Như “đôi mắt” luôn canh gác cho rừng, người đàn ông ấy không rời mắt khỏi từng góc tràm, từng mảng xanh nơi Vườn Quốc gia Tràm Chim. “Giữ mảng xanh cho Sếu đầu đỏ”, tâm niệm ấy đã níu ông lại với công việc giữ rừng suốt hơn 30 năm qua.
>> Bài 1: Để Sếu đầu đỏ về sống quanh năm
>> Bài 2: Phát triển lúa sinh thái góp phần bảo tồn Sếu đầu đỏ
Lái chiếc tắc ráng (còn gọi là vỏ lãi, một loại thuyền có hình dáng lạ mắt, tốc độ di chuyển nhanh, chỉ thấy phổ biến trên vùng sông nước Tây Nam Bộ) điêu luyện chẳng khắc gì đang chạy chiếc Honda bon bon trên đường, ông Đỗ Minh Chánh (59 tuổi, tham gia lực lượng Phòng cháy chữa cháy của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) tươi cười đưa du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng tràm bạt ngàn - khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.
Ông Đỗ Minh Chánh lái chiếc tắc ráng đưa chúng tôi đến trạm Quyết Thắng, thuộc khu A 4, Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Tham gia bảo vệ rừng từ những năm 1993, đôi mắt ấy không rời Tràm Chim một giây phút nào. Nặng lòng với rừng bao nhiêu, ông Chánh càng nặng lòng với Sếu đầu đỏ bấy nhiêu, cũng bởi ở Tràm Chim những năm gần đây dần vắng bóng loài sếu quý hiếm, nằm trong sách đỏ của Liên đoàn các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). “Tôi mong được gặp lại những người bạn Sếu” - ông Chánh bộc bạch.
Mảng xanh giữ sếu
Ở trạm Quyết Thắng (thuộc khu A 4, Vườn Quốc gia Tràm Chim), ông Chánh cùng anh em luôn dõi theo đài quan sát trên cao, phóng tầm mắt ra phía xa để quan sát, không để rừng phải chịu bất kỳ mối đe dọa nào, đặc biệt nhanh chóng phát hiện báo tin mừng mỗi lần Sếu đầu đỏ di cư về lại Tràm Chim.
Ông nhớ lại vào những năm đầu 1990, số lượng Sếu đầu đỏ về Tràm Chim có lúc lên đến hàng ngàn con. Năm nào sếu về, ông Chánh cũng được gặp Sếu. Vẻ đẹp của loài Sếu quý hiếm này khiến những người gắn bó với Tràm Chim như ông Chánh cùng những người dân Tam Nông mê mẩn.
Ông chia sẻ, trong hành trình di cư, Sếu đầu đỏ thường về Tràm Chim khoảng đầu tháng 01 dương lịch. Thế nhưng từ sau năm 2001, số lượng Sếu về đây thưa dần khiến những người gắn bó với Sếu, với Vườn Quốc gia Tràm Chim như ông Chánh không khỏi buồn và hụt hẫng hệt như chia tay một người bạn mà chẳng biết bao giờ đoàn tụ.
“Tôi chỉ lo sợ con cháu đời sau không còn được biết về loài sếu đẹp và quý hiếm này” - ông Chánh trăn trở.
Ông Đỗ Minh Chánh luôn dõi mắt ra nơi từng có hàng ngàn cá thể sếu đến kiếm ăn.
Trong hai năm 2017 - 2018, Sếu đầu đỏ quay lại Tràm Chim nhưng chỉ cư ngụ thoáng chốc rồi đi. Đến năm 2019, những cá thể Sếu đầu đỏ lại về Tràm Chim. Năm 2020, Sếu không về Tràm Chim. Đến năm 2021, 03 con Sếu đầu đỏ di cư trở về, nhưng rồi vắng bóng suốt 02 năm sau đó. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2024, có 04 Sếu đầu đỏ di cư trở về.
“Tới thời kỳ Sếu về là bắt đầu nghe những tiếng kêu na ná Sếu. Dạo đầu tôi buộc phải chạy lên đài cao để kiểm tra coi có phải là con Sếu tiền trạm về để dẫn nguyên đàn về hay không. Nôn nao lắm rồi” - ông Chánh giãi bày.
Niềm vui đoàn tụ cùng tri kỷ chưa kéo dài bao lâu đã lại chia xa khiến ông Chánh luôn ngóng trông một ngày nào đó đàn Sếu sẽ chọn Tràm Chim làm bến đậu yên bình. Phải làm sao để Sếu trở về, phải làm sao để cuộc gặp gỡ này không chỉ là niềm hạnh phúc ngắn ngủi mà thực sự trở thành hành trình cùng chung sống lâu dài giữa sếu và người - đó là những điều mà những người giữ rừng, giữ Vườn Quốc gia Tràm Chim như ông Chánh luôn canh cánh khôn nguôi.
Mong hội ngộ cùng tri kỷ
Khi biết tin UBND tỉnh Đồng Tháp đang cùng các đơn vị triển khai Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032 để đón những cánh sếu về lại Tràm Chim, ông Chánh không giấu được vui mừng.
Bãi năng kim khu A4 đã được phục hồi xanh tốt, sẵn sàng nguồn thức ăn cho Sếu đầu đỏ trở về.
Ông Chánh bày tỏ, sẽ nỗ lực hết sức, sẵn sàng chung tay bảo vệ đàn sếu quý hiếm này. Ngày “trải thảm xanh đón sếu về” càng đến gần, “đôi mắt” ấy lại càng nóng lòng được nhìn ngắm vẻ đẹp của Sếu gắn bó với mảnh đất Tràm Chim, với mảnh đất Đồng Tháp.
Những ngày này khi đoàn khách khắp nơi tụ hội về với Tràm Chim, không chỉ làm tốt nhiệm vụ hằng ngày, ông Chánh còn xung phong lái tắc ráng đưa khách đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng xanh nối dài tít tắp. Như một hướng dẫn viên thuần thục, ông giới thiệu về những lần cư ngụ của Sếu đầu đỏ tại Tràm Chim, về tập tính sinh hoạt của loài vật này. Những kiến thức thực tế ông tích lũy sau nhiều năm cứ theo dòng cảm xúc mà được chia sẻ. Có nụ cười hiền hậu và có cả niềm xúc động rưng rưng trong ánh mắt, trong giọng nói.
Như “đôi mắt” luôn canh gác cho rừng, ông Chánh không rời mỗi gốc tràm, kiên nhẫn dõi theo từng cánh sếu bay. Vườn Quốc gia Tràm Chim trở thành ngôi nhà thứ hai của ông, như “tấm lá chắn” bền bỉ chẳng ngại cực nhọc, không quản nắng mưa, người đàn ông ấy vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết sau nhiều năm cống hiến.
Và đó không chỉ là trách nhiệm của người lính gác rừng, đó còn là niềm trăn trở, là cái nghĩa, cái tình của người đàn ông đã dành hơn nửa cuộc đời nuôi dưỡng tình yêu với Sếu.
Vườn Quốc gia Tràm Chim là đại diện cho hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên cuối cùng còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa, là khu Ramsar thứ 4 Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là một trong các vùng chim có tầm quan trọng quốc tế của Việt Nam và là nơi kiếm ăn và sinh sống của 232 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm, có 16 loài nằm trong sách đỏ của IUCN, trong đó có Sếu đầu đỏ. Thông tin từ những người sống lâu đời ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết, từ thời trước chiến tranh chống Mỹ đã thấy Sếu đầu đỏ sinh sống ở vùng Tràm Chim. Sếu đầu đỏ được tái phát hiện ở Tràm Chim vào năm 1985. Số lượng sếu ghi nhận được ở Tràm Chim có lúc hơn 1.000 cá thể (1.058 cá thể vào năm 1988). Từ đó đến cuối các năm 1990, Tràm Chim luôn là nơi có nhiều sếu đầu đỏ nhất trong khu vực hạ lưu sông Mê Kong. Sự hiện diện của sếu đầu đỏ là một trong những lý do quan trọng cho việc hình thành khu bảo tồn đất ngập nước Tràm Chim, tiền thân của Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày nay. |
Bài cuối: “Mối duyên” hợp tác đưa Sếu đầu đỏ bảo tồn tại Việt Nam