Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 11 năm 2024 | 9:7

Việt Nam nỗ lực đưa nông sản sang thị trường Pháp

Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm SIAL Paris 2024 diễn ra tại Pháp (nước đứng thế 6 thế giới và đứng đầu Liên minh châu Âu (EU) về sản lượng nông sản) cuối tháng 10 vừa qua là cơ hội quảng bá hình ảnh quốc gia.

Hình ảnh doanh nghiệp, thương hiệu Việt; tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam có thế mạnh và khả năng phát triển thị trường xuất khẩu tại châu Âu.

Sản xuất nông nghiệp xanh, hướng tới phát triển bền vững

Là ngành kinh tế quan trọng, nông nghiệp đóng góp đáng kể vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp. Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia (Insee) cho biết, nông nghiệp và các ngành liên quan đóng góp khoảng 2,3% GDP của nước này. Đặc biệt, năm 2022, do giá nguyên liệu thô tăng vọt, từ lúa mì đến hạt cải dầu, đường, ngô, chưa kể bơ hay sữa bột, đã gây hiệu ứng bất ngờ cho nền nông nghiệp Pháp. Theo dữ liệu của Insee, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Pháp đạt 95,8 tỷ euro (101,4 tỷ USD).

Gạo Lộc Trời với thương hiệu Cơm Việt Nam Rice đã xuất khẩu thành công vào chuỗi siêu thị của Pháp. Ảnh: CT

Ngũ cốc là lĩnh vực mang lại giá trị cao nhất với 17,9 tỷ euro (18,9 tỷ USD), tiếp theo là rượu vang 13,8 tỷ euro (14,6 tỷ USD), chăn nuôi 13 tỷ euro (13,7 tỷ USD) và các sản phẩm từ sữa 12,6 tỷ euro (13,3 tỷ USD)...

Nông nghiệp Pháp đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu quốc gia. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực được xuất khẩu bao gồm rượu vang, thịt gia cầm, sữa, ngô, lúa mì, đậu, hạt giống và trái cây. Đối tác thương mại lớn nhất của Pháp trong ngành nông nghiệp bao gồm các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Thụy Sĩ. Trong đó, xuất khẩu nông sản sang các quốc gia EU chiếm phần lớn, đóng góp khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Pháp.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng ngành nông nghiệp của Pháp cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và thiếu hụt lao động.

Thích ứng với sự thay đổi khí hậu là bài toán khó và tốn kém. Theo một báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Pháp, chi phí để các trang trại của nước này thích ứng với biến đổi khí hậu lên tới 3 tỷ euro/năm (3,18 tỷ USD). Trong đó, 1 tỷ euro (1,06 tỷ USD) liên quan đến sự khan hiếm nước và 1 tỷ euro liên quan đến các hiểm họa (sương giá, hạn hán,...). Ngân sách để đổi mới dần vườn cây ăn trái của Pháp lên tới khoảng 600 triệu euro/năm (635 triệu USD).

Bên cạnh thách thức về khí hậu, việc đội ngũ nông dân già hóa mà không có lực lượng thay thế cũng đang là mối đe dọa tiềm tàng cho nông nghiệp Pháp. Khoảng 200.000 chủ trang trại sẽ nghỉ hưu trong vòng 10 năm tới. Từ năm 2010 đến năm 2020, số lượng trang trại giảm 21%, từ 490.000 xuống còn 389.000, tức là gần 100.000 trang trại bị xóa sổ trên bản đồ nông nghiệp Pháp trong 10 năm do không có người tiếp quản.

Để khắc phục những vấn đề trên, Bộ Nông nghiệp, các vùng và đại diện giới nông nghiệp Pháp đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn nhằm đưa ra dự luật định hướng nông nghiệp để đáp ứng “thách thức đổi mới thế hệ” và “thích ứng với biến đổi khí hậu”. Bốn vấn đề nằm trong danh mục tham vấn do Nhà nước và các vùng đồng thí điểm là định hướng và đào tạo, chuyển giao trang trại, gây dựng đội ngũ nông dân trẻ và thích ứng với khí hậu.

Hiện, Pháp đang nỗ lực để phát triển nông nghiệp xanh, theo các xu hướng: sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất và tăng cường khả năng định vị của đất, sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, bao gồm việc sử dụng phân bón hữu cơ, tạo điều kiện cho việc tái chế các chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió; áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất độc hại, trong đó người nông dân được khuyến khích áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững như quản lý đất, phòng ngừa sâu bệnh và cung cấp nước tối ưu.

Nỗ lực xúc tiến thương mại tại Pháp

Tại Hội chợ Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm SIAL Paris 2024, đoàn doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên quy mô diện tích  300m2 với rất nhiều sản vật, hàng hóa được gần 100 doanh nghiệp mang đến Pháp như: Gạo, hạt tiêu, quế, hồi, hạt điều, café, trà, rau quả sấy khô, bánh đa nem, bún phở, mỳ, miến, nước hoa quả, bia rượu... Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia hội chợ về thực phẩm và đồ uống hàng đầu thế giới với đội ngũ doanh nghiệp đông đảo như vậy.

SIAL Paris được đánh giá không chỉ là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà sản xuất thực phẩm mở rộng thị trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới thông qua việc tiếp cận trực tiếp với các nhà mua hàng uy tín từ khắp nơi trên thế giới, mà còn là nơi để các doanh nghiệp và nhà sản xuất đến để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và thử nghiệm thực tế các sản phẩm của mình. Từ đó giúp cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tham gia Hội chợ, bà Trần Thị Huyền, Giám đốc kinh doanh Công ty sản xuất và thương mại Tuấn Minh, bày tỏ tự hào khi sản phẩm hạt tiêu, quế, hồi của doanh nghiệp mình được nhiều khách hàng Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ ưa chuộng vì hương vị độc đáo chỉ có ở gia vị của Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng tham quan gian hàng Việt Nam tại Hội chợ SIAL Paris 2024. Ảnh: Thu Hà/TTXVN

Bà tin rằng, với các sản phẩm hoàn toàn đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường, việc tham dự SIAL Paris sẽ là cơ hội để sản phẩm công ty tiếp cận nhiều hơn tới thị trường châu Âu và thế giới, góp phần mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp.

Về phần mình, bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, Phó Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Bích Chi, cho biết, từ gần 60 năm nay, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, phở, bánh tráng, bánh gạo. Đặc biệt, bánh phồng tôm của công ty đã xuất đến 40 nước trên thế giới.

Đến với SIAL Paris từ nhiều năm nay, bà nhận thấy khách hàng đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm sản xuất từ lúa gạo, nên chắc chắn các sản phẩm của công ty sẽ được xuất khẩu nhiều hơn trong tương lai.

Đến thăm các gian hàng Việt Nam tại hội chợ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho rằng, việc tham gia ngày càng đông đảo của  doanh nghiệp Việt Nam vào Hội chợ SIAL Paris trong những năm qua đã tạo dựng được thương hiệu quốc gia không chỉ ở Pháp và châu Âu, mà cả ở các thị trường khác.

“Hội chợ lần này cho thấy, việc tham dự của doanh nghiệp Việt Nam đã được đầu tư một cách bài bản hơn, kỹ lưỡng hơn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, không chỉ mang đến các sản phẩm chất lượng cao, có lợi cho sức khỏe, mà còn đáp ứng sức mua của các thị trường khu vực. Sự tham dự đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ quốc tế lần này cũng cho thấy khả năng vươn mạnh, vươn xa của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực ta có thế mạnh, tận dụng tốt những điều kiện thuận lợi do Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với EU và các đối tác thương mại khác”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định.

 

Chanh (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Trồng tre lục trúc giúp giảm thiệt hại kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu

    Trồng tre lục trúc giúp giảm thiệt hại kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu

    Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.

  • Vườn đào cho thu nhập cao ở bản biên giới Tiền Tiêu

    Vườn đào cho thu nhập cao ở bản biên giới Tiền Tiêu

    Đó là vườn đào của anh Hờ Bá Chả, 37 tuổi, dân tộc Hmông ở bản biên giới Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An). Vườn đào nằm sát biên giới Việt – Lào, rộng 5ha, có 1.500 gốc đào Lào, đào Đá và đào Nhật Tân.

  • Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế VAC

    Thời gian qua, Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình đã hướng các hoạt động về cơ sở, hỗ trợ hội viên vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Từ đó góp phần thúc đẩy phong trào VAC ở các địa phương ngày càng phát triển.

Top