Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2024 | 16:45

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đầu tư hàng trăm tỷ đồng bảo vệ đê điều

Tỉnh Nam Định có hơn 660 km đê (trong đó 365 km đê cấp 1 đến cấp 3: gồm 91 km đê biển, 274 km đê sông và 298 km đê dưới cấp 3), trong những năm vừa qua, Sở NN&PTNT đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo các tuyến đê.

Trụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư

Ngày 01/01/2024, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực và thay thế Luật Đấu thầu 2013, tiếp tục tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước. Luật mới bổ sung nhiều quy định nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thích ứng với các đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cũng theo Luật đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023, tại Khoản 8 Điều 4 Chương I có nêu: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 6071/BKHĐT-QLĐT ngày 31 tháng 7 năm 2023 về báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2022. Ngày 25/8/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6601/VPCP-CN gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về việc báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu, trong văn bản có nêu: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi về hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kịp thời có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư và thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án phải đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm tính cạnh tranh, hiệu quả tổng thể của dự án đầu tư kinh doanh”.

Ngày 21/06/2019, Văn phòng Chính phủ ra Công văn số 5464/VPCP-CN về tình hình triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2018 và lộ trình giai đoạn 2019 – 2025. Công văn nêu ý kiến chi đạo như sau: “Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01/NQ-CP năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu”.

 

Kỷ luật 20 cán bộ diện Trung ương quản lý và khởi tố mới 190 vụ án tham nhũng

Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay.

Về một số kết quả nổi bật, Thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và kết luận Phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo; tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cơ bản hoàn thành theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, có việc vượt yêu cầu đề ra.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kết hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả giữa công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực; giữa PCTNTC với công tác cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; vừa xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, vừa xử lý nghiêm vi phạm trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cấp, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, không phải là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, “tranh giành quyền lực” như các đối tượng xấu, thế lực thù địch xuyên tạc.

Với những kết quả nổi bật là: Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.100 vụ/4.211 bị can, truy tố 2.030 vụ/4.042 bị can, xét xử sơ thẩm 1.686vụ/3.198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 2 vụ án/8 bị can, khởi tố thêm 135 bị can trong 7 vụ án; kết luận điều tra 3 vụ án/318 bị can; kết luận điều tra bổ sung 2 vụ án/10 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 2 vụ án/304 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ án/140 bị cáo; xét xử phúc thẩm 2 vụ án/9 bị cáo.

Nhất là đã khởi tố, điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, tiêu cực, phức tạp, xảy ra đã lâu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, như: Vụ án xảy ra tại tập đoàn Phúc Sơn; vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An; hoàn thành kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương và vụ án xảy ra tại tập đoàn FLC; hoàn thành xét xử sơ thẩm 2 vụ án trọng điểm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và tập đoàn Tân Hoàng Minh, với mức án rất nghiêm khắc, cũng rất nhân văn, trong đó, lần đầu tiên tuyên phạt tử hình đối với 1 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội “tham ô tài sản”.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; vi phạm do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực, khẩn trương hoàn thành 7/8 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật đối với 68 tổ chức đảng, 104 đảng viên, trong đó có 20 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Chỉ đạo, đôn đốc 68 cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành kiểm tra 830 dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC. Đến nay, 60/68 cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thành việc kiểm tra đối với 782/830 dự án, gói thầu; qua kiểm tra, đã xử lý kỷ luật 65 tổ chức đảng, 127 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 7 chuyên đề, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, đến nay đã kết thúc quá trình thanh tra, đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra đối với 1 chuyên đề, 1 vụ việc. Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành kiểm toán 2 vụ việc theo kiến nghị của Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo.

Kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, xử lý vi phạm trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Trên cơ sở đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, chủ động xin từ chức, xin thôi chức vụ khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín, thể hiện sự nghiêm minh, công bằng, nhưng cũng rất nhân văn; đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ, được dư luận, cán bộ, đảng viên hoan nghênh, đồng tình cao.

Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục được quan tâm. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 7.500 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay lên hơn 85.000 tỷ đồng.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố mới 190 vụ án/463 bị can về tội tham nhũng. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp xảy ra từ nhiều năm trước; khởi tố cả cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy, thành ủy quản lý, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Ninh, An Giang, Kiên Giang,…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC; tập trung xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm.

Phấn đấu từ nay đến hết năm 2024 kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 36 vụ án, 8 vụ việc; trong đó, phấn đấu đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 6 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.

Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong (Công ty Đại Phong) liên tục tham gia và trúng nhiều dự án, gói thầu với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng tại đơn vị, tuy nhiên, nguồn vốn tiết kiệm ngân sách không đáng kể.

Công ty Đại Phong liên tục tham gia và trúng nhiều dự án, gói thầu với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng tại Ban QLDAXD chuyên ngành NN&PTNT, tuy nhiên, nguồn vốn tiết kiệm ngân sách không đáng kể.

Trước thực tiễn đó, thực hiện theo tôn chỉ mục đích của tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư trong công tác tham gia nghiên cứu, tư vấn, phản biện xã hội; tham gia ý kiến, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như triển khai, phối hợp về thông tin, truyền thông để thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội trong việc nghiên cứu, khảo sát số liệu, ghi nhận ý kiến, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện…

Trong quá trình khảo sát để lấy các số liệu, thông tin làm minh chứng thực hiện nghiên cứu theo chuyên đề “Nâng cao hiệu quả quản lý các dự án đầu tư xây dựng, mua sắm về sử dụng nguồn vốn Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, chúng tôi đã nhận được những thông tin liên quan đến các dự án, gói thầu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư và giao Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam Định (Ban QLDAXD chuyên ngành NN&PTNT) làm bên mời thầu khi thường xuyên xuất hiện doanh nghiệp “quen mặt” là Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng Đại Phong (Công ty Đại Phong) liên tục tham gia và trúng nhiều dự án, gói thầu với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng tại đơn vị, tuy nhiên, nguồn vốn tiết kiệm ngân sách không đáng kể.

Cụ thể, tại Gói thầu số 10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị các cống xung yếu dưới đê tỉnh Nam Định (bao gồm nội dung chi phí an toàn giao thông)”, với giá gói thầu 97.145.800.000 đồng (giá dự toán 99.392.337.000 đồng) và Công ty Đại Phong liên danh Công ty cổ phần xây dựng công trình Nam Đô với giá trúng thầu 99.216.558.000 đồng. Một dự án có giá dự toán gần 100 tỷ đồng chỉ tiết kiệm vỏn vẹn 176 triệu đồng (tương đương khoảng 0,2%) theo Quyết định (PDKQ) số 2926/QĐ-SNN ngày 21/09/2023 và thực gian thực hiện hợp đồng là 458 ngày do ông Nguyễn Doãn Lâm – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định ký.

Năm 2021, tại Gói thầu “Thi công xây dựng dự án Cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh Nam Định”, với giá trúng thầu 143.835.600.000 đồng và giá gói thầu 143.956.000.000 đồng. Một gói thầu hơn 143 tỷ đồng chỉ tiết kiệm nhỏ giọt khoảng 120 triệu đồng (tương đương khoảng 0,08%) theo Quyết định (PDKQ) số 3383/QĐ-SNN ngày 26/10/2021 và thời gian thực hiện 23 tháng tiếp tục được ông Nguyễn Doãn Lâm – Giám đốc Sở ký.

Năm 2020, tại Gói thầu “Thi công xây dựng một số hạng mục giai đoạn II dự án Xử lý khẩn cấp đê, kè Quy Phú tương ứng K177+900 đến K180+ 050 đê hữu Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định”, với giá gói thầu 80.548.000.000 đồng và giá trúng thầu 80.369.576.000 đồng. Một gói thầu hơn 80 tỷ đồng chỉ tiết kiệm tượng trưng khoảng 178 triệu đồng (tương đương khoảng 0,2%) theo Quyết định (PDKQ) số 3570/QĐ-SNN ngày 21/12/2020 và thời gian thực hiện là 18 tháng được ông Nguyễn Doãn Lâm – Giám đốc Sở ký.

Ngày 17/9/2020, tại Gói thầu “Thi công xây dựng kè Tam Phủ - Ngô Xá đoạn tương ứng K164+756 đến K165+800 và đoạn tương ứng K166+500 đến K167+294; kè An Lá đoạn tương ứng K4+800 đến K5+943,6; kè Thành phố đoạn tương ứng K0+705 đến K1+798 và đoạn tương ứng K3+414 đến K4+800” thuộc Dự án “Nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão đê hữu sông Hồng và tả sông Đào thành phố Nam Định”, với giá trúng thầu 144.332.513.000 đồng và giá gói thầu 144.318.600.000 đồng (giá dự toán 144.525.000.000 đồng). Một dự án hơn 144 tỷ đồng chỉ tiết kiệm vỏn vẹn khoảng 193 triệu đồng (tương đương khoảng 0,13%) theo Quyết định (PDKQ) số 2302/QĐ-SNN.

Năm 2019, tại Gói thầu “Thi công xây dựng công trình Xử lý cấp bách các công trình đê điều của tỉnh Nam Định bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017”, với giá gói thầu 217.309.000.000 đồng và giá trúng thầu 216.018.815.000 đồng, tiết kiệm khoảng 1,3 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,6%) theo Quyết định (PDKQ) số 524/QĐ-SNN ngày 22/10/2019.

Năm 2018, tại Gói thầu “Xây dựng công trình Xử lý cấp bách một số sự cố xảy ra do đợt mưa lũ tháng 10 năm 2017 trên tuyến đê hữu Ninh và đê Thanh Hương, đê biển huyện Nghĩa Hưng”, với giá trúng thầu 10.388.080.000 đồng và giá gói thầu 10.477.300.000 đồng, tiết kiệm khoảng 89 triệu đồng (tương đương khoảng 0,8%) theo Quyết định (PDKQ) số 496/QĐ-SNN ngày 26/9/2018.

Trước đó 5 ngày, tại Gói thầu “Gia cố, cải tạo mặt đê hữu Hồng - huyện Mỹ Lộc đoạn K157+400÷K159+600 Tiểu dự án đầu tư tu bổ, nâng cấp đê điều năm 2018, tỉnh Nam Định thuộc dự án Cấp bách, xung yếu đê điều phòng chống thiên tai giai đoạn 2016-2020”, với giá gói thầu 5.200.379.000 đồng và giá trúng thầu 5.101.539.000 đồng theo Quyết định (PDKQ) số 491/QĐ-SNN ngày 21/9/2018.

Tại Gói thầu “Xử lý cấp bách hư hỏng mái đê Phú Văn xã Hải Ninh, K39+000 ÷ K39+500 đê tả Ninh - Hải Hậu do bão số 10 tháng 9 năm 2017 gây ra”, với giá trúng thầu 7.081.351.000 đồng và giá gói thầu 7.095.200.000 đồng, tiết kiệm khoảng 14 triệu đồng (tương đương khoảng 0,2%) theo Quyết định (PDKQ) số 410/QĐ-SNN ngày 10/7/2018.

Ngày 31/7, ông Hoàng Đình Tuấn – Q. Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành Nông nghiệp & PTNT (trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định) cho biết: “Giai đoạn từ năm 2020-2024, Ban được giao và triển khai đến thời điểm này là 3 dự án, 1 dự án nâng cấp tuyến đê triển khai từ năm 2021 với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng. Hai dự án trên Bộ Nông nghiệp cũng nâng cấp đê được triển khai xây dựng đầu năm 2023 với tổng mức 72 tỷ đồng và dự án cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2023 với tổng mức đầu tư khoảng 111 tỷ đồng….Hiện tại dự án triển khai năm 2021 đã hoàn thành và dự án đầu năm 2023 cơ bản hoàn thành đang hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu,..còn dự án tháng 9 đang triển khai thi công…”.

“Công tác đấu thầu căn cứ theo luật thực hiện, đấu thầu qua mạng….đã giảm tải cho các chủ đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ban quản lý đánh giá Công ty Đại Phong thực hiện khá là tốt, thi công công trình đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và các quy định của Nhà nước, các công trình vượt tiến độ hợp đồng…”.

Công ty Đại Phong còn tham gia và trúng 2 gói thầu liên tiếp vào ngày 28/8/2028 tại Chi Cục Thủy Lợi Nam Định (trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định), cụ thể tại Gói thầu “Xây dựng công trình Xử lý cấp bách các hư hỏng bờ bao xã Yên Bằng, huyện Ý Yên bị nước tràn làm xói mặt và vỡ do lũ sông Đáy ngày 11 tháng 10 năm 2017 gây ra”, với giá trúng thầu 8.756.139.000 đồng và giá gói thầu 8.802.116.000 đồng theo Quyết định số 466/QĐ-SNN.

Tại Gói thầu “Xây dựng công trình Xử lý cấp bách một số đoạn đê xung yếu bị sự cố do mưa, lũ tháng 10 năm 2017 xảy ra trên tuyến đê tả Đáy, huyện Ý Yên”, với giá gói thầu 13.073.279.000 đồng và giá trúng thầu 13.070.407.000 đồng theo Quyết định (PDKQ) số ngày 465/QĐ-SNN ngày 28/8/2018.

Công ty Đại Phong đã liên danh cùng nhiều "ông lớn" ngành xây dựng tại nhiều gói thầu nghìn tỷ. Đáng chú ý, có gói thầu nghìn tỷ mà Công ty Đại Phong nằm trong Liên danh cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (doanh nghiệp của ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT vừa bị C03 khởi tố vì: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ).

Ngày 23/9/2021, ông Đoàn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo (Bình Dương) ký quyết định (PDKQ) số 638/QĐ-UBND cho gói thầu “Thi công xây dựng giai đoạn 1” thuộc Dự án “gói thầu xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng”, Liên danh CTCP xây dựng hạ tầng Đại Phong - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An trúng thầu với giá 1.001.729.996.000 đồng và giá gói thầu là 1.004.889.625.579 đồng, tiết kiệm 3 tỷ đồng cho ngân sách (tương ứng khoảng 0,3%) với loại hợp đồng theo đơn giá cố định và thời gian thực hiện hợp đồng là 1080 ngày (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ theo quy định).

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra số 2326/KL-TTCP ngày 29/12/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết  khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2015-2020; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất tại tỉnh, giai đoạn 2010-2020.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan tới công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, qua thanh tra tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương (chủ đầu tư là Công ty Đại Phong), Thanh tra Chính phủ cho biết việc xác định tiền thuê đất theo phương pháp thặng dư của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, có một số khoản doanh thu, chi phí của dự án được xác định chưa phù hợp.

Cùng với đó, chủ đầu tư là Công ty Đại Phong đã xây dựng nhà điều hành, cụm bể nước thải trên ô đất hạ tầng kỹ thuật khi chưa được cơ quan chức năng bàn giao đất và tính tiền thuê đất.

Chính vì vậy, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tổ chức rà soát lại và chịu trách nhiệm trong việc xác định tiền thuê đất theo Thông tư số 36/2024/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tính đúng, tính đủ và đúng thời điểm văn bản có hiệu lực pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước;

Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Yên Dương là Công ty Đại Phong về việc xây dựng nhà điều hành, cụm bể nước thải trên ô đất hạ tầng ký thuật khi chưa được bàn giao đất theo quy định.

Cụm công nghiệp Yên Dương thuộc xã Yên Dương, huyện Ý Yên (Nam Định) được thành lập theo Quyết định số 1186/QĐ – UBND ngày 7/6/2018 của UBND tỉnh Nam Định, với diện tích giai đoạn I khoảng 50ha, tổng mức đầu tư giai đoạn I là 426 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Đại Phong được thành lập vào tháng 1/2004, trụ sở chính đặt tại khu A, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, đăng ký hoạt động kinh doanh chính là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác…

Công ty Đại Phong đã trúng hàng chục gói thầu tại Nam Định với tổng giá trị trúng thầu lên tới cả nghìn tỷ đồng. Những gói thầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này gồm: Khu công nghiệp Mỹ Thuận - Nam Định với tổng số vốn đầu tư lên đến 1,6 nghìn tỷ đồng; gói thầu thi công một số hạng mục giai đoạn 2 (tháng 12/2020) thuộc dự án xử lý khẩn cấp đê, kè Quý Phú với giá trúng thầu là 80,3 tỷ đồng, hay dự án nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lũ lụt sông Hồng và tả sông Đào của tỉnh Nam Định với giá trúng thầu là 144,3 tỷ đồng và dự án cải tạo và nâng cấp quốc lộ 488C thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định với giá trúng thầu là 112,5 tỷ đồng.

Công ty Đại Phong có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Sau đó tăng vốn lên 150 tỷ đồng (năm 2014), rồi tăng lên 350 tỷ đồng (tháng 3/2017). Tháng 9/2017 đến nay, vốn điều lệ công ty đạt mức 700 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Trần Quang Đại (60,93%), Trần Văn Vân (1,64%) và Trần Văn Nguyện (1,71%). Ông Trần Quang Đại là Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật công ty.

Công ty Đại Phong không chỉ là nhà thầu quen thuộc trên địa bàn tỉnh Nam Định mà hiện nay đã mở rộng ra khắp các tỉnh thành trên cả nước với tổng giá trị trúng thầu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp này do Trần Quang Đại là người đại diện pháp luật – chức vụ Giám đốc.

Hiện tại, ông Nguyễn Doãn Lâm làm Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định và các phó giám đốc: Trần Đức Việt; Nguyễn Văn Hữu. Ban Quản lý xây dựng chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT Nam Định hiện do ông Hoàng Đình Tuấn - Quyền Giám đốc; Phạm Giang Linh – Phó Giám đốc.

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) khởi tố hàng loạt vụ án, bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét để điều tra vụ án "Đưa, nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng... Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận AnTập đoàn Phúc Sơn và CTCP Tập đoàn Tuấn Ân (Tập đoàn Tuấn Ân)Công ty Điện lực tỉnh Bình Thuận (EVN Bình Thuận)Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các đơn vị, tổ chức có liên quan…

Trong năm 2023, hàng loạt vụ án đã bị khởi tố và đưa ra xét xử như vụ án “vi phạm quy định về đấụ thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế TP. Cần Thơ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 32,6 tỷ đồng; vụ án tại Bệnh viện Tim Hà Nội, tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, gần đây là Giáo dục và Đào tạo Hà Giang… Các cáo trạng đều thể hiện hành vi thông thầu giữa các nhà thầu dự thầu, hầu như các hồ sơ dự thầu được 1 nhà thầu xây dựng, “lót đường” cho đơn vị trúng thầu. Những hành vi này được hợp thức hóa thông qua sự làm ngơ của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư.

Trước đó từng trao đổi trên báo chí, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng, hiện tượng nhà thầu là gương mặt thân quen với chủ đầu tư/bên mời thầu chính là góc khuất cần được soi rọi. Việc một chủ đầu tư liên tục trong một thời gian dài chỉ trao thầu cho vài nhà thầu quen thuộc, với giá trúng thầu không cạnh tranh, tất yếu dẫn đến sự độc quyền, thao túng các nhà thầu khác. “Một khi giữa bên mời thầu và một nhà thầu đã có mối quan hệ “ruột” thì tất yếu, gói thầu đó không thể là cuộc chơi minh bạch. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và định hướng kinh doanh của các nhà thầu khác. Tình trạng này càng bị kéo dài, càng gây nên sự thiếu công bằng giữa các nhà thầu. Đầu tư từ ngân sách thông qua đấu thầu cũng sẽ không thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng”, ông Tăng nhận định.

Các chuyên gia về đấu thầu, các nhà quản lý đều cho rằng, cần phản ánh nhiều hơn những bên mời thầu và nhà thầu có quá trình gắn bó quá mật thiết lâu dài thông qua từng gói thầu cụ thể. Bởi điểm chung của những mối quan hệ này là giá trúng thầu rất sát giá gói thầu được phê duyệt; các nhà thầu lạ bị gây khó khăn khi tiếp cận HSMT và HSDT bị loại bởi nhiều lý do không phù hợp với quy định. Do đó, các thông tin về mối quan hệ khăng khít giữa bên mời thầu - nhà thầu trong đấu thầu cần được công khai nhiều hơn, phổ biến rộng rãi hơn để các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát.

“Tạo ra cơ chế độc quyền trong đấu thầu ảnh hưởng nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh của các nhà thầu, doanh nghiệp và chính địa phương để xảy ra sự việc. Nếu thiếu đi sự quyết liệt trong giám sát hoạt động đấu thầu của người có trách nhiệm, tình trạng “nhà thầu quen”, “nhà thầu ruột” sẽ triệt tiêu cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu”, một chuyên gia chia sẻ.

 

 

Hải Phòng/doanhnghiepvadautu
Ý kiến bạn đọc
Top