Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 9 năm 2024 | 13:0

Quảng Ngãi triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi và ngập úng đô thị

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện các điểm nứt sườn đồi, sườn núi có nguy cơ cao sạt lở đồi núi; trong đó, có những điểm đã sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hộ gia đình như: Núi Van Cà Vãi, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà; khu dân cư Đăk Dép, xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang vừa ký Công văn hỏa tốc chỉ đạo triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi và ngập úng đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Đài Khí tượng - Thủy văn Quảng Ngãi, trong thời gian tới, diễn biến thiên tai rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn và qua thông tin từ các địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi có mưa, lũ xảy ra, nguy cơ ảnh hưởng đến người dân trong khu vực, nhất là tại các huyện miền núi; đồng thời, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại thành phố Quảng Ngãi và một số khu vực đông dân cư.

Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện các điểm nứt sườn đồi, sườn núi có nguy cơ cao sạt lở đồi núi

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện các điểm nứt sườn đồi, sườn núi có nguy cơ cao sạt lở đồi núi

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 3 và mưa, lũ sau bão vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 2346-CV/TU ngày 11/9/2024 về thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về giải quyết hậu quả Bão số 3 (YAGI) và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 26/6/2024, số 11/CT-UBND ngày 11/9/2024.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị trên địa bàn quản lý; kịp thời cập nhật tình hình thời tiết để có chỉ đạo phù hợp.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở sơ quan, đơn vị trên địa bàn (nhất là tại các khu vực miền núi), nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét phải có phương án sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn.

Các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng rà soát, thống kê đầy đủ, cụ thể các điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, các vị trí đứt gãy địa chất trên địa bàn, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; đồng thời, xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó sạt lở đất, lũ quét để triển khai thực hiện khi có mưa, lũ xảy ra.

Tổ chức gia cố trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế và thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra; khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng (nhất là các cây xanh cảnh quan trong khu vực nội thành, nội thị và trên các tuyến đường giao thông chính).

Khẩn trương rà soát, kiểm tra việc nạo vét hệ thống thoát nước, khơi thông miệng hố ga, kênh mương, cống, rãnh, trục tiêu có nguy cơ bị tắc nghẽn, các hố ga các tuyến công trình đang thi công có nguy cơ gây ngập úng khu dân cư trong khu vực và không để khu vực trung tâm thành phố Quảng Ngãi xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ hoặc diện rộng kéo dài; túc trực 24/24 để xử lý ngập úng, ách tắc hệ thống thoát nước cục bộ mùa mưa bão; thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân không được tự ý che lấp, lát trùm cửa thu, hố ga để bảo đảm tiêu thoát nước tốt khi có mưa lớn.

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát kỹ phương án ứng phó thiên tai đã được lập, xây dựng đảm bảo sát tình hình thực tế để triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra trong thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực về phòng, chống thiên tai): Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời đăng tải, cung cấp thông tin đầy đủ trên các hệ thống, website, mạng xã hội để các cấp, ngành, địa phương biết, triển khai thực hiện; Phối hợp, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các hồ chứa nước, nhất là các hồ chứa nước đã bị xuống cấp, hư hỏng, có giải pháp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão năm 2024.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kịp thời xử lý ngay các điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, hư hỏng trên các tuyến đường giao thông tỉnh để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện; trong quá trình tuần tra nếu phát hiện điểm ngập úng cục bộ thì kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để có giải pháp xử lý.

Sở Công Thương chỉ đạo các Chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra các điều kiện an toàn cho công trình; yêu cầu các Chủ hồ (nhất là các hồ chứa có dung tích lớn như Đakđrinh,...) phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, cung cấp đầy đủ thông tin và truyền camera giám sát hồ chứa về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cơ quan liên quan theo đúng quy định để theo dõi, giám sát (đảm bảo đường truyền ổn định, nhất là vào thời gian xảy ra mưa, lũ, phải truyền đầy đủ hình ảnh, thông tin về mực nước thượng hạ du hồ, lưu lượng đến, lưu lượng xả,...).

Các sở, ngành, địa phương chủ động theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang thông tin về phòng, chống thiên tai của tỉnh gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai (https://csdlpctt.quangngai.gov.vn); Website của Ban Chỉ huy (https://pctt.quangngai.gov.vn); Trang Facebook Thông tin Phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi; các Nhóm Zalo liên quan và ứng dụng VRAIN, Windy,... để kịp thời triển khai ứng phó.

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top