Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 9 năm 2021 | 23:12

Ký ức những mùa gặt cũ

Tôi sinh ra ở nơi có sự mặn mòi của gió biển thổi vào và hương vị đằm thắm, khó quên từ cánh đồng làng. Đó là vùng đất hai lúa thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, một thời được mệnh danh là “quê hương 5 tấn”.

Con sông Trà Lý và Diêm Hộ đem những hạt phù sa tốt nhất làm nên những cánh đồng châu thổ màu mỡ, nông dân sống cùng cây lúa, đi qua biết bao mùa vàng. Trong ký ức của tôi về làng quê cũ, là triền đê lộng gió cùng với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những nương dâu mướt mắt nơi bãi bờ.

Tuổi thơ của tôi và bạn bè cùng trang lứa gắn với cánh diều no gió, cánh đồng lúa chín, khi nhỏ thì đi mót lúa, mót khoai, bắt cua, tôm vào buổi trưa hè, chơi khẳng, đánh đáo, bắt cá sọi cờ, lớn hơn thì phụ giúp bố mẹ đi cấy, đi gặt, trồng khoai, hái dâu. 

Có rất nhiều kỷ niệm đọng lại trong ký ức, nhưng điều làm tôi nhớ nhất trong tiết trời cuối thu se lạnh là vụ gặt tháng mười. Đó là khi màu vàng óng của lúa trải ra cánh đồng làng, gọi lũ sẻ ríu ran về, gọi nông dân thu hoạch.

 

 Những năm trước đây chưa có máy gặt người nông dân phải dùng liềm để cắt lúa.

 

Cánh đồng lúa vụ mùa bao giờ cũng chín vàng hơn so với cánh đồng vụ chiêm, thế nên người dân quê tôi có câu ca: "Chiêm xanh vỏ, mùa đỏ rơm". Trong mùi thơm của lúa chín, của rơm tươi, có cả vị nồng của giọt mồ hôi trên vai người nông dân đổ xuống, tích tụ cùng hạt lúa lớn lên.

Những con người sinh ra từ làng quê nghèo mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, dãi nắng dầm sương, thức khuya dậy sớm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Vào mùa gặt người nông dân thường dậy rất sớm để tranh thủ đi gặt lúc mặt trời chưa lên, chiếc xe thồ với đôi sạp và lỉnh kỉnh những liềm, dây, ấm nước, rồi tiếng gọi nhau huyên náo cả đồng trong buổi sớm tinh sương. 

Xa quê đã bao mùa gặt nhưng tôi vẫn không thể quên được thanh âm ấy, hình ảnh ấy. Nhưng thứ đã găm chặt vào tuổi thơ tôi, nuôi chúng tôi lớn lên, thôi thúc cũng tôi trưởng thành.

Đúng là không thể quên những ngày mùa được nhà trường cho nghỉ học hẳn một tuần để giúp người lớn thu hoạch. Tiếng là ra đồng phụ giúp, nhưng khi  người lớn say sưa trên cánh đồng làng, còn lũ trẻ chúng tôi thì thỏa sức đi bắt con muồm muỗm béo múp, sau khi nướng chín ăn thơm ngậy.

Còn nhớ lúc tôi học lớp 5, lần đầu tiên đi gặt được mẹ hướng dẫn cách cầm liềm cắt lúa, cắt xong giũ đầu bông xuống rồi đặt thành từng bó nhỏ ngay ngắn thành hàng, thành lối để thuận tiện cho việc xén lúa, dựng rạ. Cắt nhiều rồi cũng thành quen, sau đó vụ nào cũng theo mẹ đi gặt và cũng làm được tất cả các công đoạn, chỉ là chưa thể thoăn thoắt như những nông dân thực thụ. Trong các công đoạn, dựng rạ là khó hơn cả, đòi hỏi phải khéo léo, dựng thành hình nón sao cho thân rạ phải đều, không bị đổ, bị rối và nhanh khô.

Trước kia, khi chưa có máy tuốt, phải trục bằng trục đá, trục đá có hình trụ tròn được làm từ loại đá vôi màu xanh, nguyên khối, hai đầu trục đá đóng hai cái tai bằng gỗ, dùng dây thừng buộc vào hai cái tai gỗ đó, lúa thu hoạch về rải đều ra sân gạch, một người ở phía trước kéo cái dây thừng kia còn hai người ở phía sau dùng gậy để đẩy, kéo nhiều vòng quanh sân cho đến khi rơm mềm ra, hạt thóc rụng hết thì đem phơi. Rơm sau khi khô được chất thành đống để làm thức ăn cho trâu, bò hoặc đun nấu. Sau này khi có máy móc đã giải phóng sức lao động cho nông dân, người làng ngồi chờ nhau đến lượt mình, nói chuyện nhiều khi thâu đêm.

 

 Người dân dùng trục đá để tuốt lúa là hình ảnh có thể khiến nhiều thế hệ không thể quên (Ảnh T.ANH).

 

Giờ đây, cơ giới hóa trong nông nghiệp đã nâng cao hiệu quả lao động, hình ảnh chiếc xe thồ, cái trục đá không còn nữa, thay vào đó là máy gặt đập liên hợp ngay trên cánh đồng, gặt đến đâu thóc ra đến đó, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí nhân công.   

Tôi đã lớn lên qua bao mùa gặt nên thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của người nông dân đã làm ra hạt thóc cho chúng tôi có cái được gọi là "trẻ quê" vất vả như thế nào. Tôi cứ ước được trở về với ký ức xưa cũ ở làng quê với những cánh đồng tuổi thơ chân thực, vất vả, nhưng ấm áp. Một điều ước giản đơn, nhưng có lẽ sẽ chỉ mãi là điều ước, bởi không ai có thể kéo lùi lịch sử cả.

 

Hữu Thuật
Ý kiến bạn đọc
Top