Nổi bật hoa treo
Hộ ông Nguyễn Minh Tài (thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) đang chăm sóc 3.000 chậu hoa treo, nhiều nhất là dạ yến thảo, 500 chậu hoa thược dược, 500 chậu hoa vạn thọ. Đến nay, dạ yến thảo của ông Tài được trồng hơn 1 tháng, dự kiến gần 2 tháng nữa là xuất bán đúng dịp Tết.
Thời gian qua, ông Tài nhận thấy thị trường ưa chuộng các loại hoa treo, nhất là dạ yến thảo nên tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm và trồng đại trà.
Ông Nguyễn Minh Tài chăm sóc hoa treo dạ yến thảo. Ảnh: Q.VIỆT
Theo ông Tài, dạ yến thảo rất khó trồng, khó chăm sóc nên phải đầu tư nhà vườn phủ bạt diện tích 1.000m2 để che mưa, che nắng, tránh tác động xấu của thời tiết. Đầu tư nhà vườn phủ bạt và túc trực thường xuyên chăm sóc hoa nên tin tưởng thành công ở vụ Tết sắp tới.
Ở xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), hộ ông Nguyễn Hữu Cả đang trồng 4.000 chậu hoa treo dạ yến thảo, 1.500 chậu cúc đại đóa, 2.000 chậu hoa trạng nguyên, 500 chậu hoa thược dược. Theo ông Cả, thời tiết cuối năm hay thất thường nên bắt buộc phải phủ bạt cho nhà vườn trồng hoa treo.
“Tôi tính toán tất cả chi phí đầu tư cho một chậu hoa treo dạ yến thảo hơn 20 nghìn đồng. Nếu bán theo giá thông thường là 50 nghìn đồng/chậu thì sẽ có lãi khá. Nhờ có nhà vườn phủ bạt nên tôi khống chế được tác động xấu của thời tiết. Dù cho nắng kéo dài hay rét lạnh thường xuyên thì hoa vẫn sẽ không nở sớm hay nở muộn” - ông Cả nói.
Nhà vườn Quảng Nam đầu tư lớn cho hoa treo. Ảnh: Q.VIỆT
Phường Cẩm Châu là địa phương có số lượng người dân trồng hoa treo nhiều nhất TP.Hội An. Ngoài dạ yến thảo, còn có hoa mõm sói, hương tuyết cầu, thanh tú, hoa cúc sao băng, dừa cạn, bướm đêm, phong lữ thảo…
Ông Nguyễn Thanh Quang (khối phố Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) đang trồng 4.000 chậu hoa treo các loại cho biết, hoa treo “khó tính” nhưng được thị trường quan tâm.
Đến nay, ông Quang đã được nhiều thương lái đặt cọc mua hoa treo bán Tết. Đến thời điểm này các loại hoa treo sinh trưởng theo kế hoạch. Mong vụ hoa Tết này đạt để có vốn đầu tư lớn hơn cho các loại hoa treo thời gian đến.
Các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh
Quật là cây cảnh chủ lực của nông dân TP.Hội An nhiều năm qua. Cây quật được chính quyền địa phương quy hoạch, phân bổ theo vùng chuyên canh thuộc phường Tân An, Thanh Hà, lớn nhất là xã Cẩm Hà. Cây quật Tết thu hút hơn 1.000 hộ dân các thôn Đồng Nà, Trảng Suối… (xã Cẩm Hà) trồng vụ Tết.
Mỗi năm địa phương cung ứng ra thị trường hơn 6.000 chậu quật. Hiện, các nhà vườn xã Cẩm Hà đang dưỡng cây quật rồi thúc cho trái chín vàng, sung lộc để bán giá tốt nhất.
Để đẩy mạnh nghề trồng quật Tết gắn với thị trường tiêu thụ cả nước, mỗi năm UBND xã Cẩm Hà đều tổ chức lễ hội quật tết với sự tham gia của đông đảo nhà vườn và du khách trong, ngoài nước.
Lễ hội đã quảng bá thương hiệu quật Tết Cẩm Hà nên thương lái các tỉnh Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định… đều đến đặt cọc mua quật Tết trước vài tháng.
Ở TP.Tam Kỳ chỉ có một vùng chuyên canh trồng hoa là Trường Xuân. Nơi đây tập hợp các nhà vườn trồng chủ yếu các loại hoa treo. Nhờ xây dựng thương hiệu nên hoa treo Trường Xuân khẳng định được vị thế, được thị trường đón nhận.
Các hộ trồng hoa ở đây cho biết, chủ yếu mua các loại giống hoa treo như cúc nữ hoàng, cẩm tú mai, dạ yến thảo, phong lữ thảo, triệu chuông… từ Đà Lạt về gieo trồng để phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết của người dân.
Để có hoa nở đẹp thì ngoài giống và cách chăm sóc, lựa chọn chất đất để trồng cũng rất quan trọng. Đất trồng các loại hoa treo phải sạch, được trộn ủ kỹ từ đầu năm với các loại thuốc phòng trừ nấm và phân chuồng để tạo dinh dưỡng, sau đó mới đem trồng.
Hoa cúc được trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.VIỆT
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hình thành các vùng chuyên canh trồng hoa, cây cảnh là bước phát triển lớn của các nhà vườn trên địa bàn tỉnh.
Quảng Nam sẽ khảo sát để cơ cấu các vùng chuyên canh hoa theo hướng phát huy tối đa lợi thế từng địa phương, khu vực, năng lực sản xuất của người dân; đồng thời bố trí sử dụng hợp lý công nghệ nhà kính đảm bảo cảnh quan đô thị, nông thôn hướng đến phát triển bền vững.
Định hướng của tỉnh là sản xuất hoa, cây cảnh gắn với thị trường, hoàn thiện chuỗi giá trị, gắn kết các vùng chuyên canh theo nguyên tắc cùng chia sẻ lợi ích, phối hợp giảm thiểu dịch bệnh, tác hại của thời tiết. Đó là hướng sản xuất hàng hóa lớn nhằm kỳ vọng lớn nhuận cao cho nông dân, khai phá tiềm năng trồng hoa, cây cảnh toàn tỉnh.