Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 10 năm 2020 | 13:55

TS. Hà Văn Siêu, Phó TCT Tổng cục Du lịch: “Kích cầu du lịch lần hai sẽ đi sâu vào chất lượng”

“Chương trình kích cầu du lịch lần hai không chú trọng vào số lượng mà đi sâu vào chất lượng. Chúng tôi kỳ vọng chương trình này sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch sống lại; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón khách quốc tế ngay khi có thể...”.

sun-world-baden-mountain-2.jpg

 Sun World BaDen Mountain.

 

Đó là những chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (TCDLVN) Hà Văn Siêu ngay sau khi chương trình Kích cầu du lịch lần thứ 2 vừa được khởi động, nhằm nỗ lực hâm nóng thị trường du lịch sau đợt tấn công thứ hai của dịch Covid-19.

Vì sao TCDLVN, Bộ VHTTDL lựa chọn thời điểm này để khởi động chương trình kích cầu du lịch đợt hai, thưa ông?

Thứ nhất, chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động ngày 8/5/2020 đã đạt được sự hưởng ứng rất tích cực, mãnh liệt và đồng loạt của các địa phương, doan nghiệp, người dân. Chương trình thành công ngoài mong đợi vì sau giai đoạn dài giãn cách xã hội, nhu cầu đi du lịch rất lớn. Chương trình đã đón đúng thời điểm, kích hoạt lại các hoạt động du lịch để nhu cầu đó được thực hiện.

Hiện nay, dịch Covid-19 lần hai xuất hiện tại Đà Nẵng và một số địa phương đã cơ bản được kiểm soát tốt, chặn đứng sự lây lan, chuyển sang giai đoạn bình thường mới nên TCDL lập tức tham mưu cho Bộ VHTTDL khởi động chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” sau thời gian du lịch bị ngưng trệ.

Mặt khác, giai đoạn này đã tích lũy được những bài học từ giai đoạn trước nên chúng ta tự tin hơn để làm du lịch an toàn, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới vẫn còn dịch Covid-19.

Chương trình kích cầu du lịch đợt này có những điểm gì khác so với đợt trước, thưa ông?

Về hình thức, chúng ta vẫn dựa trên sự hưởng ứng, đồng lòng của các doanh nghiệp du lịch. Họ cùng nhau liên kết, tạo nên những liên minh kích cầu theo chuỗi cung ứng dịch vụ để xây dựng những sản phẩm chất lượng, giá hấp dẫn, đúng với nhu cầu của du khách. Du khách sẽ được hưởng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, với giá hấp dẫn nhất, còn doanh nghiệp sẽ có cơ hội thu hút đông đảo du khách quay trở lại.

 

pho-tct-tcdl-ha-van-sieu.jpg

 TS. Hà Văn Siêu, Phó TCT Tổng cục Du lịch.

 

Đợt này, chúng ta tập trung đẩy mạnh về xúc tiến điểm đến, đặc biệt là những điểm đến mới và kết nối các điểm đến mới tạo ra những yếu tố mới. Thông điệp chính của đợt kích cầu này là “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. An toàn là người kinh doanh, người đón tiếp, người phục vụ phải đảm bảo điều kiện về phương tiện, quy trình, được trang bị đồ bảo hộ cũng như kiến thức để đảm bảo an toàn cho chính mình và du khách. Khách du lịch qua giai đoạn phòng, chống dịch vừa rồi cũng đã ý thức hơn về việc đảm bảo an toàn như không tập trung quá đông người, phạm vi hẹp, khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn... Cả người làm du lịch và người đi du lịch đều ý thức và thực hiện các biện pháp an toàn thì chúng ta có thể tự tin rằng, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi sinh trong bối cảnh hiện nay.

Về thông điệp hấp dẫn, ở đây là sức hấp dẫn từ giá và chất lượng dịch vụ. Khi các liên minh kích cầu hình thành trong chương trình kích cầu đầu tiên có sự kết nối, hợp tác ngày càng chặt chẽ, thì sản phẩm dịch vụ sẽ có mức giá ngày càng hấp dẫn và chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao hơn.

Lần này, các doanh nghiệp cũng đưa ra chính sách hoãn, hủy, đổi rất linh hoạt, để khách yên tâm là nếu có xảy ra vấn đề gì thì vẫn được bảo đảm dịch vụ và không mất tiền, không bị thiệt gì. Từ đó, tạo ra tâm lý an tâm cho du khách.

Điểm khác biệt nữa là trong chương trình kích cầu lần này, Chính phủ đã có những kinh nghiệm, Bộ Y tế cũng cùng vào cuộc với ngành du lịch để điều phối các luồng khách nhằm đảm bảo an toàn cũng như gợi mở những điểm đến mới. Ngành du lịch cũng đang tìm những giải pháp, kiến nghị bằng các chính sách hỗ trợ, điều tiết để các dòng khách hài hòa theo xu hướng du lịch bền vững hơn, không nặng về số lượng mà đi sâu vào chất lượng. Do đó, lượng khách có thể không tăng nhiều nhưng tổng thu du lịch có thể tăng.

 

yoko-onsen-quang-hanh-51.jpg

 Yoko Onsen Quang Hanh.

 

Một điểm nữa là trong những chương trình kích cầu du lịch, các Tập đoàn lớn có vai trò vô cùng quan trọng, phối hợp với địa phương chủ động tạo nên những điểm đến mới, sản phẩm du lịch mới, tạo nên sức hút đối với du khách. Chúng ta không còn quá bị lệ thuộc vào những điểm đến quen thuộc nữa.

Ví dụ, vừa qua Tập đoàn Sun Group đầu tư điểm đến mới –Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen ở Quang Hanh (Quảng Ninh) rất hấp dẫn. Cùng với đó là các khu vui chơi giải trí Sun World liên tục được làm mới, điển hình như Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) là những điểm đến trước đây chưa được du khách biết đến nhiều. Bên cạnh đó là mùa lúa chín Tây Bắc, mùa hoa dã quỳ ở Tây Nguyên, mùa nước nổi ở miền Tây, đây là lúc kích hoạt những yếu tố mới đó.

Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp du lịch đều đang gặp khó khăn, hầu hết đã kiệt quệ và mong muốn được hỗ trợ về mặt chính sách. TCDL có giải pháp hoặc đề xuất gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua cơn khủng hoảng này?

Hiện những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch chưa thực sự được tháo gỡ. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải dừng hoạt động. Mặc dù Chính phủ có gói hỗ trợ về tài chính, thuế, an sinh xã hội, nhưng doanh nghiệp du lịch chưa chạm tới được. Vì thế, chương trình kích cầu du lịch lần này chính là một trong những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sống lại trước khi quá muộn. Đây cũng là sự hỗ trợ thiết thực nhất về mặt chủ trương, chính sách.

Chúng tôi tin rằng, sau khoảng một đến hai tuần, các điểm đến thu hút du khách trở lại, tất cả các dịch vụ sẽ được mở lại. Du lịch phục hồi sẽ góp phần giúp bức tranh kinh tế - xã hội bừng sáng. Bài học kinh nghiệm từ chương trình kích cầu du lịch nội địa cũng sẽ là bước chuẩn bị để chúng ta có thể đón du khách quốc tế, ở đây chính là những chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam... có điều kiện khám phá vẻ đẹp Việt Nam.

yoko-onsen-quang-hanh-44.jpg

 Chương trình kích cầu du lịch lần này nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên. Các bên liên kết, liên minh tạo thành sức mạnh, được kỳ vọng sẽ tạo nên một chu kỳ mới cho tăng trưởng du lịch và tất cả các bên đều được hưởng lợi.

Ngoài ra, vừa qua, TCDL cũng đã tham mưu cho Bộ VHTTDL có văn bản số 3406/BVHTTDL-TCDL trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Trân trọng cảm ơn ông!

PV
Ý kiến bạn đọc
  • SeABank được vinh danh Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024

    SeABank được vinh danh Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024

    Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) vinh dự được vinh danh Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 (Best Places To Work 2024) do Anphabe cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.

  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

Top