Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 3 năm 2023 | 9:11

Tiếp tục nhân rộng khát vọng thịnh vượng

Điểm tiêu biểu nhất, nổi bật nhất trong hành trình 35 năm qua của Kinh tế nông thôn là sự kiên định với tiêu chí “Cùng bạn đọc làm giàu”, là Người bạn biết lắng nghe, thấu hiểu và Chia sẻ.

Kinh tế nông thôn - bạn của nhà nông.

1. Ngày này Ba mươi lăm năm trước, ngày 15 tháng 3 năm 1988, Tạp chí Người Làm vườn (tiền thân của Báo Người Làm vườn, Báo Kinh tế VAC, Báo Kinh tế nông thôn và Tạp chí Kinh tế nông thôn)  – Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Những người làm vườn Việt Nam (VACVINA) ra mắt bạn đọc số đầu theo Giấy phép xuất bản số 409/BTT-GPXB ngày 28/9/1987 của Bộ Thông tin (Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn trong hoạt động của Hội Những người làm vườn Việt Nam. Bởi đây là kênh chuyển tải những chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của ngành Nông nghiệp về phát triển nông nghiệp, hướng dẫn của Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam đến các cấp Hội, hội viên kỹ thuật xây dựng VAC, ô dinh dưỡng VAC, trồng cây ăn quả, cây rau, nuôi gia cầm, gia súc, nuôi cá, nuôi thủy sản để cải thiện bữa ăn, xây dựng tổ chức Hội và tiếp nhận những thông tin, yêu cầu từ bạn đọc, hội viên đối với phát triển VAC, kinh tế vườn và những vấn đề của cuộc sống.

2. Trong hành trình 35 năm của Kinh tế nông thôn, có thể phân thành 3 giai đoạn: Từ năm tháng 3/1988 đến tháng 3/1997, giai đoạn Tạp chí Người Làm vườn. Từ tháng 3 năm 1997 đến tháng 3 năm 2020, chuyển từ Tạp chí Người Làm vườn lên Báo Người Làm vườn (tháng 3/1997), Báo Kinh tế VAC (tháng 4/1998), Báo Kinh tế nông thôn (tháng 11/2002). Giai đoạn 3, thực hiện Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Báo Kinh tế nông chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành Tạp chí Kinh tế nông thôn từ tháng 4 năm 2020, theo Giấy phép hoạt động báo chí số 54/GP-BTTTT, ngày 13 tháng 2 năm 2020 của Bộ Thông tin – Truyền thông.

Tương ứng với 3 giai đoạn trên là hành trình hình thành và xây vững những trụ cột của Kinh tế nông thôn. Nếu giai đoạn đầu, giai đoạn hình thành và từng bước hoàn thiện trụ cột đầu tiên – tuyên truyền về vai trò, hiệu quả, lợi ích của Kinh tế Vườn, bao gồm cả VAC và Hội Những người làm vườn Việt Nam; hướng dẫn hội viên, người dân ở nông thôn xây dựng VAC dinh dưỡng, quy trình nuôi trồng những cây trồng - vật nuôi phục vụ cải thiện bữa ăn hàng ngày, nhất là cho bà mẹ, trẻ em và xây dựng, mở rộng tổ chức Hội. Kết quả là, diện tích vườn nhà được khai thác khá tốt, phong trào làm VAC, VAC dinh dưỡng được nhân dân mọi vùng, mọi miền hưởng ứng, góp phần kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi trên diện rộng và bền vững. Được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đánh giá cao.  Đặc biệt, kết quả này được đông đảo bạn đọc nhận xét: Làm VAC dinh dưỡng theo khuyến cáo của Hội Làm vườn Việt Nam và hướng dẫn của Người Làm vườn đã giúp cho trẻ thắm da, hồng má, giúp cho già trẻ lại…

Thì giai đoạn từ tháng 3/1997 đến hết tháng 3 năm 2020 là giai đoạn nâng tầm, từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong tiến trình xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, có trách nhiệm, xây dựng nông thôn mới tiến bộ, văn minh và người nông dân, hội viên Hội Làm vườn thích ứng với sản xuất theo yêu cầu của thị trường, phù hợp với tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Đây là giai đoạn hình thành, định vị tiêu chí “Cùng bạn đọc làm giàu” của Kinh tế nông thôn.

Đây cũng là giai đoạn Kinh tế nông thôn phát triển cả bề rộng với hệ thống các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú trải dài từ Bắc xuống Nam nhằm đảm bảo tiếp cận thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh chóng, chính xác; và chiều sâu với nhiều ấn phẩm được xuất bản: Kinh tế nông thôn, Kinh tế nông thôn cuối tuần, chuyên đề Kinh tế VAC phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trang tin điện tử rồi Báo Kinh tế nông thôn điện tử. Trong giai đoạn này, hai trụ cột: Biết lắng nghe, tận tâm chia sẻ và Hành trình Nhân ái hình thành, phát huy hiệu quả nhiều mặt. Với những đóng góp tích cực, có hiệu quả trong phong trào xóa đói, giảm nghèo, trong giai đoạn này, Kinh tế nông thôn được tham gia Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ, với nhiệm vụ hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phát triển kinh tế VAC, kinh tế vườn, kinh tế trang trại để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

3. Trong giai đoạn thứ hai, với 3 trụ cột: Hướng dẫn làm kinh tế Vườn hiệu quả - Hỗ trợ, tư vấn những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn – Hoạt động Nhân ái, Kinh tế nông thôn đã vượt qua ranh giới của một tổ chức hội nghề nghiệp, có sức lan tỏa rộng về nhiều vấn đề trong tổ chức, quản lý sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn, phát hiện, lan tỏa và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến trong sản xuất và đời sống ở mọi vùng, mọi miền đất nước.

Đây là giai đoạn Kinh tế nông thôn được nhiều địa phương, bộ ngành tặng Giấy khen, Bằng khen, Giấy chứng nhận do có những đóng góp tích cực trong hoạt động nghề nghiệp, hoạt động Nhân ái, nghĩa tình, gắn với xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, xây dựng khối đại đoàn kết, chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau… Điểm nhấn là, năm 2006 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Kinh tế nông thôn xuất bản ấn phẩm đầu tiên, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều bạn đọc nhận xét: Theo hướng dẫn của Hội Làm vườn Việt Nam và Kinh tế nông thôn, kinh tế Vườn – VAC đã có bước phát triển mới, vượt ra ngoài khuôn viên gia đình với những mô hình mới, như trang trại vườn đồi, vườn rừng, vườn đồng, vườn giàn,… sự liên kết sản xuất – tiêu thụ trong tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp… tạo nên khối lượng hàng hóa lớn, đóng góp không nhỏ vào giá trị kim ngạch xuất khẩu ngày càng cao của ngành nông nghiệp nói chung. Dấu ấn của Kinh tế nông thôn là, góp phần làm cho đất nước xanh hơn, xuân tươi thắm hơn và người dân ở nông thôn giàu hơn lên.

Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Kinh tế nông thôn xuất bản ấn phẩm đầu tiên, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

4. Có thể nói, điểm tiêu biểu nhất, nổi bật nhất trong hành trình 35 năm qua của Kinh tế nông thôn là sự kiên định với tiêu chí “Cùng bạn đọc làm giàu”, là Người bạn biết lắng nghe, thấu hiểu và Chia sẻ. Cụ thể, thông qua lắng nghe, chúng tôi hiểu nhà vườn, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp nông nghiệp thiếu gì, cần gì trong sản xuất, tổ chức, quản lý sản xuất, cũng như các vấn đề về thị trường, pháp luật,… từ đó giúp họ kết nối với cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đơn vị nghiên cứu khoa học, nhà khoa học, doanh nghiệp… Cũng thông qua lắng nghe, những người Kinh tế nông thôn hiểu rằng, dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng còn nhiều số phận, hoàn cảnh khó khăn, đó là điểm khởi đầu của hành trình Nhân ái để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Một điều có thể rút ra là, trong hành trình “Cùng bạn đọc làm giàu”, những người Kinh tế nông thôn các thế hệ luôn bám sát nhịp thời sự kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, kinh tế và đời sống của hộ nông dân, chủ trang trại, chủ vườn; tiếp cận các vấn đề nóng, nổi bật của sản xuất – tiêu thụ nông sản, xây dựng nông thôn mới, xây dựng kỹ năng quản lý mới, phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như tiến trình hội nhập, phát triển  của đất nước.

5. Trong 35 năm qua, từ khi Tạp chí Người Làm vườn ra đời cho đến Tạp chí Kinh tế nông thôn hiện nay, đơn vị đều không trong danh mục hưởng ngân sách của Nhà nước, hoàn toàn tự chủ về tài chính. Nhấn mạnh điều này bởi đây là một khó khăn không dễ vượt qua. Nói rõ điều này để thấy hành trình của Kinh tế nông thôn rất nhiều khó khăn nhưng cũng là để thấy nỗ lực vươn lên trong thực hiện tiêu chí xuyên suốt ‘Cùng bạn đọc làm giàu” của các thế hệ lãnh đạo cũng như cán bộ, phóng viên Người Làm vườn - Kinh tế nông thôn trước đây và hiện nay.

Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức của chặng đường phía trước, những người Kinh tế nông thôn tin rằng, với sự đoàn kết  thống nhất cùng sự nỗ lực của từng thành viên, sự ủng hộ động viên của bạn đọc, các cơ quan quản lý, sự đồng hành của những người bạn – những doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, sự tiếp sức của các bạn đồng nghiệp, chúng tôi sẽ xây dựng Kinh tế nông thôn với nội dung ngày càng phong phú hơn, đa dạng hơn, sát thực tiễn cuộc sống hơn để giúp ích nhiều hơn trong việc nâng cao kiến thức làm kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo định hướng thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế và thu nhập cho từng người dân để nông dân ta ngày càng giàu hơn và nông nghiệp nước ta là trụ đỡ quan trọng của đất nước. Hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua: Đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Đến năm 2050, Việt Nam nằm trong TOP 10 nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện đại nhất thế giới.

Trong hành trình đó, Kinh tế nông thôn mong được sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các cấp Hội và hội viên Hội Làm vườn Việt Nam, những người bạn, những doanh nhân, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm và các bạn đồng nghiệp để hành trình “Cùng bạn đọc làm giàu” đạt những thành tựu mới, đóng góp vào sự thịnh vượng của Dân tộc, sự Hùng cường của đất nước.

Nguyễn Anh Tuấn

Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn

 

Ý kiến bạn đọc
Top