. Về mùa cạn thì phải dùng hệ thống bơm để tạo nguồn, tạo dòng chảy, tránh tình trạng lòng sông bị bồi lắng.

Trước đây cũng có một số nhà khoa học nghiên cứu đề xuất làm mấy con đập nâng mực nước sông Hồng, sông Đuống tạo nguồn cho sông đang bị ô nhiễm, tuy nhiên phương án này cần phải xem xét kỹ lưỡng. Xây đập để dâng nước có thể làm tắc nghẽn dòng sông, cản trở giao thông thủy, dòng chảy bị thay đổi thì rất nguy hiểm.

Để xử lý ô nhiễm môi trường dòng sông thì không chỉ đầu tư hạ tầng mà còn đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tất cả nước thải phải được xử lý trước khi đưa ra sông.

PGS TS Đào Trọng Tứ đặc biệt nhấn mạnh, nếu chỉ làm theo kiểu đối phó, nửa vời, Hà Nội sẽ không thể cải tạo, hồi sinh được các dòng sông bị ô nhiễm. Hà Nội cần huy động mọi nguồn lực xã hội, chính quyền, người dân và các tổ chức quốc tế để việc phục hồi các dòng sông chết hiệu quả hơn.

Cùng chung quan điểm với PGS TS Đào Trọng Tứ, để làm giảm ô nhiễm của các dòng sông nội đô cần ngăn chặn nguồn nước thải ra sông, TS Lê Xuân Thái bày tỏ: Về vấn đề này, một trong những nhiệm vụ quan trọng là chúng ta phải tách được các dòng chảy của nước thải đô thị (bao gồm cả nước thải sinh hoạt) vào hệ thống xử lý nước chung của Thành phố. Còn các dòng sông, ao, hồ chỉ chứa nước mưa chảy tràn của đô thị, kết hợp với các biện pháp xử lý đáy hồ, ao, sông cũng như 2 bên bờ để tiến tới tăng cường đa dạng sinh học cho diện tích mặt nước sông.

Cải tạo, hồi sinh các dòng sông ô nhiễm ở nội thành Hà Nội không phải là bài toán một sớm, một chiều, nhiều chuyên gia cho rằng, trước tiên cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực: Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông;...

Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn, trạm xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, làng nghề bảo đảm chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Việc đưa vào vận hành thử nghiệm nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong tháng 6 tới đây được kỳ vọng sẽ xử lý nguồn nước thải xả ra các dòng sông ở Hà Nội hiệu quả hơn. Từ đó, việc hồi sinh các dòng sông chết cũng nhanh hơn và được kỳ vọng các dòng sông sẽ sớm trong xanh trở lại, cá có thể bơi lội trong lòng những dòng sông.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Baotainguyenmoitruong, Moitruong, Nongnghiep...)

Xem thêm

4[5] 6
Top