Vợ chồng ông Vũ Quang Hiệu (trú thôn Bình Ngọc, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) chăm sóc vườn quất cảnh chuẩn bị bán Tết. Ảnh: Nam Hồng
Xã Quỳnh Hồng có 10 thôn, trong đó 4 thôn (Bình Ngọc, La Vân 1, La Vân 2, La Vân 3) là những thôn có truyền thống trồng hoa, cây cảnh với tổng diện tích trên 40 ha.
Những năm qua, tận dụng thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, địa phương chủ trương nhân rộng và vận động nhân dân phát triển mô hình này.
Năm nay, sau ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, tưởng như người trồng hoa, cây cảnh của xã mất trắng, song cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo Hợp Tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người trồng kỹ thuật, cách chăm sóc để phục hồi sau bão.
Những ngày này, tại làng hoa, cây cảnh xã Quỳnh Hồng, các hộ dân đang tất bật thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoa nở đúng dịp, cây cảnh đẹp nhất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường Tết.
Gia đình ông Vũ Quang Hiệu (trú thôn Bình Ngọc) có hơn 30 năm trồng cây cảnh. Năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng, vợ chồng ông luôn có mặt từ sáng sớm để chăm sóc vườn đào, vườn quất cảnh và chờ khách đặt hàng.
Ông Hiệu cho biết: "Năm nay, do ảnh hưởng của bão, cây cối phát triển kém, nhưng nghĩ tới công sức bỏ ra cả năm lại mất không, những người trồng như chúng tôi cố gắng chăm sóc. May mắn, sau bão, cây phát triển tốt và đã cho thành quả. Đến thời điểm này, toàn bộ 400 gốc quất của gia đình tôi phát triển xanh tốt, tán đẹp, quả to, đều, gia đình đã bán buôn 200 gốc cho khách, còn 200 gốc để bán lẻ".
Với 200 gốc đào, nhờ kỹ thuật chăm sóc, tuốt lá đúng thời điểm nên đang bật chồi, nảy nụ, gia đình ông Hiệu chỉ mong thời tiết ủng hộ để đào nở đúng dịp Tết.
Năm nay, ảnh hưởng của mưa bão, ngập úng và nhiều nguyên nhân nên giá quất cảnh có cao hơn so với mọi năm. Trung bình 1 cây quất có giá từ 600.000 - 700.000 đồng, cây đẹp có giá từ 1 - 2 triệu đồng, so với năm 2023 giá cao hơn từ 200.000 - 300.000 đồng/cây.
Trừ chi phí, mỗi vườn đào, quất cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng, có sào lên đến 80 - 90 triệu đồng giúp chúng gia đình ông Hiệu có nguồn thu nhập ổn định.
Tại các thôn của làng hoa La Vân, xã Quỳnh Hồng, thời điểm này, các hộ trồng hoa cũng đang tất bật chuẩn bị những công đoạn cuối cho vườn hoa của mình nở đúng dịp.
Năm nay, gia đình chị Phạm Thị Yến (trú thôn La Vân 1) trồng 3 sào hoa cúc mâm xôi và cúc pha lê. Bão số 3 khiến 2 sào cúc mâm xôi phát triển kém, hoa nở không đẹp như mọi năm.
Chị Yến tỉ mỉ chăm chút từng cây hoa cúc của gia đình. Ảnh: Nam Hồng
May mắn sau bão, chị Yến trồng được 1 sào cúc pha lê, cây phát triển tốt. Thời điểm này, chị tập trung chăm sóc để bông to, hoa nở đúng dịp tết.
"Những người trồng hoa chỉ trông chờ vào dịp Tết. Lúc mới trồng, gặp mưa bão, cây phát triển kém, song tôi vẫn cố gắng chăm sóc. Đến nay, cây đang cho nhiều nụ. Còn 1 tháng nữa là đến Tết, nếu thời tiết ủng hộ, giá cả ổn định thì gia đình tôi sẽ có một cái Tết tươm tất", chị Yến cho hay.
Theo ông Vũ Đăng Đông - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng: "So với các cây trồng khác, trồng hoa và cây cảnh có giá trị kinh tế cao hơn. Do vậy, người dân trong xã luôn gắn bó với nghề.
Năm nay, do ảnh hưởng của bão, các khu vực trồng hoa, cây cảnh đều bị ảnh hưởng, song bà con vẫn cố gắng chăm sóc. Đến thời điểm này, nhìn chung, hoa, cây cảnh tại các thôn đều đẹp, khách đến đặt hàng đông. Theo tính toán, trừ tất cả chi phí, thu nhập đạt từ 60 -100 triệu đồng trở lên cho một sào thâm canh hoa màu. Nhờ đó mà kinh tế của các hộ khá ổn định".