Thủy sản được xác định là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình và có những đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế những năm qua.
Tỉnh Ninh Bình đã và đang áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường. Những đột phá trong công nghệ nuôi tôm đã từng bước đối phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, cho tỷ lệ thành công cao.
Mang lại hiệu quả cao
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, anh Phạm Văn Học ở xóm 4, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn đã bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm công nghệ cao với hệ thống nhà kính một cách bài bản trên diện tích 2.200 m2. Nếu như trước kia, với cách nuôi truyền thống, mỗi năm cũng chỉ thu hoạch được 1 vụ, giờ đây nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được 3 vụ. Với sản lượng 6-8 tấn/vụ, doanh thu ước đạt khoảng 4-5 tỷ đồng/năm.
Anh Học chia sẻ, nhờ sản xuất trái vụ cộng thêm việc tôm được nuôi theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học, hoàn toàn không có kháng sinh và hóa chất nên sản phẩm đầu ra tiêu thụ dễ dàng và giá bán cao hơn so với tôm nuôi thông thường. So với các ao nuôi đối chứng bên ngoài với cùng một đàn tôm giống và cùng một quy trình xử lý như nhau, tôm nuôi trong nhà kính có hệ số sử dụng thức ăn tốt hơn, năng suất cao hơn, thời gian nuôi ngắn hơn.
Với hệ thống quản lý tự động, điều khiển từ xa, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Cao Thế Dân, khối 1, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Trước đây gia đình anh cũng có ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống. Tuy nhiên, với mô hình này, càng về sau càng gặp khó khăn do nhiều yếu tố, nhất là vấn đề dịch bệnh. Sau khi tham quan học hỏi một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính của một số hộ quanh vùng, gia đình anh đã quyết định cải tạo lại khu nuôi, làm 4 nhà kính với diện tích 2.000 m2.
Anh Dân cho biết, với khí hậu miền Bắc, tôm quảng canh chỉ nuôi được 1 vụ chính, 1 vụ phụ; trong đó, vụ phụ bấp bênh vì thường vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, nuôi tôm quảng canh mật độ thả tôm giống thưa, sản lượng thấp do chịu tác động lớn bởi thời tiết, hơn nữa giá cả thường bấp bênh, dễ bị ép giá do vào chính vụ. Nuôi tôm công nghệ cao, không chỉ giúp người nuôi chủ động thời vụ mà thay vì sử dụng thuốc kháng sinh, người nuôi bắt buộc phải sử dụng men vi sinh để phòng trừ dịch bệnh. Không những hạn chế được dịch bệnh, người nuôi còn có được sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cho năng suất, chất lượng cao tại xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường tôm vụ Đông, người nuôi tôm ven biển huyện Kim Sơn đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà kính cho thu nhập từ 9-10 tỷ đồng/ha. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao này được triển khai từ năm 2016 với quy mô ban đầu chỉ 0,6 ha, đến nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao của huyện Kim Sơn đã phát triển lên gần 75 ha.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Trạm trưởng Trạm Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình cho biết, khắc phục thách thức từ thời tiết, rủi ro của dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, người nuôi tôm tại Kim Sơn đã có nhiều cách làm khác nhau, tuy nhiên, mô hình xây dựng nhà kính được đánh giá là ưu việt nhất và đang được nhiều hộ dân ưu tiên áp dụng. Để giúp bà con chăn nuôi an toàn, trước khi bước vào vụ Đông, ngành chuyên môn đã phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi về phương pháp nuôi, xử lý ao đầm, phòng chống dịch bệnh cũng như thường xuyên lấy mẫu quan trắc môi trường đất, nước, thông báo rộng rãi kết quả để làm cơ sở cho bà con có biện pháp xử lý phù hợp.
Hướng đi bền vững
Kim Sơn là địa phương ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, có diện tích mặt nước lớn với nhiều lợi thế nuôi trồng thủy sản, mở ra hướng phát triển an toàn, bền vững, đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Để phát triển thủy sản theo hướng bền vững, Kim Sơn đã tích cực tuyên truyền cho người dân phát triển các mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao như: Sử dụng nhà kính nuôi 3 vụ/năm; dùng chế phẩm vi sinh cải tạo môi trường nuôi; sử dụng hệ thống sục khí để tăng mật độ con nuôi…
Các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với nuôi quảng canh truyền thống. Do vậy, 9 tháng năm 2024, sản lượng thuỷ sản của huyện ước đạt gần 57,5 nghìn tấn; trong đó, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng gần 51,9 nghìn tấn, sản lượng thuỷ sản khai thác là hơn 5,6 nghìn tấn.
Trước đây, nuôi tôm quảng canh chỉ thu được 2 tấn/ha nhưng khi ứng dụng công nghệ cao năng suất có thể đạt trung bình hơn 10 tấn/ha và có thể nuôi 3 vụ/năm, chất lượng con tôm luôn được đảm bảo. Các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã góp phần thay đổi bộ mặt ngành thủy sản tỉnh Ninh Bình.
Để đảm bảo xây dựng vùng nuôi bài bản, ổn định, hạn chế dịch bệnh, chính quyền địa phương và Chi cục Thủy sản Ninh Bình đã hướng dẫn và xây dựng các quy trình xử lý nước đầu vào và đầu ra. Đối với các mô hình nuôi thâm canh, đều được thực hiện theo quy trình tuần hoàn, khép kín, sử dụng công nghệ vi sinh để đảm bảo môi trường nuôi an toàn.
Ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện tỉnh Ninh Bình có nhiều mô hình, hình thức sản xuất tôm đạt hiệu quả khá tốt. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm cũng ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển, đặc biệt là mô hình nuôi tôm trái vụ, sớm vụ trong nhà kính, đây là hướng mới cho nuôi tôm hiện nay.
Hàng năm, Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với huyện Kim Sơn cử cán bộ xuống cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật, quy trình sản xuất và phương pháp phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân phát triển các mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao, đẩy nhanh hoàn thiện các vùng an toàn dịch bệnh góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với nuôi quảng canh truyền thống.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cho năng suất, chất lượng cao tại xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Theo kế hoạch phát triển sản xuất nuôi tôm của Ninh Bình đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt thì sản xuất nuôi tôm của tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt diện tích 2.500 ha, sản lượng 2.500 tấn và giá trị sản xuất tôm đạt 234 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010). Để đạt được mục tiêu này, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được xác định là khâu đột phá.
Thời gian tới, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 40% chi phí công nghệ cao, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ vùng nuôi tôm ven biển Kim Sơn trong vấn đề quy hoạch, xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao với quy mô diện tích 6.000 ha từ đê Bình Minh I trở ra Cồn Nổi.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản; trong đó, chú trọng hỗ trợ các tàu đánh bắt xa bờ để khai thác thủy sản gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.