Để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2024-2025, ngày 30/8, thị xã Sa Pa (Lào Cai) và huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tổ chức Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch với chủ đề “Cung đường kết nối di sản Ruộng bậc thang”.
Sa Pa được biết đến là một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với khí hậu trong lành, mát mẻ mang sắc thái Châu Âu hội tụ 4 mùa trong 1 ngày, là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa hè và là nơi khám phá, trải nghiệm tuyết độc đáo vào mùa Đông.
Sa Pa được công nhận là Khu du lịch Quốc gia vào năm 2017 với lợi thế lớn cho sự phát triển du lịch. Nhiều năm liên tiếp, Du lịch Sa Pa nhận được những danh hiệu vô cùng ấn tượng như: Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á; TOP 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; 1/10 điểm ngắm tuyết đẹp nhất châu Á; TOP 10 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trên google search ; Top 100 điểm đến trải nghiệm thú vị nhất thế giới; TOP 50 thị trấn đẹp nhất thế giới... Đầu năm 2024, Sa Pa được Giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best Destinations của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor vinh danh đứng ở vị trí thứ 5 trong 25 điểm đến xu hướng hàng đầu thế giới năm 2024.
Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, những năm qua, thị xã Sa Pa đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các dự án du lịch có quy mô lớn về vốn đầu tư; tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc và các địa phương nước ngoài...
Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch với chủ đề “Cung đường kết nối di sản Ruộng bậc thang”.
Mù Cang Chải là địa điểm nổi tiếng với danh lam thắng cảnh quốc gia ruộng bậc thang. Di sản ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là công trình kiến trúc nghệ thuật không chỉ mang đầy tính sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên núi cao, trải qua hàng trăm năm khai phá.
Đến nay, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có hơn 7.000 ha ruộng bậc thang (trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình). Không chỉ là nơi cung cấp nguồn lương thực quý giá cho đồng bào vùng cao, ruộng bậc thang Mù Cang Chải còn là kiệt tác về vẻ đẹp của bàn tay lao động gắn với thiên nhiên kì vĩ, được thử thách qua quá trình lâu dài để làm nên di sản.
Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải tiếp tục được công nhận và xếp hạng Di tích quốc gia (ảnh NSNA Thanh Miền)
Năm 2007, 330 ha ruộng bậc thang ở xã 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Và theo Quyết định số 1954/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Ruộng bậc thang Mù Cang Chải tiếp tục được công nhận và xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, trở thành một trong 113 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước.
Để phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị của di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu chung đặt ra là tôn vinh giá trị di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải; tôn tạo cảnh quan, môi trường nhằm đưa di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mù Cang Chải và của tỉnh Yên Bái, góp phần vào việc hình thành sản phẩm chung của khu vực Tây Bắc.
Di sản ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải là quá trình lao động, sáng tạo từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông sinh sống trên núi cao (ảnh NSNA Thanh Miền)
Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, cơ hội của hai địa phương, tạo lập mối quan hệ hài hòa về lợi ích, trách nhiệm tạo sự liên kết khai thác chuỗi giá trị, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tham gia liên kết, hợp tác hình thành tour du lịch đặc trưng.
Hình thành điểm đến có thương hiệu gắn với khai thác trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, thương mại, dịch vụ gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và thị xã Sa Pa cũng như nâng cao trách nhiệm của các ngành, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của hợp tác, giao lưu hình thành chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển du lịch gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc (ảnh NSNA Thanh Miền)
Qua diễn đàn, hai địa phương cũng định rõ mối quan hệ hợp tác lâu dài trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng cùng phát triển và tôn trọng lẫn nhau, đảm bảo hiệu quả thiết thực, tiết kiệm, huy động toàn xã hội tham gia phát triển du lịch, dịch vụ; từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao, thu hút đông đảo khách du lịch.
Xác định rõ trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong việc tạo cơ hội để các địa phương cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch.