Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  

Điện Biên kỳ vọng làm giàu từ cây mắc ca

Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024 | 14:32

Cây mắc ca là kỳ vọng xóa đói, giảm nghèo của người dân Điện Biên Phủ, khi gần 10 năm về trước, cây mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm thông qua một số chương trình, dự án ở huyện Tuần Giáo.

​Cây mắc ca được đánh giá là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một tỉnh miền núi chịu được hạn, sương muối... Sau khi đưa vào trồng thí điểm, đến nay, cây mắc ca ở huyện Tuần Giáo đã cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.

Đến cuối năm 2023, tỉnh Điện Biên có 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trồng 91.645ha. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án gần như “giậm chân tại chỗ” về tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Gần giữa tháng 8/2023, các vườn mắc ca trên địa bàn Tuần Giáo bước vào vụ thu hoạch. Các cây trồng từ năm 2018 trở về trước đã cho thu ổn định, lượng quả nhiều. Các cây trồng năm 2019, 2020 đã bắt đầu ra bói. Với khoảng 1.000ha diện tích mắc ca cho quả, mùa mắc ca năm nay tại Tuần Giáo rộn ràng hơn những năm trước.

Tại điểm tập kết quả của Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên, hàng trăm bao mắc ca tươi xếp thành hàng ngay ngắn, chờ vận chuyển đến nơi sơ chế, chế biến. Năm 2023, Công ty có khoảng 250ha mắc ca cho quả, tăng 100ha so với năm trước. Diện tích mắc ca trải trên 9 điểm đồi. Để kịp thời thu hoạch và bảo vệ các vườn mắc ca, Công ty thuê hàng chục đến gần trăm người dân trên địa bàn thu hái đồng loạt mỗi điểm đồi, với tiền công 2.500 đồng/kg quả, tạo việc làm thời vụ cho đồng bào địa phương.

Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên chăm sóc diện tích cây mắc ca tại xã Quài Nưa.

Ông Đỗ Văn Hữu, đại diện Công ty Cổ phần Macadamia cho biết: “Năm nay, Công ty thu được gần 200 tấn quả, tăng so với năm trước do có thêm một số diện tích cho thu hoạch và năng suất năm nay cũng khá hơn, chất lượng vẫn được duy trì tốt. Công ty hiện có tổng diện tích 800ha, những năm tiếp theo chắc chắn sẽ còn được thu hái nhiều hơn”.

Hiện, địa bàn huyện Tuần Giáo, số diện tích cây mắc ca phân tán (của người dân trồng) đã cho quả lớn hơn số diện tích của doanh nghiệp. Diện tích cây phân tán tập trung chủ yếu tại xã Quài Nưa. Gia đình ông Lò Văn Chanh, bản Pha Nàng bắt đầu trồng thử nghiệm mắc ca từ năm 2013, đã được thu quả nhiều năm. Năm nay, gia đình ông có gần 100 cây có quả, tổng thu gần 2 tấn.

Người dân thu hái mắc ca.

Ông Chanh trao đổi: “Trung bình mỗi cây mắc ca của gia đình tôi cho thu hoạch 20kg quả tươi, với giá bán 30.000 - 35.000 đồng/kg. Năm nay, giá thấp hơn những năm trước nhưng sức mua lớn. Rất nhiều thương lái, cá nhân vào đặt mua và mua số lượng lớn, gia đình không hái kịp hoặc không đủ để bán. Vì thế, mùa thu hoạch năm nay diễn ra nhanh chóng. Dù giá không được như những năm đầu nhưng mắc ca mỗi năm cho quả nhiều hơn, nên vẫn mang lại giá trị kinh tế tốt, nguồn thu khá cho gia đình”.

Với hiệu quả kinh tế ấy, gia đình ông Chanh cũng như bao hộ trồng mắc ca khác trên địa bàn đang tích cực chăm sóc, mở rộng diện tích trồng, đồng thời thay thế các cây không năng suất, chất lượng. Ông Chanh chia sẻ thêm, thời gian đầu trồng thử nghiệm, chưa biết lựa chọn giống mắc ca phù hợp nên hiện giờ có cây thu được 40 - 50kg quả, nhưng có cây chỉ cho vài cân quả. Vì thế, mỗi năm ông Chanh lại “lọc” một số cây, chặt bỏ, trồng thay thế cây mới. Cùng với đó, năm nay gia đình ông đầu tư trồng thêm 100 cây. Theo tính toán của ông, cùng với các diện tích hiện có, thì chỉ 3 – 5 năm nữa, gia đình ông sẽ có nguồn thu đảm bảo từ mắc ca với hàng trăm cây cho thu hoạch.

Chế biến mắc ca.

Năm nay, lượng mắc ca được thu mua nhiều, nhưng cung không đủ cầu nhờ ngày càng nhiều người biết đến lợi ích cho sức khỏe của hạt mắc ca. Nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn huyện đã đầu tư cở sở, máy móc, thu mua mắc ca để thực hiện chế biến, với giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg quả tươi; và bán ra thị trường khoảng 270.000 - 300.000 đồng/kg quả sấy khô. Nhờ đó, sản phẩm mắc ca Tuần Giáo không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà đi khắp các tỉnh, thành trong nước.

Vụ này, cơ sở chế biến của gia đình bà Doãn Thị Thoa (khối Tân Giang, thị trấn Tuần Giáo) cũng tiếp tục thu mua mắc ca của các vườn trên địa bàn huyện về chế biến. Bà Thoa chia sẻ: “Tôi mua mắc ca về chọn lọc theo các kích cỡ quả. Quả nhỏ để tách vỏ lấy nhân, bán nhân tươi cho những người có nhu cầu. Quả to, đẹp sẽ được kiểm tra kỹ càng, sấy khô, cắt vỏ để đóng hộp bán. Năm nay nhiều người thu mua mắc ca nên mùa nhanh hết. Cơ sở chúng tôi đã mua được hơn 40 tấn quả tươi, nhanh chóng chế biến, đảm bảo chất lượng, cung cấp cho các thị trường quen thuộc, như: Điện Biên, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng...”.

Mùa mắc ca năm 2023 kết thúc, cả người nông dân, doanh nghiệp và các hộ chế biến mắc ca trên địa bàn Tuần Giáo đều thu được thành quả xứng đáng. Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo đánh giá: “Năng suất, chất lượng và việc tiêu thụ mắc ca vụ này một lần nữa khẳng định đây là loại cây trồng phù hợp với Tuần Giáo. Năm sau, số diện tích cây mắc ca cho thu quả và sản lượng mắc ca sẽ còn tăng lên nhiều. Huyện tiếp tục tập trung chăm sóc, phát triển diện tích cây mắc ca trên địa bàn và xây dựng các liên kết hướng đến đảm bảo đầu ra cho nông sản này”.

Về cơ sở chế biến, đến năm 2030 khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; nâng cấp 65 cơ sở sơ chế, chế biến hiện có, xây dựng mới khoảng 300 - 400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100 - 200 tấn hạt/năm.

Đề án nêu rõ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000 - 15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.

Thực hiện Đề án với mong muốn đưa Điện Biên trở “thành thủ phủ cây mắc ca”, tỉnh Điện Biên đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai và các chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca đến nay, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 10 dự án trồng cây mắc ca, với tổng diện tích dự kiến trồng tập trung gần 63.000ha.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các dự án trồng cây mắc ca tỉnh Điện Biên hồi cuối năm 2023, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Điện Biên (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết: Các dự án trồng cây mắc ca tại Điện Biên đều không bảo đảm diện tích trồng mới theo tiến độ đã được phê duyệt; một số dự án bê trễ, nợ lương, nợ công người lao động càng khiến người dân quanh vùng dự án hồ nghi, giảm niềm tin.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc (phụ trách) Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, thông tin: Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Điện Biên có 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương, với quy mô hơn 91.000 ha.

Địa bàn triển khai các dự án gồm 9 huyện, thành phố: Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên.

Hiện, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh giảm quy mô các dự án xuống còn 61.223ha với tổng diện tích điều chỉnh giảm là 35.853ha thuộc 7 dự án. Trong đó, dự án trồng thâm canh cây mắc ca tại huyện Nậm Pồ chấm dứt hoạt động (giảm 5.869ha); 3 dự án tại huyện Điện Biên và Điện Biên Đông được điều chỉnh giảm 2.335ha; 3 dự án tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tủa Chùa ngừng hoạt động một phần dự án (giảm 27.649ha).

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tất cả các dự án mắc ca đều không đạt diện tích trồng hàng năm theo tiến độ đã được phê duyệt và cam kết của nhà đầu tư. Hiện nay, các dự án đã thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai được 21.573ha, đạt 35% tổng diện tích phải đo đạc; tổ chức trồng được 6.629ha, đạt 15% kế hoạch phê duyệt đến năm 2024. Đến nay, có 4 dự án đã vượt quá thời gian thực hiện trồng theo tiến độ được duyệt; 2 dự án hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2023; 6 dự án sẽ hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2025 và 1 dự án hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2028.

Khó khăn đầu tiên và lớn nhất hiện nay là đa số các nhà đầu tư đều khó huy động nguồn vốn thực hiện dự án. Thiếu vốn nên việc đầu tư mở rộng diện tích khó thực hiện.

Đồng tình với nhận xét, đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, hầu hết các nhà đầu tư dự án mắc ca tại Điện Biên đều thừa nhận, hiện đang khó khăn về vốn; cùng với đó là khó khăn trong hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất vùng dự án.

Cây mắc ca có thể giúp người dân Điện Biên thoát nghèo, làm giàu.

Ông Kiều Quyết Thắng, đại diện Công ty cổ phần HD Kinh Bắc đang triển khai dự án tại huyện Điện Biên Đông cho biết: Quá trình thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai của các hộ dân vùng dự án, chúng tôi thấy tồn tại nhiều sai lệch về diện tích, vị trí, ranh giới giữa đo đạc thực tế so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người dân đã được cấp; sổ địa chính của địa phương ghi rõ ràng là đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng tại địa bàn thì người dân chưa được nhận…

Chung khó khăn như đại diện Công ty cổ phần HD Kinh Bắc đề cập, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Liên Việt Mường Chà (chủ đầu tư dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Chà) cho biết thêm, khó khăn do người dân thả gia súc vào vườn cây, tình trạng trộm cắp cây mới trồng và tranh chấp quyền sử dụng đất của người dân tại địa bàn khi nghe tin nhà đầu tư đo đạc, chi trả hỗ trợ công khai hoang…

Đánh giá cao nỗ lực của các nhà đầu tư đã chủ động khắc phục khó khăn để thực hiện dự án, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho rằng: Tiến độ trồng mới cây mắc ca dù đã có chuyển biến so với năm trước, nhưng vẫn không bảo đảm tiến độ cam kết của nhà đầu tư và tiến độ chung đã được tỉnh đặt ra; các hợp phần liên kết hầu như chưa triển khai, thực hiện chưa có kết quả.

Nhân mắc ca.

Cụ thể là hồ sơ thu hồi hơn 200ha đã được nhà đầu tư hoàn thiện, người dân đã có đơn trả lại đất cho địa phương, vậy mà Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện không tham mưu, không giải quyết thì rõ ràng là sợ sai, sợ trách nhiệm, chứ không thể đổ lỗi không có hướng dẫn hay quy định.

Nhấn mạnh nhiệm vụ các huyện, các ngành và các chủ đầu tư phải thực hiện bảo đảm mục tiêu phát triển cây mắc ca đã được xác định trong năm 2023 và những năm tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị từ cơ sở.

Trước nhất là cán bộ, người dân vùng dự án đồng thuận, nắm được chủ trương và hiểu tường tận chính sách, để từ đó mọi người, mọi cấp đồng lòng cùng nhà đầu tư thực hiện.

Cùng với đó, các huyện, thành phố có các dự án mắc ca đã được phê duyệt phải chủ động nghiên cứu, vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân thực hiện trồng mắc ca theo hình thức liên kết bảo đảm tiến độ, hiệu quả bền vững.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, việc đầu tư phát triển cây mắc ca đã mang lại giá trị kinh tế to lớn cho đồng bào các dân tộc, phù hợp mục tiêu của Nhà nước là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo lợi thế từng vùng miền, nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Vì thế, việc định hướng và giải pháp phát triển bền vững mắc ca trong thời gian tới là rất cần thiết, nhằm đưa mắc ca trở thành một trong những cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới; đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc ca.

Nội dung: Chanh - Thiết kế: Trường Minh

Xem thêm

[1] 2 3Trang cuối
Top