Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Những bước tiến từ thực tiễn
Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích lớn nhất nước (16.487 km²). Dân số trên 3,4 triệu người, trong đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi có hơn 491 nghìn người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, trong đó, 5 DTTS chiếm tỷ lệ cao là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu.
Thời gian qua, việc thực hiện các chế độ, chính sách được cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện tốt. Công tác xóa đói, giảm nghèo được chú trọng quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ. Tỷ lệ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chỉ tiêu đề ra, giảm bình quân 3,4 - 4,9%/năm.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hủa Na nâng cao thu nhập cho người dân.
Kết quả trên có được là do cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án từ chính sách dân tộc của Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; sự đồng lòng linh hoạt trong việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, chất lượng đối với từng địa bàn.
Cùng với nỗ lực của người dân, tỉnh Nghệ An luôn quan tâm thực hiện các chương trình, dự án gắn với giảm nghèo bền vững. Kỳ họp thứ 6, Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Nghệ An với hơn 918,8 tỷ đồng.
Đến nay, 17/19 chỉ tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Mô hình sinh kế bền vững từ cây trà hoa vàng, cây lùng, cây mét và cây bon bo tại xã Thông Thụ (Quế Phong) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khơi dậy ý chí thoát nghèo bền vững
Nghệ An xác định giúp đồng bào xóa nghèo bền vững nơi miền Tây xứ Nghệ là cuộc chiến lâu dài, cần có bước đi, cách làm phù hợp. Theo đó, thay vì “cho con cá”, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025), các đơn vị “trao cần câu” bằng việc hỗ trợ các công trình, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào...
Nhiều hộ dân ở xã Hữu Lập (Kỳ Sơn), nhờ được vay vốn tín dụng ưu, đã xây dựng thành công những mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lô Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hữu Lập, thông tin: Chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã khơi dậy và tiếp sức để nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế. Điều dễ nhận thấy là, ý thức của người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt…
Chăn nuôi bò hàng hoá đang là lựa chọn của nhiều người dân miền núi Nghệ An.
Hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất là giải pháp quan trọng nhất trong mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi Nghệ An. Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, ở Kỳ Sơn, ngày càng có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, như nuôi bò sinh sản tại các xã Bảo Nam, Na Ngoi, Nậm Càn, Bảo Thắng, Hữu Lập, Chiêu Lưu, Phà Đánh...; nuôi dê tại các xã Keng Đu, Bắc Lý, Mường Típ, Mường Ải; trồng mận Tam hoa tại các xã Mường Lống, Tây Sơn; nuôi lợn rừng tại xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu; phát triển cây dược liệu tại các bản, xã có đồng bào Mông như Mường Lống, Na Ngoi, Hồi Tụ, Nậm Càn, Tây Sơn, Nậm Cắn, Đoọc Mạy…
Sau hơn một năm thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây trà hoa vàng, cây lùng, cây mét và cây bon bo”, xã Thông Thụ (Quế Phong) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dự án được triển khai nhằm giúp nông dân trong xã có thu nhập bền vững từ việc trồng trọt. Đồng thời, dự án cũng hướng đến việc bảo vệ và phát triển nguồn gen cây trồng đặc sản của vùng đất Quế Phong. Từ cơ sở đó, Quỹ Môi trường toàn cầu quyết định nhân rộng mô hình tại 3 xã Tam Đình, Tam Thái và Thạch Giám với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng, đồng thời nâng quỹ vay vốn quay vòng cho các hộ lên 600 triệu đồng.
Đồng bộ giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng theo đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thực hiện ở Nghệ An còn nhiều hạn chế, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; chưa khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh và chưa phát huy được nội lực của toàn dân…
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành tiếp tục bám sát cơ sở thực tiễn từng vùng, từng địa phương để đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu một cách đồng bộ, đi vào thực chất, đặc biệt là việc thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Việc triển khai mô hình phục tráng rừng Mét đã suy thoái của Dự án được đánh giá là mô hình rất có ý nghĩa và hứa hẹn sẽ đem lại nhiều triển vọng trong tương lai.
Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững; chú trọng việc cung cấp, hướng dẫn người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; nhất là việc hỗ trợ phát triển sản xuất, việc làm, đa dạng sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững hơn.
Các địa phương tập trung giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đảm bảo tiến độ đề ra; tăng cường lồng ghép, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu.
“Tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng những đề án, cơ chế, chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững phù hợp với từng khu vực, nhóm đối tượng; kể cả đối tượng không có khả năng lao động cần có chính sách gì để hỗ trợ. Tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy làm công tác giảm nghèo nhằm cụ thể hóa một cách tốt nhất các chương trình, chính sách giảm nghèo hiện nay”, bà Lô Thị Kim Ngân, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh.