Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024 | 16:27

Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1473 về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 16, cho 6 di tích trong toàn quốc, trong đó có Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12/11/1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Năm 26 tuổi, ông từ bỏ chốn quan trường về quê ngoại phụng dưỡng mẹ già ở làng Bàu Thượng, xã Tịnh Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Hơn 40 năm náu thân ở chốn “thâm sơn cùng cốc”, ông miệt mài tìm kiếm, khảo cứu, ươm trồng các loại cây thuốc bản địa, làm thơ, dạy học, viết sách, chữa bệnh cứu người. Ông mất năm 1791, để lại cho đời một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật. Mộ ông được táng tại chân núi Minh Tự, bên sông Ngàn Phố.

Ở khu mộ hiện có sân, vườn, mộ đá với tổng diện tích là 12.000m2; khu đón tiếp với tổng diện tích là 13.500m2. Hệ thống đường dẫn từ khu mộ lên tượng đài có diện tích gần 6.000m2, trong đó có 220 bậc tam cấp. Hệ thống phù điêu, tượng đài, sân tượng đài có tổng diện tích là 3.500m2

Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông có diện tích xây dựng là 8.937m2, diện tích trồng cây ăn quả, cây thuốc 6.263m2. Nơi đây có gồm có nhà tiền đường, nhà bia, nhà hậu cung..

Khu tượng đài Danh y Hải Thượng Lãn Ông.

Với Hà Tĩnh, đây là di tích thứ 2 được xếp hạng quốc gia đặc biệt, sau Khu lưu niệm Nguyễn Du được xếp hạng vào năm 2012.

Ngoài ra, Ngã ba Đồng Lộc và Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh 559, 500, huyện Hương Khê là hai điểm thuộc di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1990

Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 diễn ra ngày 21/11/2023 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024.

Việc Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác, huyện Hương Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông (1724 - 2024) sẽ làm tăng thêm ý nghĩa của di tích; mở ra dấu mốc mới trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trên quê hương Hà Tĩnh và cả nước; góp phần làm cho Đại lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh và vinh danh Đại danh y được tổ chức vào ngày 27/12/2024 thêm ý nghĩa.

Ông Trần Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, thông tin, địa phương đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị cho hoạt động tổ chức triển lãm về Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh ở thành phố Hà Tĩnh.

Ban tổ chức cũng đang xây dựng kịch bản Chương trình Nghệ thuật đặc biệt kỉ niệm 300 năm Ngày sinh và vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông.

Chương trình nghệ thuật được chia thành 3 chương gồm: Cơ duyên nghề thuốc; Dấn thân dựng nghiệp; Thênh thang một cánh diều.

Chuẩn bị cho lễ kỉ niệm được trang trọng, hiện nay Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích Khu mộ và Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông ở huyện Hương Sơn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trước ngày 20/12/2024.

Ông Nguyễn Xuân Lương cũng thông tin, theo kế hoạch, tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh và vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông được tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh vào cuối tháng 12/2024 sẽ có màn bắn pháo hoa với 500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top